“Tưởng dễ chơi nhưng bơi hết hơi không đến nơi”

GD&TĐ - Mới đây, một số chuyên gia kinh tế, chuyên gia về chính sách đã có một cuộc “mổ xẻ” những khía cạnh đang diễn ra hàng ngày trên mạng, với sự quan tâm ngày càng đông đảo, thường xuyên của người dân và doanh nghiệp, đó là lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), hay nôm na vẫn được gọi là “mua - bán trên mạng”.  

Các chuyên gia kinh tế và chính sách bàn thảo về thương mại điện tử Ảnh: An Nhiên
Các chuyên gia kinh tế và chính sách bàn thảo về thương mại điện tử Ảnh: An Nhiên

Cuộc chơi của các “ông lớn”

Bà Lê Thị Hà (Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) gọi các doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực này là những “ông lớn”: “TMĐT thực chất chỉ bắt đầu nổi khi các “ông lớn” về lĩnh vực này (thời điểm đầu những năm 2000) áp dụng công nghệ trong kinh doanh, như: MB24, Nhóm Mua, Hotdeal... Có những công ty chỉ trong 5 - 6 tháng thu về lợi nhuận tới 500 tỷ đồng, kết nối được hàng vạn người tiêu dùng.

Lúc đó các cơ quan quản lý về chính sách, đặc biệt là Bộ Công Thương mới đặt câu hỏi: Chính sách về TMĐT đã phù hợp hay chưa và có cần bổ sung, định hướng gì không?”.

Theo bà Hà, để “điểm danh” được từng chủ thể tham gia TMĐT, ở thời điểm năm 2000, cơ quan quản lý chưa làm được. Thậm chí, câu hỏi TMĐT là gì? Thời điểm đó cũng chưa trả lời được.

 

Quan trọng quản lý Nhà nước không phải đi giải quyết những thất bại của thị trường, mà phải thay đổi tư duy quản lý trước những hiện tượng thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

 
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư

“Đến năm 2013, một thành công nhất, đã dẫn dắt thương mại điện tử(TMĐT) tới ngày hôm nay, đó là ra đời được định nghĩa về TMĐT đầu tiên, chính thống của Việt Nam” - bà Lê Thị Hà phân tích - “Bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT khi đó mới định hình được “tôi là gì”, “tôi là ông bán hàng”, “ông đấu giá trực tuyến”, hay “ông khuyến mại trực tuyến”...

Thời điểm đấy cũng mới có những văn bản định hướng cho các doanh nghiệp này. Đến năm 2018 thì ai cũng biết thế nào là TMĐT.

Chúng ta bước chân ra đường là có TMĐT, chỉ cần “search” cụm từ “thương mại điện tử” trên Google là có thể hình dung ra bán hàng trên mạng dễ như chơi, nhưng phải công nhận “bơi hết hơi có khi cũng không tới nơi được”. Vì sao? Vì đến năm 2018 điểm danh các “ông” làm TMĐT, chỉ những “ông lớn” mới tồn tại được.

Trong khi đó, TMĐT ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu như năm 2013 tính sơ sơ 20% doanh nghiệp có website TMĐT (trong khoảng hơn 200 nghìn doanh nghiệp hoạt động) thì đến năm 2018 tỷ lệ này vào khoảng 43 - 45%. Tuy vậy, chỉ “ông” nào có nhiều vốn, có đầu tư, định hướng rõ ràng, “ông” đó có khả năng tồn tại bền vững, lâu dài”.

Tỷ trọng phát triển TMĐT của Việt Nam trong thời gian vừa qua trung bình ở mức khoảng 20%/năm, được coi là con số lý tưởng, nếu xét trong cả khu vực Đông Nam Á. Năm 2013, thị phần TMĐT của Việt Nam là 2,2 tỷ USD, đến 2017 con số này lên khoảng 6,2 tỷ USD.

Còn trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu đang được kỳ vọng đạt khoảng 10 tỷ USD, với sức mua khoảng 350 USD/người/năm. Việt Nam có đạt được kỳ vọng đó hay không, còn phải nhìn vào tổng thể TMĐT toàn cầu, tăng trưởng nhanh nhưng con số Việt Nam đạt được lại rất nhỏ.

Buổi bán hàng offline thu hút rất đông khách được tổ chức bởi một website bán hàng trực tuyến nổi tiếng. Ảnh: An Nhiên
  • Buổi bán hàng offline thu hút rất đông khách được tổ chức bởi một website bán hàng trực tuyến nổi tiếng. Ảnh: An Nhiên

Theo bà Lê Thị Hà, con số trên Bộ Công Thương có được dựa trên điều tra, khảo sát, nhưng chưa chắc đã đúng. Có những đơn vị, tổ chức nước ngoài đưa ra con số thấp hơn nhiều, thậm chí chỉ đạt 1/3. “Từ con số 6,2 tỷ USD năm 2017, mong muốn đạt được 10 tỷ USD vào 2020, tốc độ phát triển của TMĐT Việt Nam phải giữ vững tốc độ phát triển giống như TMĐT toàn cầu (trên 16%)”- bà Lê Thị Hà nói.

Chia sẻ về phân tích của bà Lê Thị Hà, ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Nên đặt TMĐT vào một khung rộng hơn là kinh tế số, bao gồm tất cả các lĩnh vực. Phải nói rằng, TMĐT đang xóa nhòa khái niệm thương mại truyền thống trước kia. Phải mở rộng việc nghiên cứu để giải quyết những vấn đề thực tế của Việt Nam, kinh tế hộ gia đình ứng dụng TMĐT như thế nào? Chị Lê Thị Hà nói TMĐT đã phổ biến đến tận nông thôn, nhưng tôi lại cho rằng, điều này cũng chưa thật sự phổ biến ở nông thôn. Vì ở nông thôn có điện thoại di động, có máy vi tính... nhưng hiện mới chủ yếu dùng để vào Internet, còn giao dịch trả tiền (mua - bán) qua mạng vẫn hạn chế”.

TS Lê Đăng Doanh: “Phải chấp nhận sự khác biệt, phải coi sự khác biệt là một sự đổi mới, chứ không nên coi sự khác biệt là dị dạng”. Ảnh: An Nhiên

TS Lê Đăng Doanh: “Phải chấp nhận sự khác biệt, phải coi sự khác biệt là một sự đổi mới, chứ không nên coi sự khác biệt là dị dạng”. Ảnh: An Nhiên

Thay đổi tư duy trước đi đã...

TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư) cho rằng: “Cuộc CMCN 4.0 trước hết phải là cuộc cách mạng về tư duy, thay đổi tư duy, tiếp sau đó mới đến công nghệ. Theo tôi, thay đổi tư duy đầu tiên là khoan hãy nghĩ đến chuyện “quản”, khi chưa biết cách “quản”, suy nghĩ đầu tiên phải là thúc đẩy công nghệ phát triển đã. Sau khi quan sát sự phát triển, cần phải có những công cụ quản lý, làm sao để ít tốn kém nhưng hiệu quả”.

Chuyên gia này lấy ví dụ về hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, nếu chỉ vào cuộc thanh tra, kiểm tra là “hạ sách”, bởi cơ quan có thẩm quyền làm việc này không đủ người để làm.

Theo ông, cùng một vấn đề đó, cách thức quản lý có thể khác, người tiêu dùng có thể phải trả giá như “học phí” để có bài học mua phải hàng nhái, hàng giả... Hơn hết, phải tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, để người tiêu dùng, người sản xuất tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi của họ. Còn Nhà nước phải ra được công cụ quản lý. Như vậy sẽ có những sáng tạo trong quản lý lĩnh vực TMĐT.

 

Phải chấp nhận sự khác biệt, phải coi sự khác biệt là một sự đổi mới, chứ không nên coi sự khác biệt là dị dạng. Nếu cứ giữ tư duy cũ trong kinh doanh, trong kinh tế thì chúng ta khó có thể tham gia vào TMĐT, tham gia vào nền kinh tế số, tham gia vào cuộc CMCN 4.0

 

Chuyên gia kinh tế

Lê Đăng Doanh

Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung: “Chúng ta vẫn suy nghĩ, ứng xử với Uber, Grab như những công ty, những doanh nghiệp, nhưng quên rằng đó là một phương thức kinh doanh, một loại hình kinh tế. Vấn đề quản lý của Việt Nam không phải là tìm cách đuổi Uber, Grab đi, triệt tiêu phương thức kinh doanh mới. Mà cần phải làm sao có được những “Uber”, “Grab” của Việt Nam, những công ty ứng dụng công nghệ của Việt Nam. Quan trọng là phải làm sao khuyến khích được doanh nghiệp trong nước để mảng doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam nổi lên.

Vì thực tế có nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, cần phải nhìn thấy ở TMĐT cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Câu hỏi đặt ra là phải nâng đỡ và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào?”.

Ông Nguyễn Anh Dương: “Thị trường TMĐT nên để phát triển tự nhiên, khung pháp lý hoàn thiện cần phải theo nghĩa “thân thiện” với thực tế...” Ảnh: An Nhiên
  • Ông Nguyễn Anh Dương: “Thị trường TMĐT nên để phát triển tự nhiên, khung pháp lý hoàn thiện cần phải theo nghĩa “thân thiện” với thực tế...” Ảnh: An Nhiên

Trao đổi lại với ý kiến trên, TS Lê Đăng Doanh khẳng định điều quan trọng: “Cơ quan thuế phải kiểm soát ra làm sao, tư duy phải thay đổi như thế nào? TS Nguyễn Đình Cung đưa ra một quan điểm rất rõ ràng: Phải đổi mới tư duy và chấp nhận sự sáng tạo. Phải chấp nhận sự khác biệt, phải coi sự khác biệt là một sự đổi mới, chứ không nên coi sự khác biệt là dị dạng. Nếu cứ giữ tư duy cũ trong kinh doanh, trong kinh tế thì chúng ta khó có thể tham gia vào TMĐT, tham gia vào nền kinh tế số, tham gia vào cuộc CMCN 4.0”.

Ông Nguyễn Anh Dương (Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư) nhận định:

“Cần phải xây dựng khung pháp lý để giải quyết các tranh chấp trong giao dịch TMĐT. Bởi nói gì thì nói khi xảy ra tranh chấp, trách nhiệm không chỉ đơn thuần thuộc về các doanh nghiệp làm TMĐT, cần phải có cơ chế trọng tài, cơ chế tòa án để xử lý tranh chấp giữa người mua - người bán.

Khi một giao dịch trên mạng có vấn đề, hay chất lượng hàng hóa có vấn đề, phải làm thế nào để người tiêu dùng đòi được quyền lợi chính đáng, đền bù được chấp nhận ở một mặt bằng chung hợp lý.

Trước khi tham gia giao dịch TMĐT, người mua cần nắm được những thông tin tối thiểu về người bán, hàng hóa và các thông tin liên quan. Nhưng sau khi giao dịch TMĐT diễn ra, phải có cơ chế thu thập thông tin để giải quyết tranh chấp, hiện tại khía cạnh này ở Việt Nam vẫn còn thiếu... Nói chung lại là cần có một cơ chế giải quyết những tranh chấp trong giao dịch TMĐT”.

Kỳ vọng thương mại điện tử của Việt Nam đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Ảnh minh họa

“Thị trường TMĐT nên để phát triển tự nhiên, khung pháp lý hoàn thiện cần phải theo nghĩa “thân thiện” với thực tế phát triển của thị trường, chứ không phải khung pháp lý xây ra để cản sự phát triển của TMĐT. Tạo điều kiện pháp lý phù hợp để các doanh nghiệp và người dân tham gia TMĐT yên tâm tiếp tục hoạt động, chứ không phải xây ra khung pháp lý để khiến các hoạt động TMĐT bình thường đang diễn ra trở thành không hợp pháp, làm như vậy lại thành rủi ro quá lớn đối với phát triển TMĐT”- ông Nguyễn Anh Dương nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ