Vợ chồng anh Hiếu vốn hay chiều theo những sở thích của con cái, từ chuyện nhỏ cho đến những chuyện lớn. Cũng vì vậy mà hai đứa con trai của vợ chồng anh thường tỏ ra ngang ngạnh, bướng bỉnh, thậm chí còn hỗn hào trước mặt những người quen của cha mẹ chúng.
Mọi người người xung quanh thấy vậy tỏ ra bất bình và cho rằng anh chị không biết dạy con. Đôi khi, vì được nuông chiều nên con bạn khó tránh khỏi những lúc khó dạy và biểu hiện những hành vi sai trái.
Trường hợp này, bạn cần biết cách phân biệt giữa các hành vi sai trái với sự phát triển bình thường ở trẻ, để có cách xử trí hợp lý.
Ảnh minh họa
Khi trẻ la hét: Trẻ con thường bắt chước người lớn và học lỏm rất nhanh. Vì vậy, bạn cần để ý những người hay tiếp xúc với trẻ xem họ có quát/nói lớn hay không và nhắc nhở họ lúc nói chuyện trước mặt trẻ.
Khi trẻ hét lên, bạn cần hạ thấp giọng mình xuống để trung hòa âm lượng. Mở thật lớn một bài hát hay hiệu ứng âm thanh cùng lúc, rồi hỏi: “Ồn ào thế này thì con nghĩ có ai nghe và hiểu được cái gì không?”.
Bạn cũng có thể thu âm lại khi trẻ la hét, rồi để trẻ nghe một mình và nói: “Từ bây giờ, mẹ cũng sẽ nói chuyện lớn tiếng với con giống như vậy đấy”. Bạn cần để trẻ biết rằng, hét không phải là cách duy nhất để biểu lộ cơn giận.
Khi trẻ quăng ném đồ đạc: Trước tiên, bạn cần lập tức ngăn trẻ không được phá hoại đồ đạc, rồi từ từ di chuyển những vật dụng có giá trị ra ngoài tầm với của trẻ.
Trường hợp trẻ ném đồ đạc để hả cơn giận, bạn cần giải thích và nêu hậu quả cho trẻ hiểu, ví dụ: “Nếu con ném phá chén bát, sẽ không còn chén để ăn cơm đâu!”, hoặc “Con làm vỡ bình hoa sẽ bị mảnh chai đâm vào tay, chảy máu, đau lắm đấy!”.
Khi trẻ dỗi hờn: Bạn sẽ làm gì nếu trẻ giãy giụa và hét lên trong siêu thị, đòi mua loại đồ chơi yêu thích? Hãy nói với trẻ và đặt ra những qui định trước tiên, như “Hôm nay, ba đưa con đến đây để mua tập vở chứ không phải mua đồ chơi, nhớ chưa”, hoặc “Ba sẽ bỏ mặc con ở đây và về trước đấy!”, rồi đi chầm chậm, từ từ nhưng có thể nhìn thấy trẻ.
Dạy dỗ trẻ cần có chiến lược rõ ràng để uốn nắn theo hướng đúng đắn nhất. Nếu trẻ thấy bạn nghiêm túc làm theo những nguyên tắc đề ra, chúng sẽ hiểu được dỗi hờn không có ích gì và dừng lại ngay.
Ảnh minh họa
Khi trẻ nói tục, chửi bậy: Khi mới biết nói, nhiều trẻ cảm thấy thích thú vì chúng vừa khám phá và học tập thêm những điều mới. Lâu ngày, trẻ lặp lại và dần thành thói quen mà bạn có thể không chú ý.
Hãy ngừng ngay thói quen này của trẻ bằng việc giải thích những từ ngữ đó, đồng thời nhắc nhở người lớn xung quanh không nên cười hay ủng hộ khi trẻ bi bô những lời này.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dạy trẻ những câu thơ, bài hát phù hợp với lứa tuổi với giai điệu và ca từ trong sáng.
Khi trẻ thường xuyên ăn vạ: Bạn cần kiểm tra xem có vấn đề gì về sức khỏe hay sợ hãi gì không. Hỏi thật nhẹ nhàng và nếu trẻ vẫn tiếp tục khóc lóc, bạn có thể áp dụng những biện pháp khác, như đe nạt để trẻ nói ra nguyên nhân và tìm cách giải quyết. Nếu đã rõ nguyên nhân, bạn nên khuyên răn hay sử dụng biện pháp như trường hợp trẻ dỗi hờn để giải quyết.
Khi trẻ khạc nhổ bừa bãi: Bạn chỉ cần cho trẻ biết, khạc nhổ là sai trái, nhất là việc khạc nhổ bừa bãi và hướng vào người khác. Bạn có thể giải thích: “Trong nước bọt có chứa nhiều vi trùng. Nếu con ho thôi, nước bọt sẽ bắn vào người khác, cũng có thể mang vi khuẩn chứ đừng nói là khạc nhổ”, đồng thời luôn đề cập với trẻ vấn đề vệ sinh và sạch sẽ.