Ước mơ có thành hiện thực?

GD&TĐ - Nhiều tỉ phú công nghệ, kiến trúc sư và những người có tâm hồn mơ mộng hy vọng sẽ xây dựng thành công những cộng đồng trên đại dương, thậm chí cả những quốc gia - thành phố nhỏ. Nhưng họ sẽ phải đối mặt với các rào chắn và trở ngại lớn hầu như không dễ vượt qua. 

Ước mơ có thành hiện thực?

Áp lực dân số

Mỗi tuần lại có 3 triệu cư dân mới nhập cư và mới sinh ra tại các khu đô thị trên thế giới. Con số này tương đương với dân số hiện hành tại thành phố San Diego (Mỹ) và thành phố Kiev (Ucraina) cộng lại. Nếu tính mỗi tháng, số cư dân đô thị mới sẽ bằng dân số Moscow (Nga) hay Rio de Janeiro (Brazil). Đến năm 2030, khoảng 60% dân số thế giới sẽ sống tại các thành phố, tạo áp lực rất lớn lên các đô thị đang có.

Hiện các nhà thiết kế đang suy nghĩ về những thành phố nổi có thể thay đổi hình dạng theo mùa để cư dân ấm hơn vào mùa lạnh và mát mẻ hơn vào mùa nóng.

Từ lâu đã có xu hướng phổ biến trong phát triển đô thị: Các thành phố cứ lấn dần ra biển để thêm không gian sống cho số cư dân ngày càng tăng.

Ví dụ, tại Singapore, 25% diện tích thành phố được xây dựng trên đất lấn biển.

Trong khi đó, thủ đô Tokyo của nước Nhật có 20% diện tích cư trú là các hòn đảo nhân tạo.

Đáng chú ý hơn nữa là các nhà qui hoạch đô thị của Dubai vẫn cho xây dựng hàng loạt các phức hợp xa xỉ cao tầng trên các hòn đảo nhân tạo...

Những công ty tiên phong

“Chúng ta phải tập sống chung với biển như bạn bè chứ không phải coi nhau như kẻ thù” - kiến trúc sư Koen Olthuis, người sáng lập công ty WaterStudio tại Hà Lan nhận định. Công ty của ông đang thiết kế và lắp ráp những nền móng nổi có thể lắp ghép bên trên các ngôi nhà đơn lẻ hoặc toà nhà ít tầng.

Trước mắt, WaterStudio tập trung xây dựng những biệt thự đơn cho các tầng lớp giàu có và văn phòng cho những công ty muốn tìm kiếm một môi sinh làm việc khác biệt. Nhưng Olthuis tin rằng việc xây dựng cả một đô thị nhỏ trên những nền móng mà công ty ông đang nghiên cứu là hoàn toàn khả thi.

Dĩ nhiên, thành phố nổi phải có cả đường sá, tiện ích điện, nước, thông tin liên lạc, bệnh viện, trường học, ngân hàng, công viên như một thành phố trên đất liền dù qui mô nhỏ hơn.

Olthuis và đội ngũ của ông còn cải tiến các container thành nhà gắn trên những nền móng nổi làm bằng hàng chục ngàn chai nhựa bỏ đi. Cứ 5 container tạo thành một phòng học khang trang gồm cả nhà vệ sinh, bếp ăn và hệ thống điện kết nối với mạng pin mặt trời nổi. Phòng học đầu tiên đã được chuyển đến Korail, khu ổ chuột nằm sát biển ở thủ đô Dhaka của Bangladesh. Cái hay của dự án này là lớp học có thể tách rời khỏi khu nhà ổ chuột để chuyển đi nơi khác nếu Korail không còn cần đến nó nữa. Tuy nhiên, phòng học nổi của Olthuis vẫn còn liên kết với đất liền bằng sợi dây cáp và trụ néo vững chắc. Giấc mơ lớn nhất của ông và một số kiến trúc sư có tầm nhìn mơ mộng khác là cắt luôn sợi dây cáp để tạo ra một thành phố nổi đúng nghĩa, không còn dây dưa gì đến đất liền.

Theo The Atlantic Unbound

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ