- Đã có rất nhiều tranh cãi nổ ra liên quan đến trọng tài, dù V-League 2019 mới kết thúc vòng 4. Vậy tại sao VAR chưa được triển khai?
Qua trao đổi và nghiên cứu tình hình thực tế của V-League, chúng tôi thống nhất sử dụng công nghệ VAR để hỗ trợ các trọng tài ngay từ mùa này. Công nghệ VAR theo tiêu chuẩn của FIFA là 48 máy quay, truyền tín hiệu về trung tâm. Nhưng hãy thử hình dung, sử dụng 48 máy quay như thế, chi phí sẽ khủng khiếp đến thế nào. Điều đó thực sự khó cho VPF, buộc chúng tôi phải cân nhắc.
Ban đầu, chúng tôi tính áp dụng như Thái Lan đang sử dụng là VAR trung tâm. Tuy nhiên, vì điều kiện hạn hẹp, chúng tôi thống nhất chuyển từ VAR trung tâm sang VAR đơn lẻ. Tức là, chúng tôi sẽ có một xe VAR lưu động, được hoán cải để các máy quay truyền về xe. Trước mắt, mỗi miền Bắc và miền Nam sẽ có một xe VAR để linh động đi các sân tuỳ từng trận đấu. Nếu sau này có kinh phí tốt hơn, chúng tôi sẽ có thể sắm thêm nhiều xe VAR. Vì chưa có kinh phí nên chúng tôi chỉ có thể "liệu cơm gắp mắm" như thế.
Ông Trần Anh Tú chia sẻ về V-League bên lề lễ kết tài trợ trang phục của Mizuno cho CLB Thái Sơn Nam ngày 11/4 |
- Nhân sự cho vấn đề VAR đã được VPF đào tạo và áp dụng như thế nào?
Trong một phòng VAR thông thường sẽ có ít nhất hai trọng tài VAR và hai kỹ thuật viên. Nhưng với hình thức "con nhà nghèo", có thể chúng tôi chỉ có một kỹ thuật và một trọng tài. Các trọng tài VAR sẽ được sàng lọc từ những cựu trọng tài thông minh, có uy tín và nhanh nhẹn. V-League hiện có tám máy quay truyền về buồng VAR và trọng tài VAR phải có sự am hiểu để có thể nhận biết pha bóng đó có nhạy cảm, tranh cãi hay không từ máy quay nào. Khi đó, kỹ thuật viên sẽ phải cung cấp được hình ảnh tốt nhất cho trọng tài VAR - người sẽ có nhiệm vụ báo với trọng tài chính để truyền về một màn hình đặt ở dọc đường biên.
Như chúng ta đã biết, thời gian chết khi sử dụng VAR là rất ít nên trọng tài VAR phải nhanh nhẹn và hiểu biết. Ngoài ra, trọng tài VAR chỉ có nhiệm vụ thông báo, còn quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính. VAR thực ra chỉ là công cụ hỗ trợ tốt hơn cho trọng tài.
- Các đội bóng đón nhận thông tin này như thế nào?
Tất nhiên, họ rất mong muốn điều này. Như chúng ta đều biết, V-League luôn có những tranh cãi xảy ra. Điển hình là mới đây, bàn thắng của Bình Dương ghi vào Viettel dấy lên nhiều tranh cãi bóng đá chạm tay hay vai, ngực trước khi ghi bàn. Vị trí trọng tài chính đứng không tốt, không quan sát hết. Do đó, nếu có VAR, trọng tài chính có thể xem lại và đưa ra quyết định chính xác hơn, thuyết phục hơn. Chúng tôi hy vọng khi VAR được áp dụng sẽ giảm bớt tranh cãi và các quyết định không gây ảnh hưởng nhiều đến kết quả trận đấu.
- Khi nào VAR sẽ chính thức vận hành ở sân cỏ V-League?
Qua trao đổi với nhà cung cấp, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ này. Chúng tôi thuê của nhà cung cấp thiết bị về lắp đặt ở Việt Nam. Sau đó sẽ báo cáo với Liên đoàn bóng đá Việt Nam gửi FIFA cử người sang thẩm định hế thống VAR khi nó vận hành. Sau khi được FIFA thông qua, VAR mới đi vào thực tiễn.
Thời gian sẽ rất gấp gáp nhưng chúng hy vọng vào cuối tháng 6/2019, tức ở đầu giai đoạn hai V-League (vòng 14) sẽ thực hiện. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, có thể sớm hơn vài vòng và cũng có thể trễ hơn dự kiến đề ra.