Tuyển sinh vào lớp 10: Thầy, trò cùng “chạy nước rút”

GD&TĐ - Thực hiện chỉ đạo của sở GD&ĐT, các trường THCS tại Hải Phòng đang trong đà “nước rút” tổ chức kiểm tra học kỳ II sớm hơn với học sinh lớp 9, bảo đảm thời gian làm hồ sơ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Một giờ ôn tập của học sinh Trường THCS An Hòa.
Một giờ ôn tập của học sinh Trường THCS An Hòa.

Trường miền biển chạy đua với thời gian

Đóng trên địa bàn dân cư còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng thầy và trò Trường THCS Cát Hải (thị trấn Cát Hải, huyện Cát Bà) vẫn ngày đêm nỗ lực để duy trì chất lượng dạy và học.

Cô Nguyễn Thị Quy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Cùng với dạy học kiến thức trên lớp, nhà trường chú trọng ôn tập cho học sinh khối lớp 9 ngay từ đầu năm học với phương châm học đến đâu chắc đến đó, giúp các em không bị dồn nén kiến thức và áp lực vào giai đoạn ôn tập kỳ cuối năm.

Năm học này, Trường THCS Cát Hải có 63 học sinh lớp 9. Nguyện vọng của các em đều muốn đăng ký và theo học tại Trường THPT Cát Hải. Nhưng quá trình sàng lọc, đánh giá học sinh qua các cuộc thi thử vào lớp 10, nhà trường nhận thấy một số em không đáp ứng được kiến thức để thi vào lớp 10 THPT công lập. Do vậy, Trường THCS Cát Hải đã họp bàn với phụ huynh để tuyên truyền, định hướng cách chọn trường để tránh áp lực cho học sinh.

Cô Quy cho biết thêm: Hết tuần này, trường sẽ kiểm tra học kỳ với học sinh lớp 9 để hoàn thành chương trình năm học sớm cho các em theo chỉ đạo của ngành.

Tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, Trường THCS Cát Hải đã sẵn sàng các điều kiện dạy học, ôn tập trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, cô Quy cho rằng, đó là tình thế bắt buộc để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh nhưng chất lượng dạy học sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trường THCS Cát Hải hiện có 12 lớp nhưng mới có 6 phòng học. Theo lịch học hiện tại, khối 8 - 9 học sáng, khối 6 - 7 học chiều, nếu tăng thời gian để hoàn thành sớm chương trình năm học là một khó khăn không nhỏ với nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cát Bà, huyện Cát Bà cho hay: Nhà trường có 741 học sinh, trong đó 169 học sinh lớp 9.

Theo đánh giá, năm nay mặt bằng chất lượng học sinh không đồng đều vì thế, công tác phân luồng học sinh lớp 9 được nhà trường thực hiện sát sao. Trường hiện có 9 học sinh đang học nghề tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Còn lại một số em khó có khả năng vào lớp 10 THPT công lập, nhà trường đã định hướng, tuyên truyền cho phụ huynh và các em nên lựa chọn học tại trung tâm GD thường xuyên của huyện. Tuy nhiên, vì mong muốn con được theo học ở trường THPT như các bạn, một số phụ huynh vẫn đặt kỳ vọng vào con.

Theo cô Hương, nhà trường đang kiểm tra hết kỳ II cho học sinh lớp 9 để đến 11/5 kiểm tra chéo toàn cụm và 14/5 xét tốt nghiệp cho các em.

Sau khi hoàn thành chương trình năm học, các thầy cô dồn hết tâm sức ôn thi cho học sinh lớp 9. Tuy nhiên, Trường THCS Cát Bà gặp khó khăn khi xếp thời khóa biểu dạy học, bởi theo cô Hương, giáo viên dạy lớp 9 cũng đồng thời dạy các khối lớp còn lại. Vì thế, dồn lực cho lớp 9, các khối lớp khác cũng phải sắp xếp lại thời khóa biểu cho phù hợp.

Thầy trò Trường THCS An Hòa trong giờ học.
Thầy trò Trường THCS An Hòa trong giờ học.

Bảo đảm chất lượng phân luồng

Trường THCS An Hòa (huyện An Dương, TP Hải Phòng) có 155 học sinh lớp 9 nhưng chỉ có 90 học sinh ôn thi để vào lớp 10 THPT công lập, còn lại học sinh chọn học nghề.

Theo cô Tuấn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, ngay từ tháng 3 nhà trường thực hiện phân luồng để định hướng cho các em. Với những học sinh không có khả năng thi vào lớp 10 được tư vấn học nghề. Vì là địa bàn gần các khu công nghiệp nên đa số học sinh chọn học nghề điện, sửa chữa ô tô, du lịch.

Với những học sinh đăng ký ôn thi vào lớp 10, nhà trường phân loại học lực và tư vấn học sinh chọn trường cho phù hợp. Một số học sinh khá sẽ đăng ký học tại Trường THPT An Dương, THPT Nguyễn Trãi (huyện An Dương), còn lại đăng ký học tại Trường THPT Quốc Tuấn (huyện An Lão).

Cô Lê Thị Huê, GV chủ nhiệm lớp 9A5, Trường THCS Hồng Phong, huyện An Dương chia sẻ: Lớp có 8 học sinh không thi vào lớp 10 THPT công lập mà chọn học nghề. Theo cô, đó là lựa chọn phù hợp với khả năng của các em, bởi trong trường nghề các em vẫn được học văn hóa để hoàn thiện chương trình và sau khi tốt nghiệp có thể đi làm ngay để có kinh tế phụ giúp gia đình.

Theo cô Huê, công tác phân luồng học sinh rất quan trọng. Với những em học lực tốt có thể theo học các trường THPT để theo đuổi đam mê chiếm lĩnh tri thức. Những học sinh không có khả năng học tiếp, việc tư vấn chọn nghề phù hợp với sở thích, năng lực và nhu cầu xã hội là điều cần thiết mà thầy cô nên định hướng, tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.