Tương lai nào cho “Đế chế Apple”?

GD&TĐ - Apple bước vào năm mới với những tín hiệu buồn - các thiết bị mới của họ bán không thành công như mong đợi. Trung Quốc đang tẩy chay các thiết bị của Apple - hậu quả của cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Trong bối cảnh ấy, Apple phải giảm vốn hóa và giảm giá cổ phiếu của công ty trên sàn giao dịch. Ngoài ra, Apple có kế hoạch giảm sản xuất tất cả các mẫu iPhone so với năm 2018…

Sản phẩm iPhone - nguồn thu chính của Apple sẽ giảm mạnh trong năm 2019
Sản phẩm iPhone - nguồn thu chính của Apple sẽ giảm mạnh trong năm 2019

iPhone sẽ ít hơn

Apple sẽ giảm 10% sản lượng của tất cả các mẫu iPhone trong quý đầu tiên của năm 2019 - Reuters dẫn nguồn tin từ Nikkei Asian Review. Theo dự báo mới nhất, công ty sẽ cho ra mắt từ 40 - 43 triệu điện thoại thông minh trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 3.

Trước đó, Apple sẽ có thể sản xuất 47 triệu iPhone và vào cùng kỳ năm trước, Apple đã xuất xưởng tới 52,2 triệu iPhone. Theo Nikkei, đây là lần thứ hai trong 2 tháng qua, Apple điều chỉnh dự báo.

Một trong số các lý do dẫn đến quyết định này được cho là sự suy giảm nhu cầu đối với iPhone tại Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng, giá của iPhone quá cao, trong khi người dân Trung Quốc gần đây lại thích các thương hiệu nội địa bởi giá cả rẻ hơn nhiều mà chất lượng cũng chẳng kém.

Năm 2018, Apple trở thành công ty nghìn tỷ USD đầu tiên, đạt 1,1 nghìn tỷ USD vào tháng 10. Giờ đây, Apple thậm chí còn không lọt vào top ba trong số những công ty đắt nhất thế giới. Họ đã bị Amazon, Microsoft và Alphabet - công ty mẹ của thương hiệu Google vượt qua.

Doanh số thấp, sản xuất giảm và liên tục sửa đổi dự báo cho lợi nhuận trong tương lai không thể không ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của Apple. Giá trị cổ phiếu của công ty giảm gần 10%, trong khi vốn hóa giảm xuống còn 703 tỷ USD.

Vào tháng 11/2018, Apple tuyên bố họ sẽ không tiết lộ số lượng iPhone được bán ra. Động thái này được các chuyên gia thị trường đánh giá là một tiếng chuông đáng lo ngại. Rõ ràng, sự kỳ vọng đối với doanh số bán ra của các mẫu iPhone mới quá xa thực tế.

Nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei được áp từ đầu năm 2018. Khi đó, đại diện của Cơ quan An ninh Mỹ cho biết, các sản phẩm của nhà cung cấp Trung Quốc đã được sửa đổi ở giai đoạn lắp ráp và được gửi tới Mỹ cùng với những “con bọ” để bí mật thu thập dữ liệu cá nhân của công dân.

Vào tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh cấm các dịch vụ tình báo sử dụng thiết bị của ZTE và Huawei. Đến tháng 12/2018, cuộc xung đột đi vào giai đoạn leo thang căng thẳng. Khi đó, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của Huawei Technologies và là con gái của người sáng lập công ty bị giam giữ tại Canada. Vụ bắt giữ bà Mạnh gây phẫn nộ cho chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh yêu cầu thả người phụ nữ này ngay lập tức, nếu không sẽ có hậu quả nghiêm trọng.

Các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc lập tức được triển khai. Trước hết, tòa án Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm bán tại đất nước này 7 mẫu iPhone của Apple. Lý do cấm là vi phạm bằng sáng chế của nhà sản xuất bộ vi xử lý và chip Qualcomm. Trên thực tế, vụ kiện tụng giữa Qualcomm và Apple đã diễn ra từ đầu năm ngoái, nhưng đến thời điểm này, Trung Quốc mới có những hành động quyết định.

Chưa dừng lại ở đó, chính quyền Bắc Kinh còn đi xa hơn. Theo cổng thông tin 9to5Mac, một cuộc tẩy chay không chính thức các sản phẩm của Apple đã bắt đầu ở một số công ty Trung Quốc. Một nhà sản xuất thiết bị từ thành phố Thâm Quyến, nơi có trụ sở của Huawei đe dọa tịch thu tất cả iPhone của nhân viên và hứa sẽ loại bỏ những người không tuân thủ các yêu cầu mới. Một công ty khác từ thành phố này dọa cắt giảm lương của những công nhân mua một thiết bị “Táo”. Một công ty khác nữa dọa sẽ tước tiền thưởng và đuổi việc những người sử dụng các sản phẩm của Apple.

Trong khi đó, việc sử dụng các thiết bị của Huawei được khuyến khích mạnh mẽ. Ví dụ, ban lãnh đạo các công ty Trung Quốc hứa sẽ hoàn trả cho nhân viên chi phí mua điện thoại thông minh với số tiền từ 10% - 100%.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc o ép hay cấm dùng sản phẩm của Apple là vi phạm nhân quyền. Sự lựa chọn một thương hiệu điện thoại thông minh là vấn đề cá nhân của mỗi nhân viên, lãnh đạo không nên can thiệp. Mua sản phẩm quốc nội là tốt cho đất nước ... nhưng không có luật nào, theo đó một người phải bị trừng phạt vì sử dụng iPhone, cũng như tước đi tiền thưởng của họ - người dùng tên là Zhang Jun nói trong một diễn đàn ở Trung Quốc.

Năm mới - chiến lược mới

Tất cả những dự báo đầy u ám về tương lai của Apple khiến các nhà đầu tư lo lắng, đòi hỏi câu trả lời từ CEO Tim Cook. Họ muốn biết công ty sẽ tiếp tục phát triển như thế nào. Đầu tuần trước, Tim Cook đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC, trong đó ông tiết lộ bức màn bí mật liên quan đến các kế hoạch kinh doanh của Apple trong tương lai.

Theo đó, vào năm 2019, Apple sẽ giới thiệu các dịch vụ mới, nhưng cho đến nay, CEO của công ty đã quyết định không tiết lộ chính xác về bất cứ điều gì. Có thể cuối cùng Apple sẽ ra mắt dịch vụ phát trực tuyến của mình. Tuy nhiên, bất kể hướng dịch vụ mới là gì, mục tiêu ra mắt của họ là rõ ràng - Tim Cook và nhóm của ông đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của công ty để ít phụ thuộc vào doanh số iPhone.

Ngoài ra, người đứng đầu Apple còn cho biết, ưu tiên hàng đầu của công ty hiện nay là Ấn Độ. Đây có thể là một nỗ lực khác để cải thiện các vấn đề của thương hiệu, loại bỏ Trung Quốc và nhiều vấn đề ở đất nước này để chuyển sang một thị trường khác lớn không kém.

Liệu Apple có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại hay không? Liệu công ty có thể tìm thấy chính mình?... Chỉ có thời gian mới trả lời được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ