Một số kinh nghiệm sử dụng công nghệ, AI để tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học môn Tiếng Việt được cô Nguyễn Thị Hoa Liễu, giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) chia sẻ.
Thiết kế tạo nhân vật hoạt hình AI
Để tạo ra sự độc đáo, hấp dẫn, thu hút học sinh ngay từ giây phút đầu tiên trong giờ học, cô Nguyễn Thị Hoa Liễu đã nghĩ ra giải pháp thiết kế một nhân vật hoạt hình thân thiện, vui nhộn, dễ thương (có thể là một bạn học sinh, một nhân vật cổ tích hay một con vật mà học sinh yêu thích) làm bạn đồng hành cùng học sinh trong giờ học.
Hiện có nhiều công cụ tạo ra nhân vật hoạt hình rất nhanh, như: Canva, adobe, limolad, leonard, animation maker...
Cụ thể, cách làm được cô Nguyễn Thị Hoa Liễu sử dụng là tạo ra một video ngắn vài phút có nhân vật hoạt hình để dẫn chuyện hoặc tạo ra một tình huống, để dẫn dắt các em vào bài mới. Các bước cụ thể như sau:
Bước 1: truy cập vào link sau và tiến hành đăng nhập: https://new.express.adobe.com/tools/animate-from-audio
Bước 2: Bấm chọn Video và chọn nhân vật Animate characters (ở đây có rất nhiều nhân vật để mình lựa chọn ở mục Charater). Mục background: Thay nền background tùy ý. Size: Tùy chọn kích thước.
Bước 3: Tạo giọng đọc nhân vật với 2 cách: Tạo giọng đọc trực tiếp (ấn vào record); tạo giọng đọc AI gián tiếp (ấn vào browse).
Để tạo được giọng đọc gián tiếp, giáo viên có thể truy cập vào trang https://ttsfree.com/. Trang này cho phép lồng giọng đọc nam, nữ, giọng trầm, bổng khác nhau. Sau khi chọn được giọng đọc, tốc độ giọng, tông giọng bấm vào Convert now và tải về máy
Sau đó, giáo viên quay lại trang https://new.express.adobe.com/tools/animate-from-audio. Muốn tải lên giọng AI vừa tạo chỉ cần ấn browse tải giọng lên.
Bước 4: Bấm Done để tải video.
Ngoài cách làm trên, cô Nguyễn Thị Hoa Liễu cho biết, giáo viên có thể tạo giọng đọc AI để thay đổi không khí cho các em đỡ nhàm chán hơn. Dĩ nhiên, không phải tiết học nào cũng áp dụng cách này. Các tiết khác, giáo viên vẫn cho học sinh đọc để rèn kỹ năng đọc văn bản.
Nhân vật chuyển động với hình ảnh sinh động và âm thanh hấp dẫn sẽ ngay lập tức thu hút sự chú ý của học sinh, giúp các em tập trung vào bài học từ những phút đầu tiên. Những nhân vật hoạt hình có thể mang lại bầu không khí vui tươi và thân thiện, giúp học sinh cảm thấy thoải mái, sẵn sàng tham gia vào bài học.
Nhân vật chuyển động có thể được sử dụng để giới thiệu ngắn gọn về nội dung chính của bài học, giúp học sinh nắm bắt được ý tưởng và mục tiêu của tiết học ngay từ đầu. Các khái niệm văn học có thể được minh họa một cách trực quan thông qua các nhân vật hoạt hình, giúp học sinh hiểu rõ hơn về nội dung bài học.
Nhân vật hoạt hình có thể được thiết kế để tương tác với học sinh, đặt ra câu hỏi và mời các em tham gia vào các hoạt động khởi động, tạo ra một môi trường học tập tích cực, sôi nổi. Nhân vật hoạt hình cũng có thể cung cấp phản hồi ngay lập tức cho học sinh, khuyến khích các em tham gia và tương tác nhiều hơn.

Chuyển ảnh sách giáo khoa thành video động nhờ AI
Hình ảnh sách giáo khoa là hình ảnh tĩnh, các bài thơ, câu chuyện đọc dài khiến học sinh khó hiểu, khó phân tích, khó nhớ. Kết quả là các em không hiểu hết ý nghĩa của câu chuyện, bài thơ đó; lớp học sẽ trầm, không khí học tập không sôi nổi.
Chỉ cần vài thao tác đơn giản, trong vòng 3-5 phút, giáo viên có thể sáng tạo ra những video minh họa cho câu chuyện, bài thơ rất dễ dàng, giúp bài học sinh động hơn.
Theo cô Nguyễn Thị Hoa Liễu, hiện có nhiều công cụ tạo video dựa trên văn bản, nhưng chỉ cho dùng thử vài lần rồi phải trả phí. Do đó, cô sử dụng công cụ miễn phí, đó là vidu.studio. Cách tiến hành như sau:
Bước 1: Truy cập trang chủ https://www.vidu.studio/create và đăng ký tài khoản bằng gmail.
Bước 2: Tải ảnh trong sách giáo khoa; sau đó nhấn Create tạo video.
Bước 3: Nhấn vào mũi tên để tải video về.
Việc nhờ AI chuyển văn bản thành video động trong giảng dạy môn Tiếng Việt mang lại nhiều tác dụng quan trọng, như tăng cường sự hứng thú và tham gia của học sinh; minh họa nội dung trực quan, dễ hiểu; cải thiện kỹ năng nghe và hiểu; khuyến khích tư duy phản biện, sáng tạo; tạo môi trường học tập tích cực và cá nhân hóa quá trình học tập.
“Thông qua tính năng tạo video bằng AI, bài giảng Tiếng Việt trở nên rất thu hút, khắc sâu trong tâm trí học sinh. Từ đó, các em cũng dễ dàng kết nối với kiến thức. Nhiều phụ huynh đã đến lớp và kể với tôi rằng, các con rất vui và háo hức khi kể với bố mẹ về những “bức tranh chuyển động” hay những nhân vật hoạt hình kể chuyện rất đáng yêu”, cô Nguyễn Thị Hoa Liễu chia sẻ.

Tổ chức trò chơi gọi tên ngẫu nhiên
Trong tiết Tiếng Việt, khi khởi động, kết nối với bài mới hay các hoạt động luyện tập, giáo viên thường gọi học sinh giơ tay, hoặc gọi một học sinh bất kỳ. Điều này khiến một số em lo lắng, sợ sệt vì bị tâm lý.
Do đó, thay bằng cách trên, ở một số bài học phù hợp, cô Nguyễn Thị Hoa Liễu tổ chức hoạt động đầu giờ, hoặc luyện tập bằng 1 trò chơi hấp dẫn. Công cụ ngẫu nhiên của trí tuệ nhân tạo sẽ giúp giáo viên trong việc này.
“Tôi vào trang “Online-stopwatch.com”, chọn mục “random name plicker”, chọn trò chơi và nhập danh sách học sinh. Trang web cung cấp trò chơi lấy tên ngẫu nhiên rất phong phú như chiếc hộp bí ẩn, mũ thần kì, tìm kho báu, đua vịt,…
Sử dụng trò chơi gọi tên ngẫu nhiên như Duck Race trên trang web Online Stopwatch trong giờ Tiếng Việt mang lại nhiều ưu điểm, giúp tạo ra môi trường học tập năng động và thú vị”, cô Nguyễn Thị Hoa Liễu chia sẻ cách làm.
Trò chơi ngẫu nhiên tạo ra yếu tố bất ngờ, giúp học sinh cảm thấy hứng thú và tò mò về kết quả. Điều này làm cho giờ học trở nên thú vị hơn và khuyến khích sự tham gia tích cực của tất cả học sinh. Các học sinh có thể thấy trò chơi như một thử thách và cố gắng hết mình để chuẩn bị tốt hơn cho các câu hỏi và hoạt động tiếp theo.
Trò chơi ngẫu nhiên cũng giúp đảm bảo tất cả học sinh đều có cơ hội tham gia và trả lời câu hỏi, tránh tình trạng chỉ một số học sinh nổi bật được gọi lên thường xuyên. Giáo viên không phải lo lắng về việc chọn ai để tham gia, giảm bớt áp lực và sự thiên vị không mong muốn trong lớp học.
Sự vui nhộn và giải trí từ trò chơi giúp giảm căng thẳng trong giờ học, làm cho học sinh cảm thấy thoải mái và dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Các trò chơi thường tạo ra tiếng cười và sự vui vẻ, giúp tăng cường sự gắn kết giữa các học sinh và giữa học sinh với giáo viên.