Để không bị trống lớp trong điều kiện tuyển không đủ giáo viên, các trường học đã linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp tình thế: Hợp đồng giáo viên trái môn, không đúng chuyên ngành đào tạo; hạ tiêu chí trình độ để hợp đồng giáo viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng…
Vừa dạy vừa học việc
Năm 2022, cô Hồ Thị Hiếc trúng tuyển trong kỳ thi viên chức ngành GD-ĐT Nam Trà My (Quảng Nam) với vị trí giáo viên Ngữ văn cấp THCS. Trước đó, cô Hiếc có thời gian dạy hợp đồng tại Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) với vị trí giáo viên cấp tiểu học. Để có thể đảm nhận việc dạy học ở Chương trình GDPT 2018 với một cấp học chưa qua đào tạo, cô Hiếc được ban giám hiệu và tổ chuyên môn bồi dưỡng dưới hình thức “cầm tay chỉ việc” trong vòng 1 tháng hè.
Vừa tự học các modul bồi dưỡng giáo viên của Chương trình GDPT 2018 qua tài khoản nhà trường cho mượn, xem video dạy học để nắm được các bước lên lớp, tổ chức hoạt động dạy – học ở cấp tiểu học, cô Hiếc vừa phải tự soạn giảng và dạy thử để ban giám hiệu và tổ chuyên môn dự giờ, góp ý. Sau khi trúng tuyển viên chức, cô Hiếc tiếp tục dạy trái ngành, đảm nhiệm 2 vai khi vừa dạy văn hóa cấp tiểu học vừa đứng lớp môn Ngữ văn cho khối lớp 8 Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Trà Nam.
So với cô giáo Hồ Thị Hồng, cô Hiếc có nhiều thuận lợi hơn. Tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, cô Hồng được nhận vào làm giáo viên hợp đồng dạy tiểu học của Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Trà Nam. Mới lạ từ phương pháp dạy học, tâm lý sư phạm, cách soạn giảng… nên sau một tháng học việc, cô Hồng phải vừa đứng lớp vừa tự bổ túc, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
“Những giờ trống tiết, tôi xin các thầy cô trong tổ được ngồi nghe giảng, học đồng nghiệp từ cách cung cấp kiến thức mới cho học sinh sao cho dễ hiểu và đơn giản nhất. Học cả cách ổn định lớp học, tổ chức hoạt động dạy học đúng trọng tâm kiến thức…”, cô Hồng chia sẻ.
Năm học 2022 – 2023, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) phải phân công giáo viên dạy các môn Mỹ thuật, Âm nhạc… đứng lớp dạy văn hóa. Theo nhận xét của thầy Hiệu trưởng Trương Công Một, giáo viên trái ngành phải vừa dạy vừa tự bồi dưỡng, học hỏi đồng nghiệp, rất vất vả và khó đảm bảo hiệu quả. Nhưng để không trống tiết, không dồn học sinh buộc phải chấp nhận giải pháp này.
Tổ chức dạy phụ đạo miễn phí trong hè cho học sinh cũng đồng thời là giờ dạy tập sự của giáo viên hợp đồng của Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh NTCC |
Hạ tiêu chí trình độ giáo viên
Năm 2023, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) thông báo tuyển dụng 16 giáo viên mầm non nhưng chỉ có 10 hồ sơ dự tuyển. Trong số này, có 8 thí sinh trúng tuyển. Riêng vị trí việc làm giáo viên môn Tin học, Sơn Tây có 4 chỉ tiêu cấp tiểu học và 2 chỉ tiêu cấp THCS nhưng trắng hồ sơ. Chỉ tiêu tuyển dụng đối với giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật cũng không có ứng viên dự tuyển.
Ông Nguyễn Minh Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây cho biết: “Trong quá trình sáp nhập trường nhiều bậc học, Sơn Tây chú ý đến cơ cấu giáo viên các bộ môn để làm sao môn Tin học, Ngoại ngữ, có thể phân công giáo viên dạy ở cả 2 cấp tiểu học và THCS”.
Tuy nhiên, một số trường học ở Sơn Tây vẫn phải bố trí giáo viên dạy trái chuyên ngành đào tạo ở môn Tin học. “Một số thầy giáo dạy môn Khoa học tự nhiên có thể đảm nhận dạy môn Tin học ở cấp tiểu học. Ngoài ra, không ít giáo viên có trình độ cao đẳng trước đây được đào tạo ghép như Ngữ văn – Lịch sử, Âm nhạc – Công tác đội… được các trường bố trí kiêm nhiệm. Số giáo viên này trong thời gian tiếp tục học nâng chuẩn”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây thông tin.
Trường PTDTBT Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam) hiện có 17 giáo viên hợp đồng. Trong số này, 13 người có trình độ trung cấp sư phạm tiểu học. Số còn lại, nhà trường hợp đồng từ nhiều nguồn như Sư phạm Lịch sử, Địa lý...
Thế nhưng, các trường học ở huyện Sơn Tây, dù đã hạ tiêu chí trình độ đào tạo xuống trung cấp, cao đẳng sư phạm để ký hợp đồng nhưng vẫn không có nguồn. Sử dụng giáo viên liên trường hiện được một số trường học trên địa bàn huyện miền núi này áp dụng để giải quyết phần nào tình trạng thiếu giáo viên.
Như Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Sơn Long đang hợp đồng với giáo viên Tin học của Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Sơn Màu. Giáo viên Âm nhạc của Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Sơn Dung dạy hợp đồng tại Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Sơn Long.
Đầu năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam) phải hợp đồng với 4 giáo viên đã nghỉ hưu để bố trí giảng dạy văn hóa và làm công tác chủ nhiệm. Dù là huyện đồng bằng nhưng tình trạng thiếu giáo viên ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS kéo dài nhiều năm.
Theo thống kê, năm học 2023 – 2024, số biên chế giáo viên được giao ở cả 3 cấp học của huyện Thăng Bình là 2.155. Tuy nhiên, toàn huyện chỉ có 1.963 giáo viên biên chế, thiếu 192 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ riêng cấp tiểu học thiếu gần 100 giáo viên.
Trong khi đó, nguồn ứng tuyển kỳ thi viên chức ngành Giáo dục, số hồ sơ đăng ký dự tuyển theo chỉ tiêu của huyện Thăng Bình chủ yếu là giáo viên đang hợp đồng ở các đơn vị. Cung không đủ cầu nên tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục kéo dài.
Năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Ba Tô (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) thiếu 9 giáo viên, gồm 6 giáo viên dạy văn hóa, 1 giáo viên Mỹ thuật và 2 giáo viên Tin học. Nhiều năm nay, nhà trường không được bố trí giáo viên Tin học và không ký được hợp đồng do không có nguồn.
Để có thể tổ chức dạy môn Tin học khối lớp 3 - 4 theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ đã tăng cường 1 giáo viên bộ môn này cho trường. Do số giáo viên hợp đồng không đảm bảo trình độ theo quy định nên cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, Ban giám hiệu và tổ chuyên môn phải bồi dưỡng, hướng dẫn thêm trong quá trình dạy học.