CNR còn ngạo mạn cho rằng trước đó tàu của Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư 635 tại vùng biển Việt Nam, quanh nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, vốn thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên CNR và CCTV phát tin về các vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam. Dù với ý đồ ngạo mạn muốn cho dân Trung Quốc thấy rằng “tàu của họ” mạnh hơn, nhưng có lẽ động thái này đã gây hiệu ứng ngược khi bị cộng đồng quốc tế lại một lần nữa chứng kiến những hành động hung bạo của đội tàu Trung Quốc trên chính những kênh truyền thông của nước này.
Với những gì hai cơ quan truyền thông lớn vào bậc nhất Trung Quốc phát đi hôm 3/6 đã phủ nhận tất cả những nỗ lực “đổ lỗi” cho “bên thứ ba” mà Trung Quốc đang thực hiện. Bắc Kinh cũng đã tự “vạch áo cho người xem lưng” khi những hình ảnh này đã được báo chí quốc tế dẫn lại với góc nhìn khách quan hơn.
Sau khi tường thuật những gì CNR và CCTV đưa tin, Hãng AFP dẫn lời giới chuyên gia quốc tế nhận định nhà cầm quyền Trung Quốc đang tìm cách lấy lại sự ủng hộ trong nước bằng việc thực hiện những động thái cứng rắn trong các cuộc gây hấn trên biển.
Hai ngày 3 và 4/6, hai cơ quan truyền thông có tiếng của Trung Quốc là Cổng thông tin chính phủ Trung Quốc và Thời báo Hoàn Cầu cùng cho đăng bài xã luận đổ lỗi cho Mỹ làm tình hình thêm căng thẳng ở biển Đông.
Động thái trên nhằm chữa thẹn sau khi Trung Quốc đã một phen “mất mặt” ở Đối thoại Shangri-La 13, vừa kết thúc hôm 1/6 tại Singapore và bị cộng đồng quốc tế “vạch mặt” là kẻ hung hăng sau khi những hình ảnh “hung hăng” của tàu Trung Quốc đối với tàu chấp pháp Việt Nam ở vùng biển được phóng viên các hãng tin quốc tế ghi nhận từ cuối tháng 5 đến nay.
Các cơ quan truyền thông chính thống của Trung Quốc đã nhiều lần đưa tin không đúng sự thật về tình hình tại khu vực mà họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.
Mới đây, truyền thông nước này còn trơ tráo cáo buộc ngược rằng Việt Nam đang gây hấn với họ bằng việc điều thêm tàu đến khu vực trên trong khi chính Bắc Kinh mới là bên gây căng thẳng khi điều cả tàu hộ vệ tên lửa và máy bay trinh sát điện tử, máy bay cánh bằng của Trung Quốc tiếp cận các khu vực có tàu chấp pháp của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, nơi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.