Tư lệnh Ngành chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Hôm nay (22/1), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì tọa đàm Góp ý dự thảo Quy chế THPT quốc gia được tổ chức tại TP HCM.

Tư lệnh Ngành chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia

Buổi tọa đàm do Bộ GD&ĐT phối hợp với báo Thanh Niên tổ chức.

Chủ trì buổi tọa đàm có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ: GS.TS Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS TS Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông; TS Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM; PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; Thạc sỹ Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ GDTX.

Mở đầu buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chân tình gửi lời cảm ơn đến báo Thanh niên đã quan tâm đến các công việc của Ngành, cảm ơn các thầy cô giáo trường phổ thông khu vực Nam bộ nhận lời mời đến dự buổi tọa đàm, giúp Bộ hoàn thiện quy chế thi THPT quốc gia. 

Đổi mới thi liên quan đến nhiều học sinh học lớp 12, trực tiếp ảnh hưởng đến học sinh ở lớp dưới. Do vậy đây là công việc nghiêm túc, cẩn trọng cần được xử lý.

Bộ trưởng chia sẻ: Với cá nhân Bộ trưởng, mỗi lần đi đến cơ sở, trực tiếp nghe ý kiến từ các thầy cô, học sinh đã giúp có thêm góc nhìn sinh động, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định của mình.

Bộ GD&ĐT mong nhận được nhiều ý kiến của các thầy, các cô, các độc giả để hoàn thiện, quyết định ra Quy chế trong thời gian sắp tới.

Từ trái qua: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Cục trưởng Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vũ Đình Chuẩn ghi nhận các góp ý tại tọa đàm
Từ trái qua: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Cục trưởng Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vũ Đình Chuẩn ghi nhận các góp ý tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ Đại học Quốc gia TP HCM; bà Trương Thị Kim Huệ - Phó GĐ  Sở GD&ĐT Đồng Nai; ông Trần Thanh Liêm - Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Tháp... đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời đưa ra những góp ý của mình cho dự thảo quy chế.

Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM:

Tôi cho rằng đây là bước thay đổi rất đột phá. Mỗi năm học sinh không phải là thi 2 kỳ đâu. Không ai phân tích bài toán kinh tế nhưng tôi nghĩ lợi cả ngàn tỷ từ xã hội, gia đình. 

Chính sách của Bộ trong quy chế này là tạo điều kiện tối đa thuận lợi cho thí sinh chứ không phải là phân biệt mà vì nhiều em yếu chỉ cần đăng kí vào các trường CĐ, trung cấp nghề thì cần gì phải ra thành phố thi. Việc tổ chức các cụm thi ở địa phương là phù hợp để các em thi gần, đỡ tốn tiền. Chúng ta lại giải quyết được bài toán kinh tế, lại tiết kiệm chứ không phải là phân biệt.

Vấn đề đơn giản mà lại bàn ra phức tạp thì không được. Tôi chỉ phân vân là vấn đề chấm thi bởi vì mỗi năm chúng ta đều có chấm phúc tra. Tôi theo dõi thì thấy số bài chấm phúc tra có khoảng 10% chênh lệch từ 0,25 – 1 điểm. Tuy số 1 điểm thì ít nhưng số 0,25 và 0,5 thì tương đối nhiều. 

Theo tôi, chúng ta nên gom lại, các trường ĐH đã tổ chức nghiêm túc kỳ thi thì cũng phải tổ chức khâu chấm riêng. Tôi ví dụ, một cụm ở Sài Gòn thì gom lại giao cho ĐHQG, ĐH KHXHNV chuyên về Văn chấm Văn toàn bộ, nếu giao cho một trường không chuyên về Văn chấm thì cũng rất mệt.

Thời gian thi lùi lại là hợp lý, bởi giữa tháng 6 là cao điểm của kỳ thi của các trường ĐH.

Ông Giang Sơn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn:

Ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy kỳ thi THPT quốc gia có nhiều ưu điểm nổi trội. Tuy nhiên, Quy chế nên hướng dẫn rõ hơn việc  lập danh sách ảnh các phòng thi.

Trước đây thí sinh bỏ thi một môn thì không được thi các môn tiếp theo. Còn hiện nay thi theo môn, theo tôi nếu thí sinh bỏ thi môn trước vẫn có thể thi môn tiếp theo để xét tuyển vào các trường đại học.

Về mặt kỹ thuật, tôi đề xuất ở Điều 23 về trách nhiệm của cán bộ coi thi và các thành viên, Quy chế nên hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn. Cụ thể cần phải nêu rõ, cán bộ coi thi ký tên vào giấy thi và giấy nháp. Việc kiểm tra, nhận diện thí sinh chỉ cần giấy chứng minh thư nhân dân và thẻ dự thi là được. Nên nhận diện sau khi thí sinh đã vào làm bài để không làm ảnh hưởng đến các em và không gây lúng túng cho cán bộ coi thi.

Ông Lê Lâm - Trường Cao đẳng Đại Việt:

Với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã giành phần khó khăn, gian khổ để tạo thuận lợi hết sức có thể cho học sinh. Các trường ĐH, CĐ lần này cũng được Bộ GD&ĐT ưu tiên, tạo điều kiện.

Vấn đề còn lại là mong muốn Bộ GD&ĐT sớm chính thức ban hành quy chế. Bên cạnh đó, cũng mong Bộ GD&ĐT có cách nào đó kiểm soát việc đăng ký nguyện vọng và xét tuyển, làm sao để các trường top dưới có thể tuyển được đối tượng vào học theo đúng năng lực, tiêu chí Bộ đề ra.

Bản thân Trường CĐ Đại Việt sẵn sàng đóng góp về nhân lực, đội ngũ giảng viên tham gia coi thi, chấm thi và mong Bộ GD&ĐT sẽ tranh thủ nguồn lực của các trường ĐH, CĐ trong cả nước, huy động tham gia vào kỳ thi này.

Ông Trần Đình Lý - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP HCM:

Ông Trần Đình Lý - Trường ĐH Nông Lâm TP HCM 

So với những lần dự kiến trước đây thì dự thảo này với những điều chỉnh so với dự kiến ban đầu thì đã theo hướng tích cực và có sự hoan nghênh của dư luận xã hội, đặc biệt là các em học sinh, các thầy cô giáo.

Như các thầy cô tính toán ra lợi ích về kinh tế, tôi rất đồng tình với những ý kiến đó, giảm chi phí rất nhiều. Qua đó cũng thấy được việc nâng cao được vai trò của các sở GD&ĐT, cá trường THPT. 

Trước đây có ý kiến cho rằng nếu thiên về kì thi do các trường ĐH tổ chức thì ít nhiều các thầy ở Sở, các thầy ở trường THPT có sự chạnh lòng này kia. Nhưng chúng tôi thấy là vai trò của các Sở GD, các trường THPT, các công tác coi thi và chấm thi được nâng cao. Điều này rất phù hợp.

Về cụ thể thì chúng tôi có góp ý như sau:

Trường ĐH Nông lâm TPHCM là trường được giao là 1 cụm thi. Sau khi nhận nhiệm vụ, có cuộc họp giao ban với Sở GD&ĐT, trường về chuẩn bị, liên hệ với địa điểm thi. Dự kiến ra các kịch bản có thể có trong kì thi lớn này. Như vậy là tất cả đều có sự chuẩn bị đến thời điểm này là cũng hết sức yên tâm. Và sau đó các cụm này với sự gợi ý và sau đó các cụm ngồi lại với nhau tại ĐHQG. Như vậy là có ngồi lại và dự kiến những kịch bản.

Về vấn đề chấm thi: Khi thảo luận vấn đề này ở trường, có 2 luồng ý kiến rất khác nhau và quan điểm là nếu chấm thi với thang điểm 20 thì thí sinh sẽ được chấm điểm rất chính xác và các thầy ủng hộ phương án thang điểm 20. 

Tuy nhiên cũng có ý kiến đó là sự thay đổi về tâm lý và một số thay đổi mang tính chất có thể không phải là thay đổi lớn trong bối cảnh thay đổi căn bản toàn diện kì thi tuyển sinh. 

Ý cuối cùng là tất cả những gì mà đã ổn định, đã tốt rồi ở kì thi 3 chung thì chúng ta không nên thay đổi và để phục vụ cho một mục tiêu lớn. 

Đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP HCM: 

Tại điều 14 của Dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, có điểm rất quan trọng là: Trong thời gian quy định mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Sau đó, ghi chú là: Thí sinh đã trúng tuyển ở 1 đợt xét tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển ở các đợt tiếp theo.

Nếu có điểm này, quy chế sẽ chặt hơn các năm trước và kỹ thuật tuyển sinh sẽ bớt ảo rất nhiều. Theo tôi, đây là điểm rất quan trọng nên không thể để ở dạng ghi chú phía dưới mà phải đưa vào thành 1 điều khoản ở nội dung hồ sơ xét tuyển.

Và nếu có điều này thì phần mềm quản lý thi, khi thí sinh đã trúng tuyển vào 1 trường, hệ thống phải xoá toàn bộ quyền xin xét tuyển vào các trường khác. Nếu phần mềm không làm được việc này, các trường vi phạm sẽ bị xử lý thế nào, chúng ta cũng phải đặt ra.

Ông Trần Hoàng Nhân - Giám đốc Sở GD&ĐT Long An:

 Giám đốc Sở GD&ĐT Long An - Trần Hoàng Nhân

Ngành Giáo dục Long An cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 và đóng góp 3 ý:

Quy chế cần thiết có điều khoản quy định hàng năm vào thời điểm nào, với thẩm quyền của mình, Bộ GD&ĐT công bố các cụm thi và các thí sinh sẽ thi tại địa điểm nào để các địa phương chủ động trong công tác tuyên truyền và chuẩn bị cho thí sinh về kiến thức, tâm lý.

Trong văn bản hướng dẫn, Bộ nên có nội dung hướng dẫn các địa phương chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà có sức học tốt vì cơ hội đến trường thi của các em gặp khó khăn dẫn đến giảm hoặc tuột mất cơ hội vào giảng đường Đại học.

Chế tài xử phạt đối với những sai phạm của những bộ phận tổ chức thi, giám thị coi thi cần cân nhắc để phù hợp với Nghị quyết 59 về Đổi mới căn bản toàn diện GD: Ra đề sai, coi thi chưa nghiêm túc, gian lận khi chấm thi,.. cần có những chế tài cụ thể và đủ mạnh để chấn chỉnh nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM:

Liên quan đến 2 dự thảo quy chế, tôi xin góp ý 2 vấn đề:

Vấn đề kỹ thuật: Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, chúng tôi hình dung, với cụm thi liên tỉnh gồm thí sinh 2 tỉnh sẽ khá đơn giản. Nhưng, cụm thi như TP HCM, tôi được biết có đến 8 cụm. Trưởng Ban chỉ đạo cụm thi TPHCM có thể là Phó Chủ tịch thành phố; Phó trưởng Ban chỉ đạo thi phải có ít nhất có 8 đại diện của 8 trường ĐH và 7 Sở GD&ĐT … 

Như vậy, liệu Ban chỉ đạo cấp tỉnh như ở HCM và Hà Nội có phình quá to hay không? 

Về đánh số báo danh, cần làm rõ với môn tự chọn có ít thí sinh tham gia, việc dồn thí sinh vào các phòng thi như thế nào để tiện hơn cho khâu tổ chức. Do đó, kỳ thi này có thể chúng lại cần đến thẻ dự thi, trong đó thể hiện rõ thí sinh ở buổi nào, phòng nào…

Một vấn đề nữa hiện cũng được giải thích khác nhau là thí sinh tự do đăng ký dự thi ở đâu nên hướng dẫn rõ.

Liên quan đến đăng ký môn thi, cần rõ hơn về câu chữ. Về cụm thi, chúng tôi nhất trí với việc các cụm thi tỉnh, liên tỉnh đều do các trường ĐH chủ trì. Nhưng cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các trường ĐH được phân công với các Sở GD&ĐT.

Về thang điểm 20, thang điểm 10, 20 hay 100 đều như nhau, vấn đề ở đây là thói quen. Nhưng theo tôi, vấn đề lớn nhất là việc xã hội cảm nhận về điểm ưu tiên khi thay đổi thang điểm (điểm ưu tiên tối đa thành 7 điểm), nhất là với các học sinh ở vùng không được ưu tiên. Do đó, tôi kiến nghị, nếu dùng thang điểm 20 nên xem xét lại điểm ưu tiên.

Về đề thi, hiện nay đề thi của Kỳ thi THPT quốc gia giống như đề thi của kỳ thi THPT trước đây và giống như đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Rất nhiều câu hỏi giống như là như thế nào, tôi mong sẽ được giải thích rõ hơn.

Về ngưỡng đảm bảo chất lượng, vẫn đề này nên đặt ra nhưng cũng nên nương nhẹ. 

Về xét tuyển thí sinh liên thông: Trước đây, quy định thí sinh thi liên thông chưa tốt nghiệp đủ 3 năm phải tham gia kỳ thi. Nay chúng ta mở rộng xét tuyển học bạ, quy định trên liệu phù hợp nữa hay không?

Cuối cùng là vấn đề xét tuyển, theo dự kiến mỗi học sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Cho đến chiều hôm qua, các trường thành viên chúng tôi thảo luận vấn đề này và cho rằng, mỗi giấy chỉ cho xét tuyển vào 1 trường thành viên, nếu cho xét tuyển 1 giấy vào nhiều trường sẽ rất khó.

Về vấn đề cụm thi: Chúng tôi cho rằng, không nên quy định các thí sinh dự thi tại cụm thi tỉnh không được xét tuyển vào ĐH, CĐ, vì trên thực tế, các em vẫn có thể xét tuyển vào các trường xét học bạ tốt nghiệp THPT.

Vấn đề phân luồng: Hiện nay, cơ sở duy nhất còn lại để phân luồng sau THPT là chỉ tiêu và chỉ tiêu phải hết sức tự giác, nhưng cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề đặt ra là các trường được gọi nguyện vọng 1 bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu? 

Tôi hình dung, sau nguyện vọng 1, hầu hết các trường lớn gần như đã hết chỉ tiêu. Nên, các nguyện vọng tiếp theo là các trường tốp sau. Nếu hình dung như vậy, số lượng thí sinh ảo sẽ vẫn còn, nhưng không quá lớn.

 Ông Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong HCM: 

Ông Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong HCM 

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương thi năm nay của Bộ, chỉ có 1 kì thi thôi, đó là kì thi THPT quốc gia. 

Chúng tôi cho rằng nên giữ thang điểm 10 là vì nếu chúng ta muốn tính chi tiết hơn thì chúng ta có thể quy định mỗi câu 0,125... Chúng ta chia nhỏ ra thì vẫn chia nhỏ được. Khi chúng ta thành điểm 10 như vậy thì khi cộng thêm với điểm trung bình lớp 12 đó thì nó cũng hợp lý hơn vì tất hiện nay ở lớp 12 của các em là thang điểm 10.

Xin được hỏi bao giờ chúng ta có quy chế chính thức cho kì thi. Phụ huynh và học sinh khi biết tôi đi dự đều nhờ hỏi là bao giờ có quy chế chính thức cho kì thi THPT quốc gia 2015.

Chúng tôi có thắc mắc là theo dự thảo các em thi xong thì sẽ được cấp 4 giấy ghi điểm của mình và giấy thứ nhất các em chỉ nộp trong đợt 1 thôi. Nếu đợt 1 các em nộp được mà đã trúng tuyển rồi thì 3 giấy kia không có giá trị nữa, tức là không thể nộp các đợt sau nữa. Cái này rất hợp lý. 

Chúng ta có kế hoạch góp ý dự thảo quy chế THPT quốc gia 2015 thì cũng nên có quy chế dự thảo quy chế THPT quốc gia 2016 hoặc 2017 để nhà trường có kế hoạch tổ chức giảng dạy, chuẩn bị.

Ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu: 

Chúng tôi rất đồng tình và hoan nghênh những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015. Chúng tôi đã triển khai sâu rộng đến các nhà trường, học sinh, phụ huynh và nhận được sự đồng tình cao vì chủ trương này mang lại nhiều điều lợi cho học sinh.

Bộ nên có chỉ đạo bằng văn bản tới các Sở yêu cầu các hiệu trưởng quản lý học sinh và lên kế hoạch cho học sinh ôn tập. Việc này sẽ tránh tốn kém và tránh chuyện học sinh sẽ tập trung tại các "lò luyện".

Với điều 14 quy định thi môn Địa lý không được đưa Atlat vào phòng thi. Bộ nên công bố sớm nội dung này để thầy và trò đều có thời gian chuẩn bị và thay đổi cách học, cách ôn tập.

Điều 37, GDTX: Bỏ điểm khuyến khích với Tin học và Ngoại ngữ nên bắt đầu từ năm sau để học sinh có thời gian chuẩn bị về tâm lý còn năm nay, nội dung khuyến khích này đối với học sinh GDTX nên giữ nguyên như năm trước. Thang điểm nên giữ nguyên thang điểm 10

Băn khoăn về cấu trúc đề thi cho từng bộ môn. Mong Bộ công bố và hướng dẫn sớm để giáo viên và học sinh biết để chuẩn bị.

Ông Đồng Văn Hướng - đại diện trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM phát biểu: 

 Ông Đồng Văn Hướng - Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM

Về mặt kỹ thuật, một số điều trong câu chữ như điều 10, mục 1, mục 2 đề nghị chỗ đó nên viết rõ hơn. Điều 55, mục 1 đối với các trường chủ trì, mục 2 là đăng ký đề nghị phải làm cho rõ. 

Đối với một trường ĐH thì theo quy định của Bộ GD&ĐT và theo quy định của Nhà nước thì có khoảng 3 phó hiệu trưởng mà trong tiểu ban thì trong quy định có 5 ban, trong đó có 3 ban bắt buộc thường trực thì phải là lãnh đạo các trường ĐH chủ trì. Rồi phó ban, trong 3 ban ấy có cả phó ban. E rằng chúng ta quy định cứng như vậy thì lãnh đạo các trường ĐH không có đủ để làm trưởng ban, phó ban và trưởng ban thường trực của các ban này. Đây là vấn đề thực tế, nên cũng đề nghị xem xét, nghiên cứu kỹ.

Quy định các trường ĐH chủ trì kỳ thi THPT quốc gia, cùng một đề thi, cùng một tổ chức thi thì tôi nghĩ thí sinh cũng phải có quyền lợi giống nhau chứ không phải thi tỉnh để xét tốt nghiệp, vì nếu chúng ta tổ chức tốt như thế này thì tôi cho rằng bỏ kỳ thi tỉnh. 

Về quy chế thi xét tuyển, từ kinh nghiệm của trường chúng tôi, tôi cho rằng nên xem xét trong 20 ngày có kịp không? Nên ghi rõ là có thành lập ban chấm phúc khảo và thành lập vào thời điểm nào. 

Quy định về  xử lý kỉ luật về quy chế tuyển sinh ĐH: Cảnh cáo hoặc có hình thức cao hơn đối với hiệu trưởng khi các định sai chỉ tiêu tuyển sinh hoặc chỉ tiêu vượt. Tôi nghĩ tuyển vượt chỉ tiêu 1, 2, 3 trường hợp tôi thấy điều đó cũng rất bình thường. Có khi tuyển được là tốt bởi có khi còn không đủ chỉ tiêu. Nếu vậy mà cảnh cáo hiệu trưởng thì tôi nghĩ phải có mức rõ ràng hơn.

Đại diện trường Đại học Đà Lạt:

Việc tổ chức một kỳ thi sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc và ngân sách cho địa phương và giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh.

Ưu điểm nổi bật trong Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia đó là các em được đăng ký xét tuyển sau khi các em biết kết quả. Với phương thức xét tuyển như thế này sẽ mở ra cơ hội để các em lựa chọn chính ngành nghề mà mình theo đuổi. Do vậy chúng tôi rất đồng tình với chủ trương và phương thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm nay.

Về Dự thảo chúng tôi cơ bản đồng tình. Trường chúng tôi đã có kinh nghiệm trong tổ chức tuyển sinh đại học. Vì vậy nếu năm nay Bộ GD&ĐT tin tưởng giao cho Trường Đại học Đạt Lạt chủ trì cụm thi thì chúng tôi sẵn sàng nhận và chúng tôi xin hứa sẽ tổ chức tốt kỳ thi.

Bà Trương Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai

Nên duy trì thang điểm 10 bởi vì với học sinh vì đối với học sinh THPT vẫn đang áp dụng thang điểm 10; nên giãn thời nộp hồ sơ đăng ký dự thi của các thí sinh. Hạn chót nên là cuối tháng 4 thay vì là đầu tháng 4 như trong Dự thảo.

Về cụm thi, đề nghị nên duy trì hai cụm thi song song (cụm thi liên tỉnh và cụm thi tại tỉnh). Đối với hai cụm thi này thì đều do các trường đại học chủ trì. 

Ông Trần Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp:

Tư lệnh Ngành chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia ảnh 6 Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Tháp - Trần Thanh Liêm

Chúng tôi cơ bản đồng tình với chủ trương thi THPT Quốc gia 2015 và các Dự thảo quy chế, đặc biệt là quy chế thi THPT quốc gia.

Ngay khi nhận bản Dự thảo quy chế, Đồng Tháp đã triển khai mạnh mẽ đến các giáo viên, phụ huynh và các em học sinh và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo.

Một số ý kiến quan tâm đến cấu trúc đề thi giống và khác các kỳ thi trước như thế nào; Kênh thông tin trên Website của các trường để phụ huynh và học sinh tham khảo, theo dõi, giám sát; Thời điểm nộp hồ sơ, và tổ chức kỳ thi rất tốt, phù hợp, học sinh có thời gian chuẩn bị.

Bên cạnh đó, nên chấm điểm nên dùng thang điểm 10 cho thống nhất và ổn định.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Tú
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Tú

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trực tiếp giải đáp các băn khoăn của thầy cô giáo tại buổi tọa đàm. Xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng: 

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các thầy các cô có ý kiến phát biểu, bình luận, góp ý, bổ sung để chúng ta hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia. Chúng  tôi có ghi chép, lắng nghe đầy đủ các ý kiến và sẽ xử lý các thông tin có được để cân nhắc, xử lý các phương án.

Xin phát biểu một số ý kiến, chưa phải chốt vấn đề bởi lãnh đạo Bộ còn thời gian để lắng nghe các ý kiến, đóng góp của địa phương khác.

Trước hết, chúng tôi rất mừng qua ý kiến phát biểu của các thầy, các cô khối các Sở, các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, chúng ta không chỉ cập nhật thông tin kỹ, tìm hiểu sâu sắc, tìm hiểu tinh thần chiến lược, mục tiêu, nguyên tắc, quan điểm, bước đi của đổi mới giáo dục - đào tạo. 

Các đồng chí không nói câu chữ Nghị quyết, nhưng tôi thấy rõ trong các câu chữ, lập luận của các đồng chí. Đây không phải là ý kiến cá nhân, mà nhiều trường đã hội thảo trong tập thể sư phạm, rồi ý kiến của học sinh, cộng đồng xã hội, phụ huynh. Chúng tôi rất mừng, như thế, Nghị quyết đã có một bước đi vào cuộc sống, vào tính toán, cân nhắc của chúng ta.

Việc đổi mới thi cử nằm trong hai lộ trình:

Lộ trình thứ nhất là thay đổi đổi mới thi kiểm tra đánh giá ta làm 3 - 4 năm nay. Ngau sau Đại hội 11 kết thúc, chúng tôi đã triển khai nghiên cứu, thực nghiệm nhiều công việc ở tiểu học, trung học cơ sở, THPT rồi trên cơ sở đổi mới dạy học đó, đổi mới kiểm tra đánh giá, thi học kỳ thế nào, lên lớp cuối năm ra làm sao. Hai năm gần đây thay đổi thi tốt nghiệp. Rõ nhất là kỳ thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp 2014 vừa rồi.

Mục đích để thay đổi cách dạy cách học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Lần thay đổi trong kỳ thi này cũng như những thay đổi tiếp tục tới đây, chúng ta đã tính toán, triển khai đều trên một nguyên tắc là lấy quyền lợi, lấy lợi ích lâu dài, căn bản của học sinh làm trung tâm, làm căn cứ, làm tiêu chí.

Tôi đã nhiều lần nói, và hôm nay nói lại, tôi mừng là các thầy chia sẻ, đồng tình, là chúng ta sẽ dành phần thuận lợi, cái tốt cho các cháu, cũng là lợi ích lâu dài của đất nước, giành phần khó về mình, giành phần khó về thầy cô giáo, nhà trường, cơ quan quản lý để giúp cho việc dạy, việc học trong nhà trường được tốt.

Khi thay đổi như vậy sẽ có xê dịch, đảo lộn ít nhiều trong công việc của nhà trường, của các Sở, Bộ GD&ĐT, và cả trong công việc của Chính phủ.

Hôm qua khi họp Chính phủ, Thủ tướng hỏi việc đổi mới thi cử thế nào? Tôi đã báo cáo Thủ tướng: Chúng ta đã có sự thay đổi. Tinh thần là cố gắng thay đổi ít, dẫn đến sự biến đổi của công việc nhiều, nhưng chắc chắn chúng ta phải sẵn sàng thay đổi.

Các thầy có hỏi phương án này là của năm nào? Đây là hình hài phương án cho đến khi chúng ta có lứa học sinh sẽ học chương trình SGK mới đi thi lớp 12, hướng là như vậy. Quốc hội có nghị quyết ta triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm 2018, đến 2021 nếu có thay đổi mới thay đổi phương án thi. 

Cá nhân tôi hình dung, có thay đổi, nhưng không phải đi sang phải, rẽ trái, đi lên hay đi xuống mà sẽ vẫn hướng như vậy nhưng sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn và cập nhật với thế giới hơn.

Phương án 2015 này, đến năm 2016 có thay đổi gì không? Có thể có thay đổi chi tiết nào đó mà qua thực tiễn thấy có phương án, giải pháp hay hơn thì ta bổ sung. Nhưng tổng thể sẽ cố gắng ổn định.

Ta lắng nghe, trao đổi, đóng góp thật kỹ lần này thì những bổ sung, sửa chữa của các kỳ tới đây sẽ ít. Chúng tôi rất hy vọng điều đó.

Về thang điểm: Đúng như các đồng chí nói, bản chất vấn đề không thay đổi gì cả, trên thực tế ta sử dụng rất phổ biến thang điểm ngoại ngữ 100. Nếu các cháu của chúng ta đi thi IELTS, TOEFL thì cũng thi mấy trăm rồi. Bản chất vấn đề vấn thế, thầy cô giáo chấm thi, quy đổi vất vả hơn. Nhất là lúc đầu bỡ ngỡ. Chấm rồi lại phải quy đổi cho cùng hệ số, cũng là thêm công việc. 

Chúng tôi lắng nghe công luận, hôm nay nghe thầy cô nói, có lẽ Bộ sẽ giữ thang điểm 10 để các thầy cô tránh xao xuyến, băn khoăn. Vào trận tâm hồn thanh thản, không xao xuyến, băn khoăn thì chắc thắng.

Về quy định thí sinh tự do đăng ký thi, đúng tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu. Thí sinh tự do đăng ký ở đâu cũng được, về địa bàn thường trú, thi theo hộ khẩu đăng ký…  Thậm chí đi nghỉ mát tăng sức khỏe trước khi thi, thi ở nơi nghỉ mát cũng được, tạo mọi điều kiện cho các cháu. Nhưng đây là với thí sinh tự do, còn thí sinh đang học ở trường thì phải theo tổ chức.

Về cấu trúc đề thi, mô hình đề thi có câu dễ, câu khó, câu vừa vừa, có câu đại bộ phận các cháu làm được, có câu một số cháu yếu không làm được, có câu phải khá mới làm được, có câu dành cho cháu giỏi, xuất sắc. Để chúng ta làm hai việc: Xét tốt nghiệp và tuyển sinh.

Mô hình câu, đề thi: Có thể chúng tôi sẽ đưa lên mạng một số đề, nhưng đại thể số lượng câu, đại thể mức độ khó, trong đề toán, câu lượng, câu hình, đại số ra sao, gần như hai đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH vừa rồi. Để các cháu vững tin hơn, có thể đưa lên một số câu ví dụ.

Về Atlat: Đúng là hai quy chế có chỗ cho, chỗ không. Nhưng nếu quy chế chủ trương không cho mang Atlat thì thông tin cụ thể trong Atlat cũng đã ghi trong đề rồi, Có nghĩa là không bắt các cháu học thuộc lòng nữa. Tinh thần là cho các cháu mang vào, khuyến khích năng lực phân tích tổng hợp, không bắt các cháu học thuộc lòng, mang tài liệu dấm dúi vào để lấy số liệu.

Xét đợt 1, đợt 2, đợt 3: Đợt 1, tất cả các trường cùng xét. Những trường nào xét xong - phần lớn các trường xét xong trong đợt 1 - trường nào không đủ thì xét đợt 2, đợt 3… Nhưng trường nào cũng có quyền xét ngay từ đầu, Bộ không phân trường nào đợt 1, đợt 2... Đến bữa, tất cả cùng vào mâm!

Các thầy băn khoăn in giấy dự thi: Xếp số báo danh, phòng thi, các trường ĐH làm, sau đó truyền mạng đến các trường phổ thông, sau đó trường in và chuyển cho thí sinh để các cháu đỡ phải đi lại. Tất cả vấn đề này các thầy ở trường phổ thông hoàn toàn yên tâm.

Về thẻ, giấy, về kỹ thuật cũng không có vấn đề gì. Chúng ta làm rất ổn.

Về quy chế - như trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM có nói – anh em trong Ngành rất rõ. Nhưng để cẩn trọng, cũng nên ghi vào trong quy chế cho kín kẽ.

Thời gian công bố chính thức: Bộ sẽ chủ trì phiên họp các thứ trưởng, rồi phân loại, xử lý cẩn thận các ý kiến đóng góp (ĐH, Sở, nông thôn, miền núi, thành phố). Trong vòng 10 ngày đầu tháng 2 chúng tôi sẽ công bố chính thức phương án.

Băn khoăn chuyện tuyển vượt 1, 2 cháu mà bị kỷ luật: Không có chuyện đó. Các trường cứ yên tâm làm. Bộ và Bộ trưởng không bao giờ cầm đèn soi các trường tuyển vượt 1, 2 cháu làm gì. Nhưng nếu cố ý lạm dụng thì sẽ xử lý kỷ luật nghiêm, bao gồm kỷ luật cả trường, đánh về kinh tế và kỷ luật hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường.

Khi giao quyền tự chủ mạnh xuống các nhà trường, Bộ sẽ quay trở về làm thật tròn trịa trách nhiệm quản lý nhà nước, trong đó có vấn đề thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý nghiêm minh những trường cố ý vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi nghĩ nếu vượt chỉ tiêu 5% thì không vấn đề gì.

Kéo lùi thời gian thi là tính toán đến nguyện vọng của các cháu. Với các cháu phổ thông, thi ĐH vào tháng 7, nếu thi vào tháng 6 là mất đi một tháng ôn. Thực chất là giống như chuyện thang điểm 20. Nếu để các cháu hụt hơi, lo lắng không cần thiết thì không nên. Ta nên cân nhắc, để các trường ĐH có chỗ ở lo cho các cháu, còn các cháu có tâm thế tốt nhất.

Về cụm thi tỉnh và liên tỉnh, phải xuất phát từ thực tế: Giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ, xã hội và trong giới đều cho rằng kỳ thi ĐH có độ tin cậy cao hơn kỳ thi tốt nghiệp. Tôi nhắc lại lúc ta thảo luận làm đề án trình Trung ương ra nghị quyết và làm đề án đổi mới thi, có nhiều ý kiền đòi bỏ kỳ thi tốt nghiệp, giữ kỳ thi ĐH. Nhưng ta không bỏ được kỳ thi tốt nghiệp và không thể duy trì kỳ thi ĐH như cũ. Luật Giáo dục quy định phải có kỳ thi tốt nghiệp, còn luật GD ĐH thì yêu cầu các trường phải có quyền tự chủ trong tuyển sinh. 

Trong bối cảnh như vậy và quán triệt Nghị quyết 29, chúng ta tính toán, đưa ra giải pháp, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia làm 2 việc là xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

Để có độ tin cậy, thì phải duy trì tất cả những điều gì tốt và đảm bảo độ tin cậy mà kỳ thi tuyển sinh ĐH đã thực nghiệm cho kết quả. Như vậy ta buộc phải làm các cụm liên tỉnh. Cách đây khoảng 40 năm ở các tỉnh miền Bắc có lúc các trường ĐH về từng tỉnh tổ chức thi, sau đó phải bỏ. 

Nay chúng ta thiết kế 2 – 3 tỉnh một cụm, để học sinh được trộn, đảm bảo sự khách quan, từ đó các nhà trường tin cậy, xã hội mới tin cậy.

Ta làm cụm thi như thế để thiết kế cho các cháu dự thi vừa làm tốt nghiệp, vừa tuyển sinh ĐH, ngoài cái lợi là thi một lần, thì khoảng cách thi ngắn hơn. Mọi khi là về thành phố lớn, nay thì chỉ sang tỉnh bên cạnh. 

Phần các cháu chỉ thi tốt nghiệp, nếu bắt sang tỉnh bên thì vất vả quá. Chúng tôi cân nhắc ở Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, một số tỉnh khó khăn ở Tây Bắc, đi lại khó khăn, địa bàn rộng, nên phải tính với các cháu chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp, không dùng kết quả thi đó để xét tuyển ĐH thì tổ chức tại địa phương, nhưng quy trình xét tuyển như cụm thi khác.

Ta không ngăn cản các cháu thi ĐH. Các trường chỉ dùng kết quả thi phổ thông thì các cháu cứ vào. Nếu có trường nào tin cậy kết quả thi đó là nghiêm túc, sử dụng, rất hoan nghênh. Xã hội, các trường ĐH và chúng ta sẽ chứng kiến, tham gia sự kiện, đánh giá và lòng tin vào kết quả thi qua thực tiễn sẽ chứng minh.

Như vậy một số trường ĐH sẽ điều động lên các tỉnh, nhất là một số tỉnh khó khăn. Các trường cảm ơn Bộ tổ chức kỳ thi nhiều ưu điểm, giờ chúng tôi cảm ơn các trường vì học sinh mà chịu vất vả. Chúng ta đặt lợi ích, thuận lợi của các cháu lên trước, trường sẵn sàng nhận một số khó khăn có thể có.

Các cụm thi này có ban chỉ đạo thi, có ý kiến lo lắng nó phình to. Thực tế đã có, ví như ở trường ĐH Cần Thơ đã làm 13 năm nay, số lượng trên 70.000, làm cho rất nhiều tỉnh ở khu vực miền Tây. Miền Trung có cụm thi Quy Nhơn làm cho khu vực Trung bộ và Tây Nguyên, Bắc Trung bộ có cụm thi Vinh, rồi cụm thi Hải Phòng… 

Như vậy mô hình ta đã làm 3 điểm 13 năm, 1 điểm 4 năm, thành phần như thế nào, sự phối hợp với các ban ngành đã có quy trình, khi nào đến việc đó chúng tôi sẽ trao đổi với các ban chỉ đạo, địa phương, sở  GD&ĐT,… Trên cơ sở mô hình đã có khá thành công, ta vận dụng vào từng vùng đặc thù.

Tất cả các ý khác, nhiều ý kiến hợp lý như: Chú ý học sinh nghèo, đối tượng cần quan tâm, chỉ đạo các trường để tổ chức thuận lợi nhất cho các cháu đi thi, nhất là các cháu dự kiến thi đại học, xin tiếp thu tất cả các ý kiến. Mong trong những ngày tới thầy cô còn ý kiến gì, xin gửi tiếp cho chúng tôi.

Về phía Bộ, cùng với việc này, chúng tôi sẽ từng bước hoàn thiện phương án, đưa ra Ban Cán sự thảo luận. Khi có phương án, mong các thầy các cô có phổ biến, quán triệt cho học sinh, sinh viên, các thầy ở trường ĐH, sở. Mong các đồng chí chủ động trên các phương tiện truyền thông địa phương, báo, đài, bằng các hình thức phù hợp… tuyên truyền giúp học sinh, phụ huynh yên tâm.

Xin cảm ơn các thầy các cô, báo Thanh Niên giúp Bộ trong nhiều công việc.

Nhân dịp năm mới 2015, ta đang bước vào những ngày cuối cùng của năm Âm lịch đón Tết cổ truyền, thay mặt anh chị em trong đoàn công tác của Bộ và cá nhân tôi xin gửi các đồng chí lời chúc năm mới, chúc các đồng chí và gia đình dồi dào sức khỏe; chúc các cơ sở giáo dục đào tạo khu vực phía Nam có nhiều khởi sắc. Và chúng ta cùng quyết tâm phối hợp chặt chẽ, chủ động sáng tạo, liên hệ với nhau thường xuyên để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên năm 2015 thắng lợi.

Xin cảm ơn các đồng chí!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ