Ứng phó với thời tiết, dịch bệnh: Uyển chuyển phương án dạy học

GD&TĐ - Để bảo đảm sức khỏe, ngành Giáo dục các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang đã chủ động cho trẻ mầm non nghỉ, cấp 1 học trực tuyến thay vì đến trường khi nhiệt độ xuống thấp...

Trẻ Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Bắc Ninh) nghỉ học từ 21/2 để phòng rét.
Trẻ Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Bắc Ninh) nghỉ học từ 21/2 để phòng rét.

Giữ ấm cho học sinh

Chiều 21/2, thông tin với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, căn cứ vào thời tiết thực tế tại mỗi địa phương, các nhà trường được phép cho học sinh (HS) nghỉ học.

Theo ông Thêm, các đơn vị theo dõi thường xuyên thông tin về nhiệt độ ngoài trời của khu vực Hà Nội được phát tại các Bản tin dự báo thời tiết trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang vào khoảng 6 giờ hàng ngày.

“Căn cứ vào thời tiết thực tế tại mỗi địa phương, các nhà trường được phép chủ động cho học sinh nghỉ học. Mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ từ 10°C trở xuống; THCS nghỉ học khi nhiệt độ từ 7°C trở xuống...”, ông Thêm thông tin.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh, các đơn vị thông báo rõ quy định nghỉ rét tới tất cả các HS và phụ huynh HS qua các phương tiện liên lạc để quản lý và bảo đảm sức khoẻ cho HS trong thời gian nghỉ.

Trong những ngày nghỉ học do trời rét đậm, rét hại, nhà trường cần bố trí cán bộ, giáo viên trực để quản lý những HS vẫn đến trường. Đặc biệt, không để học sinh phải đứng ngoài cổng trường vì nghỉ rét. Đồng thởi, phải bảo đảm mọi hoạt động hành chính của nhà trường diễn ra bình thường.

Bên cạnh đó, các trường hướng dẫn HS, phụ huynh HS thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi trong gia đình.

Đảm bảo các điều kiện, cơ sở vật chất phòng chống rét cho HS như: Rà soát, kiểm tra, tu sửa cơ sở vật chất trường học, đảm bảo lớp học đủ hệ thống cửa, đèn chiếu sáng... tránh gió lùa và đủ ánh sáng trong lớp. Các trường mầm non cần có nước ấm để phục vụ trẻ.

“Nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục nếu không đủ ấm. Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các trường có thể điều chỉnh thời gian học cho phù hợp.

Khi có rét đậm, rét hại, nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời, cần đảm bảo sức khoẻ cho học sinh khi tổ chức các giờ học thể dục, ngoại khóa ngoài trời...”, ông Nguyễn Văn Thêm thông tin.

Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường có học sinh bán trú, Sở GD&ĐT Bắc Giang yêu cầu các đơn vị quan tâm chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh cho HS (phòng nội trú, bán trú phải đảm bảo an toàn và đủ ấm đối với học sinh; thức ăn phục vụ học sinh phải nóng và tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm)...

Ghi nhận tại các huyện, thành phố: Việt Yên, Lục Ngạn, Bắc Giang... trong ngày 21/2, học sinh tiểu học thực hiện học trực tuyến tại nhà, trẻ mầm non được nghỉ học phòng rét.

Trao đổi với GD&TĐ, ông Đỗ Văn Quý - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang cho biết, riêng trẻ mầm non các trường linh hoạt đón các cháu khi phụ huynh gửi.  “Cháu nào bố mẹ nào không bố trí được thời gian trông con có thể gửi nhà trường, nhà trường giữ ấm thực hiện nghiêm 5K phòng dịch. Đối với học sinh tiểu học chuyển sang học trực tuyến...”, ông Quý nhấn mạnh.

Còn bà Trần Thị Minh Sử - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Ngạn cho biết, 33 tiểu học trên địa bàn huyện chuyển sang học trực tuyến và 31 trường mầm non cho trẻ nghỉ giữ ấm tại nhà. Cấp THCS duy trì học trực tiếp kết hợp trực tuyến (học sinh liên quan đến dịch) bảo đảm chất lượng dạy và học.

Giáo dục Việt Yên (Bắc Giang) chủ động giữ ấm cho học sinh, linh hoạt các hình dạy và học “3 bình thường” khi trẻ trở lại trường.
Giáo dục Việt Yên (Bắc Giang) chủ động giữ ấm cho học sinh, linh hoạt các hình dạy và học “3 bình thường” khi trẻ trở lại trường.

Linh hoạt dạy và học

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, cô Vũ Thị Mỹ Hạnh - Hiệu trưởng Trường TH & THCS và Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (thành phố Bắc Ninh) cho biết, sáng nay 21/2 với 1015  học sinh tiểu học nhà trường nghỉ học. Học sinh bậc THCS thì đi học bình thường thực hiện nghiêm 5K và giữ ấm.

“Sáng 6 giờ hàng ngày phụ huynh theo dõi thời tiết trên VTV và theo dõi bằng nhiệt kế thực tế tại địa phương. Nếu thời tiết xuống dưới 10°C thì học sinh tiểu học được nghỉ và dưới 7°C học sinh THCS nghỉ học.

Trong trường hợp thời tiết mấp mé, chưa không phân định được vẫn cho học sinh đi học thì phải đảm bảo mặc ấm cho học sinh.

Giáo viên phải đến trường để phòng trường hợp phụ huynh không tiếp cận được thông tin (vì lý do nào đó) hoặc không bố trí được người trông trẻ vẫn đưa đến trường thì giáo viên có trách nhiệm đón và quản lý học sinh. Tuy nhiên, phụ huynh nhà trường tiếp cận nhanh thông báo và thực hiện …”, cô Hạnh chia sẻ.

Còn cô Ngô Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Bắc Ninh) cho biết, 850 trẻ của nhà trường được nghỉ học phòng rét đậm, rét hại từ sáng nay 21/2.

“Cùng với khuyến cáo 5K của ngành y tế, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, hạn chế cho trẻ ra ngoài bằng cách cho trẻ tham gia hoạt động, clip hay video các cô xây dựng gửi đến nhóm phụ huynh vừa tuyên truyền vừa học tập cho trẻ...”, cô Hường lưu ý.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết, các trường cho trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học nghỉ học để phòng, chống rét đậm, rét hại.

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu Trưởng Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học trên địa bàn cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học được nghỉ học để phòng, chống rét đậm, rét hại từ ngày 21/2 - 25/2.

“Trong thời gian trẻ mầm non và học sinh tiểu học nghỉ học do rét đậm, rét hại, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục xây dựng, chia sẻ và hướng dẫn cha mẹ trẻ video tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà theo quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học, tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn học sinh tự học, ôn tập tại nhà đảm bảo nội dung kiến thức, chương trình theo quy định, tránh gây quá tải cho học sinh...”, ông Bình nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ