Tham gia buổi tư vấn, 200 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên ở Trại giam Thanh Cầm đã được các cán bộ công an đã chia sẻ, động viên, kể nhiều câu chuyện trong hành trình hoàn lương của các phạm nhân.
Đồng thời, lắng nghe chia sẻ của những người sau khi thực hiện xong án tù đã cố gắng hòa nhập cộng đồng, không ngừng phấn đấu trong cuộc sống, phát triển kinh tế.
Anh Trần Văn Sùng (xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn)- người từng chịu án tù- tâm sự: Năm 2009, sau 2 năm thi hành án phạt tù vì tội lưu hành tiền giả, tôi được đặc xá trở về địa phương với 2 bàn tay trắng, ngoài nghề làm đá học được khi còn cải tạo ở Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình) tôi cũng không biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu?
Sự mặc cảm, tự ti về thân phận của một người lầm lỗi khiến tôi càng trở nên bi quan và chán chường hơn trong việc chọn cho mình một hướng đi đúng.
Giữa lúc bi quan, chán nản đến cùng cực, anh Sùng may mắn được công an và Hiệp hội Doanh nhân huyện Nga Sơn động viên, khích lệ tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn. Với số vốn vay ban đầu chỉ 10 triệu đồng, cộng với nguồn vốn của gia đình và vay bạn bè anh Sùng đã đầu tư mua 200 mét vuông đá Thanh Hóa, để làm các công trình xây dựng.
Bằng sự khéo léo và tận tâm với nghề, anh Sùng đã dần chiếm được lòng tin của khách hàng. Đến nay, anh đã trở thành ông chủ một doanh nghiệp xây dựng với số vốn điều lệ lên đến 6 tỷ đồng, thu nhập hàng năm có lãi từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động, với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, anh cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, giữ gìn ANTT ở địa phương.
Phát biểu tại buổi tư vấn, Trung tướng Trần Anh Dũng- phó tổng cục trưởng Cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) nói: Gần đây, phạm nhân có xu hướng trẻ hóa, độ tuổi thanh niên chịu án chiếm tỷ lệ cao.
Công tác giáo dục có vai trò hết sức quan trọng để đưa người xấu thành tốt; đưa người từ trại giam trở về hòa nhập với cộng đồng. Việc giáo dục này cần phải làm thường xuyên, liên tục và cần toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội cùng làm. Quan trọng hơn, chính các phạm nhân cũng phải tự mình rèn luyện, giáo dục, hoàn lương để trở về.