TS Nguyễn Trọng Khoa: AI giúp giải quyết thách thức trong y tế dự phòng

GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tầm soát và ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế là điều tất yếu.

TS Nguyễn Trọng Khoa: AI giúp giải quyết thách thức trong y tế dự phòng

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhận định, sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo AI sẽ góp phần giải quyết những thách thức trong y tế dự phòng, nâng cao ý thức người dân về tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

TS Khoa đánh giá, hiện nay, công nghệ phát triển rất vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực y tế với những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công nghệ thôi là không đủ khi chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức trong y tế dự phòng.

Với việc tỷ lệ bệnh không lây nhiễm như ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ đều tăng cao và có xu hướng trẻ hóa, ngoài việc nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe chủ động, người dân cần có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Theo TS Khoa, Trung tâm tầm soát công nghệ cao Naru tích hợp AI là thành quả từ sự hợp tác chiến lược giữa Fujifilm - Tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ y tế, và Trung tâm Y khoa Nhật Bản T-Matsuoka - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tầm soát và phát hiện sớm ung bướu, đột quỵ chuẩn Nhật.

Naru là mô hình sàng lọc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI được phát triển bởi hãng sản xuất thiết bị chẩn đoán hình ảnh Fujifilm với 5 cơ sở tại châu Á trước khi đến Việt Nam.

TS Nguyễn Trọng Khoa - Cục Phó Cục quản lý khám, chữa bệnh.jpg
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Huy Tuấn, đại diện Công ty Naru, cam kết với sự hỗ trợ của công nghệ AI, chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực phát triển, giúp phát hiện sớm những căn bệnh hiểm nghèo để các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị kịp thời. Đồng thời, Trung tâm còn đóng vai trò cầu nối văn hóa, thắt chặt sợi dây gắn kết hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, mang đến những giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Liên quan vấn đề tầm soát ung thư, TS.BS Lê Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhận định, AI được ứng dụng trong lĩnh vực y tế là một điều tất yếu. Việc Ứng dụng công nghệ AI trong tầm soát sớm, có thể phát hiện tổn thương chỉ từ vài mm, sẽ giúp ích rất nhiều để các bác sĩ không bỏ sót một bất thường nào, từ đó lên kế hoạch theo dõi và tư vấn tốt nhất cho mọi người.

“Hy vọng chúng ta có thể tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ tiên tiến để mang lại hiệu quả chẩn đoán vượt trội, đóng góp thêm vào công cuộc xây dựng xã hội khỏe mạnh và hạnh phúc hơn”, BS Linh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.