(GD&TĐ)-Chiều nay (22/3), Ủy ban thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự thảo Luật giáo dục ĐH. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì hội nghị; về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tham dự phiên họp.
ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự án Luật GD ĐH chiều 9/1. Ảnh: gdtd.vn |
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung cơ bản, được nhiều đại biểu quan tâm của dự thảo Luật Giáo dục đại học như: Sự cần thiết và quan điểm xây dựng Luật; mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục ĐH; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH; xã hội hóa và tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục ĐH; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH; hợp tác quốc tế trong giáo dục ĐH và về giảng viên và cán bộ quản lý.
Theo đó, một số nội dung bổ sung chỉnh lý đáng lưu ý như: Bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định việc phân tầng cơ sở giáo dục ĐH theo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết tại các văn bản dưới luật về tiêu chí phân tầng cơ sở giáo dục ĐH và ban hành chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và quyền tự chủ phù hợp với vị trí, vai trò và năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH.
Về vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu và sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 30 theo hướng dẫn chiếu đến các điều thể hiện nội dung chi tiết về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH trong dự thảo Luật; điều chỉnh khoản 2 Điều 30 theo hướng hạn chế quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ và quy định rõ chế tài xử lý cơ sở giáo dục ĐH có hành vi vi phạm khi thực hiện quyền tự chủ; bổ sung tại khoản 2 Điều 31 quy định các viện đại học và các cơ sở giáo dục ĐH đạt chuẩn quốc gia tự chủ, tự chịu trách nhiệm mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ CĐ, ĐH, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo đã được phê duyệt thuộc lĩnh vực đào tạo của nhà trường khi có đủ năng lực đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời bổ sung, chỉnh lý khái niệm cơ sở giáo dục ĐH hoạt động không vì lợi nhuận theo hướng cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài được xác định là hoạt động không vì lợi nhuận nếu các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố…
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng đã đưa ra những nội dung quan trọng cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là: Về mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục ĐH; về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH; về xã hội hóa và vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận của cơ sở giáo dục ĐH tư thục; về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; về giảng viên và cán bộ quản lý.
Về vấn đề phân tầng ĐH, ý kiến của các đại biểu thể hiện sự nhất trí cao với việc có phân tầng ĐH nhưng đề nghị nên có một số tiêu chí rõ hơn. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc phân tầng ĐH là xu thế tất yếu, cần thiết phải được thể hiện trong Luật. Phân tầng nhắm đến quy hoạch phát triển các ĐH hàng đầu, dẫn dắt, làm trụ cột cho cả nền giáo dục ĐH. Hiện chúng ta có ĐHQG, ĐH vùng và các ĐH trọng điểm, như vậy thực tế chúng ta đã có phân tầng.
Vấn đề quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH, một số đại biểu lưu ý nên làm rõ hơn. Đại biểu Uông Chu Lưu bày tỏ tán thành với chủ trương chung của dự án Luật lần này về quyền tự chủ là quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục ĐH để học thực sự phát huy được tiềm năng thế mạnh và tinh thần sáng tạo, chủ động trong nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đại biểu Uông Chu Lưu cũng cho rằng, việc tự chủ cần phải có lộ trình chứ không thể giao quyền tự chủ một lúc cho tất cả các trường ĐH vì chất lượng các cơ sở đào tạo chúng ta hiện nay chưa đồng đều. Ngoài ra, góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Uông Chu Lưu đề nghị cần có trong Luật những quy định để có thể tạo điều kiện chính sách ưu đãi, nguồn lực đầu tư, chính sách thu hút nhân lực, hợp tác quốc tế giúp xây dựng được cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam ngang tầm khu vực và hướng đến tầm thế giới…
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận liên quan đến việc đổi tên trường, đặc biệt là với ĐHQG. Theo đó, các đại biểu nhất trí sẽ không đổi mà giữ nguyên tên đối với ĐHQG, thêm đó, đề nghị cần có quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của ĐHQG với trách nhiệm là trung tâm đào tạo hàng đầu của Việt Nam.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo lại Nghị định về ĐHQG trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Vì vậy, tinh thần dự thảo Luật giáo dục ĐH sẽ không đi sâu chi tiết về ĐHQG.
Riêng trước ý kiến nhiều đại biểu đề nghị quy định trình độ của giảng viên phải cao hơn một cấp so với trình độ mà giảng viên tham gia đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng nên cho các trường tuyển làm giảng viên những sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi, loại ưu tú trong và ngoài nước, sau đó đào tạo lên thạc sĩ rồi tiến sĩ. Nếu quy định quá cứng giảng viên phải là thạc sĩ thì các trường không thể tuyển được đủ đội ngũ tạo nguồn kế cận sau này…Bộ trưởng đề nghị cho phép các trường được tuyển giảng viên tốt nghiệp ĐH trở lên, còn chuẩn để được đứng trên bục giảng phải phấn đấu trên trình độ này.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tổng kết lại các ý kiến thảo luận, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật.
Hiếu Nguyễn