(GD&TĐ) - Đã thành thông lệ, cứ vào kỳ họp Quốc hội cuối năm, Chính phủ thường đề xuất lộ trình tăng lương áp dụng từ ngày 1/5 của năm kế tiếp. Tuy nhiên, trong báo cáo dự toán ngân sách 2013 trình bày mới đây tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII đang diễn ra, Chính phủ cho biết khả năng cân đối ngân sách cho năm tới rất khó khăn, chỉ đủ bố trí 28.900 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng (đã tăng từ 1/5/2012), chứ chưa có nguồn để tăng thêm theo lộ trình.
Tăng lương là xu hướng cần thiết để bảm bảo cuộc sống của công chức cũng như bộ máy chính trị. Theo tính toán của Chính phủ, nếu thực hiện tăng lương lên 1,3 triệu đồng và nâng phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% từ 1/5/2013, ngân sách nhà nước cần bố trí khoảng 60.000 tỷ đồng.
Đó quả là một số tiền khá lớn, khi mà thu ngân sách nhà nước đang xuống thấp do tác động từ những khó khăn của nền kinh tế đem lại (không chỉ thu không đủ hạn mức mà còn phải chi ra những số tiền lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng, chưa kể các khoản nợ xấu cao ngất ngưởng chủ yếu tập trung ở thị trường bất động sản và các doanh nghiệp nhà nước).
Thế nhưng, không thể vì khó khăn mà bỏ quên việc đảm bảo mức sống của công chức – nhóm đối tượng lao động trên danh nghĩa chỉ trông chờ hoàn toàn vào đồng lương để chi trả cuộc sống. Lương không được hứa hẹn tăng, nhưng các khoản chi thường xuyên khác ngoài lương và trợ cấp xã hội vẫn được bảo đảm, vậy có là bất công đối với những người đang trực tiếp cống hiện bằng trí tuệ và sức lực của mình cho các công việc của nhà nước cũng như cả bộ máy chính trị?
Tăng lương định kỳ theo hàng năm đã được Quốc hội thống nhất từ chính đề xuất của Chính phủ. Đặt 60.000 tỷ đồng ra làm một con số riêng, đó là khoản tiền lớn, nhưng nếu đưa vào con số thống kê các khoản chi khác từ ngân sách nhà nước, nó thể coi là lớn không?
Kinh tế khó khăn, nhưng hàng loạt các địa phương vẫn xây dựng những trụ sở công quyền hoàng tráng với kinh phí hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, đều từ ngân sách nhà nước. Có cần thiết triển khai những hạng mục đầu tư đó trong bối cảnh hiện nay, khi mà cân đối ngân sách đã được nhận định là sẽ rất khó khăn? Các lễ kỷ niệm, các sự kiện chào mừng hay trao thưởng vẫn được nhiều địa phương và đơn vị tổ chức long trọng với quyết toán lên tới cả tỷ đồng, cũng lại từ ngân sách nhà nước.
Gộp cả lại những con số “lẻ” này, ngân sách mỗi năm phải chi số tiền rất lớn cho những hạng mục đầu tư hay những hoạt động mà thực tế có thể tạm thời dừng lại được hoặc cắt giảm được trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, để tập trung sự ưu tiên trước hết cho những gì cần hơn cả, thiết thực hơn cả đối với đời sống người dân, nhưng dường như đó cũng lại là một điều mà chúng ta chưa làm được.
Ảnh MH |
Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có đăng đàn chia sẻ về sự lãng phí trong đầu tư công ở nước ta, ít nhất ở những lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Một dự án xây cầu sau khi đệ trình, đích thân Bộ trưởng đi kiểm tra, chỉ một yêu cầu thay đổi về kết cấu đã giảm chi phí dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng, tức bằng 1/10 số kinh phí cần thiết để phục vụ lộ trình tăng lương năm 2013. Còn bao nhiêu những công trình đã và đang được đầu tư có tình trạng tương tự như vậy? Khó mà thống kê hết. Chi cho đầu tư phát triển, những hạng mục nào cần thiết thì vẫn phải duy trì, nếu bội chi ngân sách đạt yêu cầu đề ra.
Nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, nén lại những khoản chi không cần thiết để tập trung cho những vấn đề bức bách, như vậy mới có trách nhiệm với dân; đồng thời, đó mới thực sự là dành ưu tiên hàng đầu cho bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ luôn khẳng định mỗi khi đề cập đến các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội đất nước.
Nhất Nguyên