Đi tìm thị trường tranh Việt

GD&TĐ - Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Việt Nam đã có thị trường tranh chưa? Nhất là khi tranh của một số họa sĩ người Việt được bán với giá khá cao ở nước ngoài; trong khi nạn tranh giả vẫn tồn tại như một thách thức.  

Đi tìm thị trường tranh Việt

Từ nhận xét của một nhà báo nước ngoài

Cách đây chưa lâu, trong giới họa sĩ xôn xao khi tờ The New York Times (Mỹ) đăng bài viết về thị trường tranh Việt. Tác giả bài báo, Richard C.Paddock, cho rằng đây là thị trường nhiều “chiêu trò”, vi phạm bản quyền và “ngập đồ giả”.

Tác giả bài báo này đã đề cập đến nạn sao chép tranh giả trên thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Từ đây, người ta nhớ lại vụ việc từng gây chấn động giới mỹ thuật, đó là triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, khi có tới 15/17 tranh trong triển lãm bị phát hiện là tranh giả, hay kém chất lượng… Họa sỹ Thành Chương là người đầu tiên (và cũng là người quyết liệt nhất) lên tiếng phản ứng về vụ này. Bởi, có bức của ông lại mang tên tác giả khác.

“Phát hiện của Thành Chương đã lộ ra một vụ bê bối làm rung chuyển cả giới mỹ thuật Việt và nêu bật một sự thật đáng xấu hổ: Thị trường mỹ thuật Việt - nơi từng có những bức tranh vẽ trước chiến tranh, gần đây có giá cả triệu USD- lại có nhiều dối trá. Dù đang được nhận ra nhiều hơn trên thị trường quốc tế, nhưng các họa sĩ và thương nhân buôn bán tranh Việt vẫn phải đương đầu với vấn nạn đạo nhái ngày một nở rộ… Vài bức họa của Tô Ngọc Vân và Lê Văn Đệ từng được nhìn thấy tại sự kiện đấu giá quốc tế, trong khi các tác phẩm trông giống hệt chúng vẫn đang treo tại bảo tàng mỹ thuật tại Hà Nội”- Richard C.Paddock viết trên tờ New York Times.

Cũng cần nói thêm rằng, dạo cuối tháng 3/2018, nhà đấu giá Aguttes (Pháp) mở phiên đấu giá tranh của các họa sĩ Việt Nam thuộc thế hệ Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có bức “Thôn nữ Bắc kỳ” của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Khởi điểm với mức giá 35.000 euro, bức tranh nhanh chóng nhận được sự quan tâm và tăng giá mạnh qua các lượt đấu để rồi được chốt ở mức giá 205.000 euro (tương đương 5,9 tỷ đồng Việt Nam). Tuy nhiên, sau đó lại có ý kiến cho rằng, bức tranh trong phiên đấu giá có nhiều chi tiết khác biệt so với ảnh chụp bức tranh vào năm 1936.

Vậy, đâu là sự thật? Và phải làm gì để lấy lại vị thế thực sự cho mỹ thuật Việt Nam cũng như những tác giả hội họa Việt Nam? Những câu trả lời kiểu như vậy không mới, nhưng tiếc thay vẫn chưa có câu trả lời.

Tranh chép đã hết thời hay chưa?

Tuy nhiên, người ta cũng đã thấy một vài điểm sáng trong mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Trước hết, đó là tranh “nhái”, sao chép một cách ngây ngô không còn được chuộng. Đó là những tranh được “chép” lại tùy tiện, chất liệu toan lẫn màu đều kém, tay nghề kém, thẩm mỹ kém dẫn đến sự sai lạc không thể chấp nhận đối với tác phẩm.

Tại Hà Nội, đã có thời tranh “chép” bán trên nhiều dãy phố, nhiều nhất là tại đường Nguyễn Thái Học và Bà Triệu. Tại đây, người ta dễ dàng tìm thấy những bức tranh nhái công khai tác phẩm của các bậc danh họa thế giới như Picasso, Matiz, Van Gogh... và nhiều hơn là những vẽ mô tả cảnh đường phố, làng quê, dòng sông, bến nước con đò..., của các họa sĩ đã thành danh trong nước. Bức này na ná như Bùi Xuân Phái, bức kia có cảm giác như “gặp lại” Nguyễn Tư Nghiêm. Lại có bức như đang “đối diện” với Nguyễn Sáng, Đỗ Gia Trí...

Nay, loại tranh “chép” này đã ít đi, vì rằng đã ít người còn hào hứng bỏ tiền ra để vác chúng về nhà, treo trên tường.

Một sinh viên trường mỹ thuật Yết Kiêu cho biết, khoảng 2 năm đổ về trước, mỗi tháng anh kiếm được khoảng 10 triệu đồng từ việc chép tranh thuê. Nhưng hiện tại, năm thì mười họa mới được thuê chép. “Thẩm mỹ người dân đã nâng lên, nên tranh chép, tranh nhái không còn được chuộng nữa”- sinh viên này cho biết.

Nhưng, ở một góc khác, một họa sĩ khá nổi tiếng dòng sơn dầu cho biết, người ta vẫn thuê người chép “giống như thật” tranh của các danh họa. Tất nhiên, người được thuê phải có tay nghề cao cường. Những bức tranh như vậy vẫn “tìm được địa chỉ” với giá cao. Như vậy, thị trường tranh giả vẫn tồn tại mà chưa có cách dẹp bỏ.

Ai là người thẩm định?

Cuối năm 2018, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) đã thành lập Trung tâm Giám định tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh với nhiều chuyên gia, họa sĩ uy tín. Kể cả việc phối hợp với chuyên gia, máy móc của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Như vậy, tranh giả đã là chuyện hình sự chứ không phải là chuyện... văn nghệ nữa rồi!

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam thì điều này sẽ làm cho việc giám định tranh được công khai. Có lẽ ông Đoàn muốn nói đến việc một số sàn bán đấu giá tranh trong nước cho biết mình cũng có chuyên gia, nhưng lại không công khai danh tính. Như vậy, liệu có thể tin vào những “chuyên gia thẩm định” như vậy không? Câu trả lời sẽ là “không”.

Ở một góc nhìn khác, nói như ông Trần Quốc Hùng (Nhà đấu giá Chọn) thì ở Việt Nam, các chuyên gia thẩm định tranh phải chịu một áp lực rất lớn, trong khi ở nước ngoài việc chuyên gia thẩm định tranh công khai là chuyện bình thường, họ cũng không mấy áp lực. Việc thẩm định một bức tranh nghệ thuật là thật hay giả thuộc trách nhiệm từ nhiều đơn vị chức năng liên quan, từ nhiều người chứ không thể quy hết cho một người.

Cũng về vấn đề này, họa sĩ Đỗ Phấn cho rằng, hiện hoạt động mỹ thuật ở ta hay cũng có mà dở cũng có. Theo ông, cái dở chính là khả năng kiểm soát những tác phẩm mang bày hoặc đấu giá chưa được chuẩn mực. “Điều khiến tôi suy nghĩ nhất là phong trào sưu tập tranh của các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương đã đẩy giá tác phẩm của họ lên một tầm mức chưa từng thấy. Nhiều bức tranh của họa sĩ Việt Nam đã có mức giá như các bậc thầy châu Âu. Thậm chí, vài bức còn cao giá hơn cả những thiên tài hội họa. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Thẩm mỹ của người Việt có thực sự cao đến thế không?”- ông Đỗ Phấn bày tỏ suy nghĩ riêng.

Lĩnh vực hội họa, sự kiện quan trọng nhất năm 2018 chính là “cuộc trở về” gần 500 tác phẩm của một số họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, được Tập đoàn Thái Bình Dương mua từ nhà sưu tập nước ngoài để đưa về trưng bày tại Việt Nam. Trong đó có một số tác phẩm thuộc hai bộ tứ “Trí - Lân - Vân - Cẩn” và “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” và của một số họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ kháng chiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ