Ca sĩ, người mẫu Thủy Tiên: Trưởng thành từ tình mẹ bao la

GD&TĐ - Ca sĩ, người mẫu, diễn viên Thủy Tiên, vợ của danh thủ bóng đá Lê Công Vinh, có dáng dấp thướt tha, đài các. Thế nhưng, thời thơ ấu, cô là một đứa trẻ gầy ốm, sống trong cảnh nghèo khó. Gia đình cô từng có ân tình sâu nặng với nhà chùa, bởi đây là nơi đã chăm sóc, giúp mẹ cô vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Ca sĩ, người mẫu Thủy Tiên
Ca sĩ, người mẫu Thủy Tiên

Người cha chia sẻ ước mơ

Thủy Tiên sinh năm 1985 tại Rạch Giá, Kiên Giang, là con một trong gia đình có cha là người Việt, mẹ là người Việt gốc Hoa. Tuổi thơ Thủy Tiên không êm đềm như bao đứa trẻ cùng trang lứa, bởi năm cô lên 9 tuổi, bố cô đã qua đời sớm vì căn bệnh lao phổi.

Trước đó, Thủy Tiên từng có một gia đình hạnh phúc, được cha mẹ nâng niu chiều chuộng. Cô mơ ước trở thành ca sĩ từ khi còn tấm bé và cha cô đã hứa sẽ đứng bên cạnh cô để đưa ước mơ đó thành hiện thực.

Điều đáng buồn, lời hứa đó không thành hiện thực vì ông bị căn bệnh lao phổi oan nghiệt cướp đi sinh mạng. Biến cố đó đã đưa cuộc đời Thủy Tiên sang một trang khác.

(Sau này, khi quen biết với nhạc sĩ Quốc Bảo, Thủy Tiên thổ lộ nỗi mất mát này, và Quốc Bảo đã chia sẻ qua một ca khúc có những ca từ thắm thiết: “Tuổi thơ vỡ từ khi thấy cha khóc thầm/ Giọt lệ lấp lánh/ Tuổi thơ chưa hề biết đau lòng…”).

Càng bị bệnh tật hành hạ, người cha càng thể hiện tình yêu mãnh liệt với cô con gái, có lẽ ông dự cảm rằng nếu thiếu vắng ông, Thủy Tiên sẽ rất khó khăn trong cuộc sống.

Thủy Tiên nhớ lại: “Trước khi mất, cha đưa cho tôi 200 đồng bảo đi mua mấy quả chuối về ăn. Cha vuốt tóc tôi và hỏi, nếu cha chết con có buồn không Tiên? Khi đó tôi cứ trách cha nói gở chứ không biết rằng, với căn bệnh nan y của mình, cha tôi biết chắc ông sẽ không qua khỏi nên mới nói thẳng ra như thế. Một tháng sau cha mất, để lại cho tôi một khoảng trống bao la”.

Không hiểu vì lẽ gì, sau khi cha cô mất, họ hàng nhà nội tỏ ra lạnh nhạt, dửng dưng với mẹ con cô. Những cái Tết tuổi thơ sau khi cha cô mất là thời điểm buồn bã, thiếu thốn cả tình cảm lẫn vật chất.

Hình ảnh những đứa trẻ đồng lứa trong dòng tộc ăn mặc đẹp, bánh mứt, phong bao lì xì đầy tay cười nói trước mặt Thủy Tiên (trong khi cô trơ trọi thiếu thốn) khiến cô hụt hẫng biết bao. Nhưng chính vì thế, trong tâm trí của cô bé mới lớn một ý chí dù chưa thành hình rõ nét: Sẽ trở thành một con người sống có ích, mạnh mẽ, đường hoàng để góp mặt một cách vững vàng với cuộc đời.

Thủy Tiên (phải) và mẹ thời thơ ấu.
 Thủy Tiên (phải) và mẹ thời thơ ấu.

Người mẹ hết lòng vì con

Bù đắp cho sự thiếu thốn vật chất, tình cảm trong năm tháng ấy của Thủy Tiên, mẹ cô đã yêu thương, lo lắng hết mực cho cô. Từ nỗi đau của mình, bà càng cảm thông với nỗi đau của đứa con gái nhỏ nên “vừa là mẹ vừa là cha” trong mọi săn sóc, dạy dỗ Thủy Tiên.

Chồng mất khi con son trẻ nhưng bà mặc nhiên coi như đời mình đã qua một con dốc, từ chối các mối quan hệ với những người đàn ông tìm đến. Thậm chí có người chia sẻ với bà rằng, họ đến với bà là để chia gánh nặng chăm sóc, nuôi nấng Thủy Tiên cho nên người, nhưng bà vẫn một mực im lặng.

Từ đó, mẹ của Thủy Tiên đã bươn chải, làm mọi việc để cho Thủy Tiên được đến trường, được ăn mặc tương đối như những đứa trẻ cùng trang lứa. Tình yêu của người mẹ được Thủy Tiên cảm nhận ngay vì có những đêm sau khi cha mất, cô và mẹ ôm nhau ngủ như một cách an ủi, động viên nhau phải sống vươn lên.

Tuy nhiên, cũng có những lúc Thủy Tiên tỉnh giấc nửa đêm mà không thấy mẹ đâu, cô lo lắng vùng dậy đi tìm thì thấy bà đang gục đầu khóc bên bàn thờ cha. Thủy Tiên biết mẹ cô đơn lắm, mẹ còn yêu cha lắm, mặc dù rất cần nương tựa mẹ, nhưng lúc đó cô chỉ trân trân nhìn, không nỡ phá vỡ giây phút riêng tư của mẹ.

Thủy Tiên thường thấy bà thắp nén hương mới cho cha khi nén hương trên bàn thờ sắp tàn.

Bị người thân hắt hủi, cuộc sống của hai mẹ con Thủy Tiên gặp không ít sóng gió. Do quá lo lắng cho con, lại cố sức làm việc, mẹ của Thủy Tiên bị đau dạ dày nặng, thường xuyên nôn ra máu.

Nhà nghèo, không có tiền đi khám bệnh, ai cũng nghĩ mẹ cô bị lây lao phổi của cha cô nên cho uống thuốc lao phổi. Thế là càng uống bệnh càng nặng thêm, đến mức có nguy cơ bỏ mạng. Thấy vậy, một số bà con chòm xóm đã đưa mẹ Thủy Tiên vào chùa, nhờ nhà chùa cưu mang. Bà được các sư trong chùa cho tá túc trong gian phòng nhỏ phía sau chùa, ngày ngày uống thuốc sắc từ các loại rễ, lá cây, cũng nhằm duy trì chút hơi tàn lực kiệt.

Nhưng không ngờ, sức khỏe bà hồi phục chỉ sau một tháng ở chùa khiến ai cũng ngỡ ngàng, xúc động. Khi ngồi dậy được, mẹ của Thủy Tiên ôm con gái vào lòng nói: Suýt nữa mẹ có lỗi với con là bỏ con ở lại một mình trên đời. Từ nay mẹ ráng sống để lo cho con.

Hai mẹ con Thủy Tiên vì thế lại có thể tiếp tục sống bên nhau, chăm sóc, an ủi và cùng vượt qua những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời.

Cả đến nay, dù nổi tiếng, đối với Thủy Tiên, mẹ vẫn luôn là người cô yêu thương và trân trọng nhất. Hai mẹ con “khắc khẩu”, cứ ở gần là va chạm, là như nước với lửa, nhưng hễ đi xa mẹ, cô lại thấy nhớ mẹ vô cùng, lại muốn trở về trong vòng tay mẹ như khi còn thơ bé.

Đến bây giờ khi đã có cuộc sống sung túc, cô vẫn không quên nỗi ám ảnh về cái nghèo, khi mà ngày nào cũng thèm được ăn những cái bánh mì đến ứa nước miếng mà không có, dù thật ra nó khô queo và khó nuốt vô cùng.

Cô thấm thía cảnh nghèo từ chính cái bánh mì đó, đến nỗi ghê sợ cái nghèo kinh khủng đang đeo bám mình. Bù lại, ngày nay gặp miếng gì ngon, cô lại nhớ đến mẹ, muốn mang về dâng cho mẹ, dù có thể bị coi là “còn trẻ mà lẩn thẩn”.

Ca sĩ, người mẫu Thủy Tiên: Trưởng thành từ tình mẹ bao la ảnh 3

Mẹ vẫn nâng bước con trên từng sàn diễn.

Tuổi thơ gặp nhiều sóng gió và bị ghẻ lạnh, nên từ nhỏ Thủy Tiên đã ương bướng, ngang ngạnh và già dặn so với tuổi. Cô tự tạo cho mình một nghị lực sống mãnh liệt và mạnh mẽ sớm tìm một hướng đi.

Thế nên, ngay sau khi vừa thi xong kì thi tốt nghiệp THPT, cô đã một mình bắt xe lên TPHCM chỉ với hai bàn tay trắng, hoàn toàn xa lạ giữa đất Sài thành. Cô tìm chỗ trọ, tự kiếm vài việc vặt làm thêm để có tiền trang trải và không quên nhắn với mẹ rằng, cô đang chuẩn bị thi vào Đại học Kinh tế.

Sở dĩ Thủy Tiên nhấn mạnh đến Đại học Kinh tế là vì lúc ấy, do bị ám ảnh bởi sự thiếu thốn, nghèo khó, mẹ cô luôn nghĩ cô phải học về ngành kinh tế. Kỳ thực lúc đó cô nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật TPHCM. Mãi đến khi có giấy báo nhập học, mẹ Thủy Tiên quá sức ngỡ ngàng, bà tất tả lên TPHCM tìm cô, bắt cô về bằng được, hoặc không thì phải đổi trường. Nhưng cuối cùng, bà cũng thất bại trước ý chí và sự kiên quyết của Thủy Tiên.

Cô còn nói với mẹ: “Chính mẹ đã dạy con rằng phải biết yêu thích cái gì mình chọn và theo nó đến cùng mà”. Lúc đó bà đã phải cười trừ, và từ đó mở ra một hành trình khác của hai mẹ con. Bà còn tiếp tục theo dõi, hỗ trợ Thủy Tiên suốt những năm tháng cô đi học cho đến ngày cô bước lên sân khấu ca nhạc.

Thời điểm đó, chính bà là người vỗ tay chúc mừng con đầu tiên và cho đến nay, là mẹ của một ca sĩ, người mẫu, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, bà vẫn khiêm nhường ẩn sau bóng dáng con, thương yêu chăm sóc cô như thuở nào nghèo khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ