Theo luật mới này, một ủy ban đặc biệt sẽ được lập ra để điều tra các thẩm phán và các nhân viên thi hành luật bị nghi sống xa hoa nhờ tiền lương hậu hĩnh.
Một điều khoản khác trong đó cấm những ai không giải thích được các nguồn thu nhập hoặc tài sản cá nhân nắm giữ chức vụ công trong vòng 5 đến 10 năm.
Quyết định trên được đưa ra, theo chân các nước Đông Âu khác, nhằm phá vỡ ảnh hưởng từ Moscow. Luật cho phép sa thải bất cứ ai từng nắm giữ một vị trí trong chính phủ liên bang hoặc khu vực trong hơn 1 năm dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych, người đã bị người biểu tình lật đổ và đang sống lưu vong tại Nga.
Tháng trước, việc các nhà lập pháp Ukraina không thông qua luật này lần đầu đã làm dấy lên biểu tình bạo lực ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội.
Một phần nội dung bộ luật tự khẳng định nó được soạn ra để giúp "phục hồi niềm tin vào các nhà chức trách và tạo ra một hệ thống chính quyền mới" tương xứng với các tiêu chuẩn châu Âu.
"Đây là một ngày lịch sử đối với Ukraina. - Tổng thống Poroshenko khẳng định trong thông điệp đăng trên trang Facebook cá nhân - Bộ máy nhà nước sẽ được thanh lọc. Vinh quang đến với Ukraina".
Tuy nhiên, luật mới gặp phải phản ứng khá gay gắt từ những nhà lập pháp đại diện cho các khu vực miền đông nói tiếng Nga – căn cứ quyền lực của chính phủ trước và giờ đây một phần do phe li khai kiểm soát.
Tính pháp lý của nó cũng bị Hội đồng châu Âu và các lãnh đạo doanh nghiệp đặt thành vấn đề, bởi họ lo ngại Ukraina sẽ mất đi nhiều quan chức có năng lực.