6 thầy giáo và giấc mơ hội họa

GD&TĐ - “Mộng mị” là tên cuộc triển lãm giới thiệu 46 tác phẩm hội hoạ và điêu khắc của 6 họa sĩ Hải Dương. Điều thú vị là cả 6 hoạ sĩ: Phạm Đình Tùng, Nguyễn Hùng Cường, Vũ Văn Long, Văn Trọng, Nguyễn Tiến Quân và Phùng Văn Tuệ đều là thầy giáo. Họ là bạn học cùng Khoa Nhạc họa, gắn bó và trưởng thành từ ngôi trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương.  

Poster của triển lãm
Poster của triển lãm

Cuộc chơi đầy đam mê

TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc Nghệ thuật - Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) chia sẻ: Cách đây 6 tháng, nhóm họa sĩ từ Hải Dương đã đề nghị tôi hỗ trợ thực hiện tại Vicas Art Studio một triển lãm chung. Tôi thẳng thắn trao đổi và rất sẵn lòng nhưng với điều kiện là các bạn ấy phải cho công chúng thấy sự đổi mới của chính mình về tư duy, phong cách nghệ thuật.

Tất cả 6 họa sĩ, mỗi người một vẻ, đều thể hiện các tác phẩm của mình theo trường phái biểu hiện hoặc biểu hiện trừu tượng khá đa dạng. Bất ngờ hơn nữa là chủ đề sáng tác của các tác giả lại rất gần nhau, đó là những kỷ niệm xa xưa trong ký ức cá nhân, những câu chuyện huyền thoại của loài người, những con người, cảnh tượng trong những giấc mơ...

Là người có nhiều tranh nhất trong “Mộng mị” (11 bức), thầy giáo - họa sĩ Phùng Văn Tuệ cho biết: “Ra trường, đảm nhận việc giảng dạy bộ môn Mỹ thuật tại các trường THCS và tiểu học huyện Nam Sách, Chí Linh, Cẩm Giàng, Thanh Hà, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với nhau. Dù công việc chuyên môn ở trường khá bận, rồi còn cuộc sống gia đình riêng nhưng đã có chung một niềm say mê để theo đuổi nên cả 6 người vẫn dành thời gian để sáng tác, nuôi dưỡng tình yêu hội họa và tình bạn thân thiết. Liên tục cập nhật thông tin để không tụt hậu với thời cuộc, cả nhóm ai cũng đều có tranh tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật của tỉnh Hải Dương, triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng… Nếu gắn với trách nhiệm của người giáo viên dạy Mỹ thuật, việc có tranh triển lãm không chỉ là tìm được niềm vui cá nhân, tôi thấy tự tin hơn, tạo được nhiều hứng thú cho học sinh hơn khi đứng trên bục giảng…”.

Những sắc thái mới lạ

Phạm Đình Tùng thả trí tưởng tượng của mình với những huyền thoại của loài người, đó là “Vườn địa đàng”, là chốn “Thiên thai”. Lần đầu tiên trong đời anh phóng cọ lên một tấm toan to (150x35cm) nhưng không bị chùn tay. Sự hòa quyện giữa các vệt màu, sự ẩn hiện của hình gây nên hiệu quả thị giác lạ (độ nhòe) và chính vì thế nó tải được các nội dung huyền ảo.

Nguyễn Hùng Cường lại chọn thể hiện gương mặt của những người không quen. Đó có thể là người của một cuộc gặp thoáng qua đâu đó ngoài đời, cũng có thể là sự ám ảnh nhận diện mà anh thấy trong mơ. Tranh cũng như phù điêu (sơn mài trên gỗ) về các gương mặt “người dưng” ấy hay những tay phù thủy trong trí tưởng tượng được làm theo cách bóp méo, dị dạng, ma mị nhưng không vì thế khiến người xem rơi vào cảm giác xa lạ, sợ hãi mà ngược lại, rất đời thường và thân quen.

Vũ Văn Long dán những giấc mơ của mình lên cả tranh trừu tượng lẫn tranh biểu hiện. Phụ nữ, tính dục là hình tượng lặp lại trong những giấc mơ. Tiên nga tắm, cơ thể nữ giới cứ hiện lên chập chờn trong tranh anh, dù đó là trong giấc mơ đẹp hay ác mộng.

Văn Trọng tham gia “Mộng mị” bằng những bức tranh vẽ vẻ đẹp nữ giới. Anh không vẽ chiêm bao mà là sự phóng chiếu những ước muốn dục tính: Sự xung đột tâm lý giữa mơ ước dục tính trực diện của người nghệ sĩ và sự rụt rè, yếu bóng vía của một con người xã hội chính là sức gợi và nét khám phá riêng mà tác phẩm của Văn Trọng tìm ra.

Mỗi bức tranh của Nguyễn Tiến Quân là một kỷ niệm xa, mờ về một nơi chốn, một hình bóng cố nhân. Vẫn sử dụng vật liệu sơn mài truyền thống nhưng với phong cách biểu hiện mới, họa sĩ Nguyễn Tiến Quân đã tạo được bước đột phá với chính mình. Sự ẩn hiện, đan xen giữa các lớp màu, giữa màu sắc với những đường cong gợi cảm, điểm xuyết thêm vẻ đẹp thuần khiết của những bông hoa bưởi đã đem lại hiệu ứng lãng mạn, mơ màng tìm về ký ức.

Sự khác biệt rõ ràng nhất trong nhóm họa sĩ Hải Dương thể hiện trong tranh Phùng Văn Tuệ. Đắm đuối và mộng mị cùng màu sắc, tranh của anh có sự kết hợp khéo léo giữa biểu hiện trừu tượng và tối giản: Những mô đun hình của anh được kết nối với nhau tạo nên những mảng màu lớn, tạo ấn tượng thị giác tức thì và cảm tính.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia VN chia sẻ: “Mộng mị” là một triển lãm có chất lượng nghệ thuật cao, rất đáng thưởng thức. Lần đầu tiên có một nhóm họa sĩ ở địa phương xây dựng được quan điểm chung về nghệ thuật và cùng nhau tạo được một bước tiến mới trong sáng tác. Mong muốn được định danh trong nghệ thuật sẽ chắp cánh cho các họa sĩ trẻ tạo được cá tính sáng tạo và góp phần phát triển nghệ thuật đương đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.