“Ẩn số” Kiều Bích Hậu

GD&TĐ - Ngẫu nhiên đến với thi ca để rồi Kiều Bích Hậu bất ngờ nhận được món quà đặc biệt: Một nhà xuất bản ở Ý vừa mới xuất bản tập thơ đầu tay “Ẩn số” của chị bằng song ngữ Anh – Ý. Nối tiếp đó, “Ẩn số” còn được chính thức phát hành trên Amazon và thu hút sự quan tâm của giới phê bình, độc giả quốc tế.

Với nhà văn Kiều Bích Hậu, thơ là quà tặng ngẫu nhiên mà cuộc đời ban tặng. Ảnh: NVCC
Với nhà văn Kiều Bích Hậu, thơ là quà tặng ngẫu nhiên mà cuộc đời ban tặng. Ảnh: NVCC

“Một giọng nói  khác biệt”

Tin vui “Ẩn số” (The Unknown) được xuất bản song ngữ ở Ý đến với nhà văn Kiều Bích Hậu từ tháng 7. Đấy là Nhà xuất bản iQdB Edizioni by Stefano Donno đã chọn in, phát hành tập thơ tại Ý qua bản dịch của nhà thơ Ý Laura Garavaglia.

Theo nhà thơ Laura Garavaglia, bà chọn dịch “Ẩn số” là vì mong muốn giới thiệu với bạn đọc Ý, vốn biết rất ít về thơ văn Việt Nam. Với Laura Garavaglia, “Ẩn số” là giọng nói của một người phụ nữ Việt, người ”với một giọng nói khác biệt” tìm kiếm trong tình yêu sự khẳng định bản thân, giải phóng khỏi các định kiến giới tính và bất bình đẳng vẫn hiện diện trong xã hội. “Ẩn số” là những câu thơ mà tác giả dành cho người đàn ông cô yêu, ở rất xa vì cô sống ở lục địa khác. Sự hiện diện của cô được cảm nhận nhờ ký ức về những khoảnh khắc bên nhau, những khoảnh khắc mà thơ ca hồi sinh mãnh liệt, từ đó nổi bật những tâm trạng khác nhau và thường trái ngược nhau, chắc chắn là bởi vì tình yêu, trong một cảm giác đa diện.

Trong khi đó, ông Stefano Donno, Giám đốc Nhà xuất bản I Quaderni del Bardo Edizioni by Stefano Donno đã ví “Ẩn số” là bài hát thiết tha của một người phụ nữ Á Đông, khao khát một tương lai do chính mình định đoạt, và vì tương lai đó, mà dám tranh đấu mãnh liệt, không khoan nhượng, không “giảm giá” cho bất cứ ai, bất cứ điều gì. “Thơ của Kiều Bích Hậu tràn ngập tình cảm cao quý nhất của nhân loại, đó là tình yêu. Mật độ từ ngữ miêu tả các sắc thái tình yêu dày đặc. Tình yêu, đó là bình minh im lặng, mặc dù được sinh ra từ bóng tối, nhưng luôn mang lại ánh sáng. Tình yêu của người nữ này, thành nguồn sống kinh điển cho thơ ca”, ông Stefano Donno đánh giá.

Trên tờ báo điện tử Italian Affairs của Ý, nhà phê bình văn học Alessandra Peluso đã viết: “Những câu thơ chất chứa cảm xúc và nhận thức mới lạ trong “Ẩn số” được sinh ra từ nỗi niềm xa cách với một người đàn ông, đã thắp sáng tình yêu vô biên hiện diện trong người phụ nữ này. Vì vậy, độc giả Ý chúng tôi mê mải đọc những câu thơ như thế này: “Hỡi những ai bị trói/ trong tâm trí của mình/ Hỡi những ai bị trói/ trong thói đời vô minh/ Ai can trường, mạnh mẽ/ cứu hết thảy chúng ta?/ Đổi thay phải chăng là / nhận lấy niềm đau đớn/ vực tình yêu sống dậy/ theo cách của riêng ta/ Trái tim anh cao cả / vì em mà hòa ca...” (trang 29). Một tình yêu tràn ngập trong mỗi dòng thơ. Một tình yêu không chỉ liên quan đến bản thân tác giả, mà với cả nhân loại”.

Ngôn ngữ…   “trái khoáy”

Thật thú vị khi 33 bài thơ tình trong “Ẩn số” được Kiều Bích Hậu viết bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Lý giải về sự “trái khoáy” này, Kiều Bích Hậu bảo đấy là sự cố tình để hướng đến mục tiêu tập thơ ngay lập tức được “nhập cảnh” các nước trên thế giới. Với chị, đấy cũng là một cách “xuất khẩu” văn chương nhanh mà hiệu quả.

Cách làm của Kiều Bích Hậu bắt đầu từ “Ẩn số” cũng được bắt đầu từ những trăn trở của mình về thực trạng “xuất khẩu” văn chương Việt ra thế giới bấy lâu nay. Theo chị, văn học Việt Nam bị yếu trên thị trường sách quốc tế, nhưng không phải vì thế mà văn học nước nhà không hay, không đáng đọc. Chỉ có điều là văn học Việt Nam cần phải tiếp cận thị trường văn học quốc tế như thế nào. Ngay cả việc các nhà văn, nhà thơ Việt Nam cần đổi tư duy trong việc tại sao cần đưa văn học Việt Nam ra thế giới cũng rất vất vả. 

Từ trăn trở ấy, mỗi lần đi là mỗi lần Kiều Bích Hậu tìm cách xuất khẩu văn học Việt. Nhất là chị đã tham gia điều phối một dự án hợp tác dịch văn học của Hội Nhà văn Việt Nam với một số đối tác ở EU, xuất bản được sáu cuốn sách tại Việt Nam và Hungary, Ý. Đấy là hai tập thơ của hai tác giả Hungary dịch và xuất bản ở Việt Nam; tập thơ Ý dịch và xuất bản ở Việt Nam; tập thơ “Sông núi trên vai” của Việt Nam dịch và xuất bản ở Ý; tuyển tập sáu mươi bài thơ của sáu tác giả tiêu biểu Việt Nam dịch và xuất bản ở Hungary; tập truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” của Bảo Ninh dịch và xuất bản ở Hungary. 

Với Kiều Bích Hậu, công việc này mới mẻ và rất thách thức, cả ở khâu dịch thuật và lo nguồn tài chính, nhưng chị không những không thoái lui mà còn mong muốn kéo dài dự án trong mười năm… Tuy nhiên, chị cũng rất chờ đợi từ phía các cơ quan chức năng của Nhà nước cần có một tầm nhìn, một sự đầu tư thích đáng, và cần lắm người nhạc trưởng để thúc đẩy đội ngũ nhà văn Việt Nam chung tay đưa tác phẩm của mình ra thị trường lớn toàn cầu. Bởi lẽ, văn học là vũ khí mềm trong cuộc chinh phục thế giới. Hiện nay chiến tranh không còn như xưa, đã qua rồi thời dùng vũ khí, thời chiến tranh thương mại cũng sẽ qua, và đã tới thời dùng văn hóa, mà văn học là chủ lực, để tạo ảnh hưởng của mỗi quốc gia trên trường quốc tế. Nếu không sớm nhận ra điều này, chúng ta sẽ tiếp tục yếu mãi.

“Đơn cử, tôi gặp các nhà văn quốc tế, họ đều nói được từ một đến 5 ngoại ngữ, sách của họ được dịch ra ít nhất 5 ngôn ngữ khác nhau. Nhưng nhà văn Việt Nam chưa làm được điều này. Thậm chí các nhà văn được giải thưởng Nhà nước về văn học, cũng chưa có tác phẩm được dịch ra tiếng Anh và giới thiệu với bạn đọc quốc tế”, nhà văn Kiều Bích Hậu trăn trở. 

Tập thơ song ngữ Anh – Ý “Ẩn số” là một giọng nói khác biệt”. Ảnh: NVCC
Tập thơ song ngữ Anh – Ý “Ẩn số” là một giọng nói khác biệt”.  Ảnh: NVCC

Cũng vì… dan díu

Lâu nay, giới văn chương nước nhà vẫn luôn biết đến một Kiều Bích Hậu mới lạ, sắc sảo và không kém phần dí dỏm qua những trang văn. Chẳng phải sao khi chị sớm nổi danh với những giải thưởng truyện ngắn từ sớm với giải Khuyến khích cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của báo Tiền phong năm 1992 (năm 20 tuổi) với truyện ngắn “Huyền thoại về người đẹp”, giải Nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2006 - 2007 với truyện ngắn “Đợi đò”, giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 2008 - 2009 với chùm tác phẩm “Mùa sen”, “Nốt cuối của bản nhạc Jazz”… Nối tiếp đó là những tập truyện, những cuốn tiểu thuyết tới tấp ra mắt độc giả như “Đường yêu”, “Sóng mồ côi”, “Mây vàng”, “Theo dấu loa kèn”, “Dị mộng”, “Xuyến chi xanh”, “Quán chuột”, “Hoa hồng không ở cùng mắm tôm”, “Thay đổi đời người”… Ấy vậy mà giờ đây lại còn có một thi sĩ Kiều Bích Hậu – với khởi điểm là “Ẩn số” nữa.

Thắc mắc với Kiều Bích Hậu rằng liệu đây có phải là lối rẽ mới của chị hay chăng, chị lắc đầu cười bảo chị vẫn ưu tiên cho tiểu thuyết, được viết và xuất bản theo phương thức hoàn toàn mới, mà chị đã sáng tạo trong hai năm qua. Còn truyện ngắn thì chị viết ngẫu hứng hơn, chiều chuộng những ý tưởng bất chợt. Đối với nàng thơ, chị sẽ đón khi nàng đến, tiễn khi nàng đi, chị không có ý nhất định ràng mình vào việc viết thơ như với tiểu thuyết và truyện ngắn. Tiểu thuyết, truyện ngắn là nghiệp của chị, còn thơ là quà tặng ngẫu nhiên mà cuộc đời ban tặng, nên chị không kỳ vọng, không đặt mục tiêu gì cho thơ của mình.

Còn khi nhớ về cái sự dan díu với thơ, Kiều Bích Hậu kể: Chỉ vì đọc sách quá nhiều, lại sinh ra ở vùng nông thôn (Văn Lâm, Hưng Yên) với ao hồ, mương máng đầy cá tôm cua ốc, ruộng lúa xanh mướt mải, trong vườn đầy hoa trái, chim muông, ong bướm,… mà cô nữ sinh Bích Hậu viết những dòng thơ đầu tiên lên những trang giấy nháp, những mảnh giấy còn khoảng trắng mà cô nữ sinh tìm được trong nhà, hoặc mặt sau tờ lịch... Tuy nhiên, cô bé chẳng hài lòng với những dòng thơ mình viết ra, thậm chí còn thất vọng với chính mình rồi quyết định rất sớm là… đầu hàng với thơ vì nghĩ rằng mình hoàn toàn chẳng có chút năng lực viết thơ. Suốt ba thập kỷ trôi qua, dù viết văn, viết báo rất nhiều, nhưng chị tuyệt không động đến một tứ thơ nào. Thậm chí, chị còn tránh xa thơ của cả người khác. Nó như một nỗi ám ảnh của thất bại từ nhỏ mà chị không vượt qua được.

Thế rồi đầu năm 2019, tình cờ gặp một bạn thơ châu Âu, nhà thơ Sandor Halmosi (Hungary) ở Hà Nội và được hỏi rằng đã làm thơ bao giờ chưa. Chị lắc đầu bảo chỉ viết truyện ngắn và tiểu thuyết, không có năng khiếu làm thơ. Anh nhìn chị rồi nói, người như chị nhất định viết thơ được. Chị đùa hỏi lại anh, anh có bí quyết gì giúp chị làm thơ không. Anh đáp gọn lỏn “chỉ cần có một tâm hồn”.

“Ái chà”, tôi nghĩ “chẳng lẽ hồn tôi đã thất lạc?”. Nhưng câu nói của anh đã ghim vào não tôi. Cho ðến một ngày, khi tôi đang trong chuyến đi châu Âu nhiều ngày, vừa đi vừa viết, tôi bừng tỉnh giữa đêm trong ngôi nhà giữa rừng Rotselaar (vương quốc Bỉ) và những ý thơ đầu tiên, thật mãnh liệt đã tuôn trào. Tôi tung chăn nhỏm dậy và ghi vội vào một tờ giấy nháp. Cứ thế thời gian sau đó, tôi đi qua các nước Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan,… vừa đi vừa viết thơ, và thấy ngạc nhiên với chính mình. Thơ đã chảy qua tôi, một cách thật tự nhiên, tôi không phải cố gắng gì cả”, Kiều Bích Hậu sung sướng kể. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ