Ưu tiên vắc-xin mũi 4 cho nhóm dễ tổn thương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Việc đáp ứng vắc-xin ở các nhóm không giống nhau. Ví dụ, người suy giảm miễn dịch sẽ đáp ứng khác người bình thường. Vì vậy, WHO khuyến cáo, những nhóm như vậy phải được nhận mũi tiêm thứ 3, 4.

Những nhóm dễ bị tổn thương hoặc mắc Covid-19 nặng hơn cần tiêm mũi 3, 4. Ảnh minh họa.
Những nhóm dễ bị tổn thương hoặc mắc Covid-19 nặng hơn cần tiêm mũi 3, 4. Ảnh minh họa.

Tăng cường chủng ngừa

Theo báo cáo của Bộ Y tế về kết quả tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho người trên 18 tuổi, đến ngày 3/7, cả nước đã tiêm 45.436.997 (đạt tỉ lệ 67,7%). Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm thấp dưới 45% là: Hải Phòng (43,1%); Khánh Hòa (42,0%); Đồng Nai (43,6%); Cà Mau (39,0%); Hậu Giang (35,1%). Các tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 cao là: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,3%); Bến Tre (91,8%).

Về tỷ lệ tiêm mũi 4 vắc-xin Covid-19, đến nay, cả nước đã tiêm được 4.617.673 mũi (đạt tỉ lệ 6,9%). Các tỉnh tiêm thấp gồm: Phú Thọ (1,2%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,4%); Nghệ An (1,5%); Quảng Nam (2,3%); Đồng Tháp (2,3%). Có 3 tỉnh tiêm mũi 4 cao gồm: Bắc Giang (24,7%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).

Cũng liên quan đến tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi 9 bộ về việc tăng cường chủng ngừa cho quân nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bộ Y tế đề nghị các bộ quan tâm, chỉ đạo đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, vận động cán bộ, công nhân viên trong ngành tham gia tiêm chủng đầy đủ, kịp thời.

Qua đó, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các bộ chỉ đạo đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý liên hệ với cơ sở tiêm chủng trên địa bàn. Bộ Y tế đề nghị các bộ tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, 4 cho cán bộ, công nhân viên trong ngành ngay trong tuần đầu tháng 7.

Miễn dịch tự nhiên giảm dần

Đối với tỷ lệ tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 ở nhóm từ 12 - 17 tuổi, đến nay, tổng số mũi tiêm là 922.265 (đạt tỉ lệ 10,5%). Tỷ lệ này tăng khoảng 110.000 mũi tiêm so với ngày 1/7. Các địa phương tiêm có tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ trong độ tuổi này thấp gồm: Miền Bắc (14 tỉnh): Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên; Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam, Bình Thuận; Miền Nam (9 tỉnh): Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long; Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang. Các tỉnh Thanh Hóa (46,1%), Tây Ninh (47,0%) và Bến Tre (43,7%) là 3 địa phương có tỷ lệ tiêm nhắc cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tốt.

TS Nguyễn Thu Anh - Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcook nhận định, người lớn tuổi và/hoặc người có bệnh nền có nguy cơ mắc Covid-19 nặng (béo phì, tiểu đường, tim cạch, ung thư, bệnh phổi mãn tính) nên tiêm mũi 4.

Trong khi đó, những người khác có thể cân nhắc lựa chọn tiêm mũi 4 tùy vào thể trạng và quan điểm về nguy cơ với bản thân. “Làn sóng dịch mới chắc chắn sẽ xuất hiện. Covid-19 đầy ắp bất ngờ. Chuẩn bị tốt cho sự bất ngờ vẫn hơn là bị động như 1 năm trước”, chuyên gia chia sẻ.

Tại tọa đàm “Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19 trong bối cảnh hiện nay?”, TS Socorro Escalante - Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, có những nhóm có thể dễ bị tổn thương hoặc mắc Covid-19 nặng hơn so với những người khác. Do đó, tiêm vắc-xin sẽ giúp bảo vệ cho từng cá thể khỏi mắc bệnh hoặc khỏi bị bệnh nặng.

Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, TS Escalante cho rằng, cần ưu tiên vắc-xin cho các nhóm dễ bị tổn thương, như những người suy giảm miễn dịch.

Bởi, việc đáp ứng vắc-xin ở các nhóm không giống nhau. Ví dụ, người suy giảm miễn dịch sẽ đáp ứng khác người bình thường. Vì vậy, WHO khuyến cáo những nhóm như vậy cần tiêm mũi 3, 4. Bởi, khả năng của họ để tạo ra miễn dịch chống lại bệnh không như những nhóm khác.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương dẫn chứng, theo thống kê mới nhất, có 45% ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại Singapore liên quan đến biến chủng BA.4 và BA.5.

Theo PGS Điển, BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn biến chủng cũ của Omicron. Mặc dù chưa có nghiên cứu về việc độc lực mạnh hơn hay không, nhưng vẫn cần theo dõi.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương dẫn chứng, theo thông báo của Cục Y tế dự phòng, tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 tương đương người lớn. Có khoảng 25 - 27% trẻ mắc bệnh. Ca mắc Covid-19 nặng chủ yếu gặp ở trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính.

“Chúng ta đang ưu tiên sử dụng vắc-xin Pfizer cho trẻ. Đỉnh dịch vào tháng 3, đến nay đã là tháng 7. Như vậy, đã đủ thời gian tiêm. Đặc biệt, trong mùa hè, chúng ta đi du lịch, giao thương nhiều, nguy cơ trẻ em mắc bệnh là rất lớn. Chúng ta cần tiêm vắc-xin để tạo miễn dịch cho gia đình, bảo vệ cộng đồng”, PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.

Theo ông Điển, chúng ta đã qua đỉnh dịch 3 - 4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng giảm dần và những biến thể mới bắt đầu xuất hiện. Do đó, trẻ rất dễ mắc Covid-19 trong tình hình hiện nay. Với tỉ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các trẻ có bệnh nền hoặc là suy giảm miễn dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ