Tại Trung Quốc, Tết Nguyên đán là dịp cả nước đều đoàn tụ gia đình. Trong 15 ngày lễ này, người ta thường chứng kiến một đợt di dân khổng lồ với khoảng gần 3 tỷ cuộc hành trình. Khắp nơi đều được trang trí rực rỡ, trong đó không thể thiếu đèn lồng đỏ, câu đối, những bức tranh có màu chủ đạo là đỏ…
Truyền thuyết kể rằng có một con quái vật tên là Nian thường xuất hiện vào đêm giao thừa và ăn thịt người dân, gia súc, phá hoại mùa màng. Cuối cùng có người đoán ra rằng con quái vật này sợ ánh lửa, tiếng nổ và màu đỏ. Kể từ đó, người Trung Quốc đã trang trí mọi đường phố, ngôi nhà bằng màu đỏ và đốt pháo vào đêm giao thừa. Tuy nhiên ngày nay, do lo ngại về ô nhiễm không khí, nhiều nơi đã cấm bắn pháo hoa.
Một ngày trước năm mới, mọi người dọn dẹp nhà cửa kỹ lưỡng để xua đi những điều xui xẻo và nhường chỗ cho điều tốt đẹp. Khi gặp nhau, người ta thường chúc những điều tốt lành và trẻ con thường được mừng tuổi trong những phong bao màu đỏ.
Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán được gọi là Seollal. Người Hàn Quốc thường thức đến nửa đêm vào giao thừa vì truyền thuyết địa phương kể rằng lông mày của bạn sẽ chuyển sang màu trắng nếu bạn không làm như vậy.
Một phong tục nữa là nói điều ước trong khi ngắm mặt trời mọc đầu tiên trong năm. Truyền thống này khuyến khích nhiều người dân địa phương đến bãi biển Jeongdongjin nằm ở cực đông của đất nước để ngắm mặt trời mọc đầu tiên trên bán đảo.
Các gia đình thường bắt đầu buổi sáng Seollal với một bát tteokguk – một món súp bánh gạo tượng trưng cho tuổi thọ và một khởi đầu mới. Người ta tin rằng bạn sẽ không thêm một tuổi vào ngày Tết nếu không ăn một bát tteokguk. Truyền thống này phổ biến đến mức người ta thường hỏi: “Bạn đã ăn được bao nhiêu bát súp rồi” khi muốn biết tuổi một người.
Một số gia đình cũng uống một loại rượu gọi là kkwi balki sol vốn được coi là ban phước cho người uống với khả năng nhận những lời khuyên khôn ngoan và bỏ qua những lời dị nghị ác ý.
Tết Nguyên đán cũng là dịp để người Hàn Quốc nhớ về tổ tiên, gặp gỡ các thành viên trong gia đình và họ thường mặc hanbok khi thực hiện các nghi lễ, chơi trò chơi dân gian…
Tại Lào, năm mới ở đây đến muộn vào giữa tháng 4. Đây là mùa nóng nhất trong năm và có lẽ vì vậy nước là yếu tố nổi bật nhất trong lễ đón năm mới của họ. Vào đầu năm, những người trẻ tuổi đổ nước lên người lớn tuổi, sau đó là các nhà sư để cầu phúc cho cuộc sống lâu dài và bình an. Họ còn tham gia vào cuộc tranh giành nước với nhau để rửa sạch nghiệp xấu. Nước được dùng trong nghi lễ thường được ướp hoa thơm để tạo cảm giác dễ chịu.
Vào ngày thứ 2 của năm mới, có một nghi lễ liên quan đến sông Mekong – nguồn nước chính của đất nước. Hàng ngàn bảo tháp bằng cát được trang trí bằng hoa và tưới nước thơm được dựng lên trong các ngôi chùa Phật giáo và đưa ra bờ sông để ngăn chặn điều xấu vào đất nước.
Vào ngày cuối cùng, lễ Baci diễn ra để tẩy rửa 32 cơ quan trên cơ thể con người gọi là kwan (hay linh hồn). Mọi người tham gia đều đeo một sợi chỉ trắng quanh cổ tay, tượng trưng cho việc buộc linh hồn vào cơ thể. Người cao tuổi đáng kính của làng sẽ tổ chức buổi tụng kinh và những người tham dự sự kiện này sẽ lặp lại những lời kinh đó. Cuối cùng họ dùng cơm chung với nhau. Vào buổi tối, mọi người thường đến chùa để xin tha thứ cho những lỗi lầm của mình. Một cách khác để chuộc tội vào thời điểm này là phóng sinh con vật bị nuôi nhốt như rùa, cá, cua, chim và lươn.
Ở Mông Cổ, năm mới được gọi là Tsagaan Sar hay “Trăng trắng”. Người Mông Cổ thường mặc đồ trắng, cưỡi ngựa trắng và chỉ ăn các sản phẩm từ sữa trong dịp này. Năm mới là thời điểm vui chơi đối với những người chăn nuôi du mục của đất nước vì nó đánh dấu mùa xuân sắp đến sau mùa đông dài khắc nghiệt khiến hàng trăm con vật của họ có thể chết cóng.
Việc chuẩn bị cho lễ Tsagaan Sar bắt đầu một tháng trước khi lễ hội thực sự diễn ra vì các gia đình cần dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa những đồ dùng bị hỏng, chuẩn bị đồ ăn cho bữa tiệc và mua hay may những bộ quần áo truyền thống để mặc vào ngày trọng đại.
Vào đêm giao thừa, các gia đình quây quần bên cha mẹ, ông bà và cùng ăn uống cho tới khi no bụng để họ có thể sống đầy đủ trong năm mới. Ngày đầu năm, mọi người đều thức dậy từ sáng sớm và khoác lên mình những bộ quần áo mới. Đàn ông leo lên ngọn đồi gần nhất để ngắm bình minh đầu tiên trong khi phụ nữ chuẩn bị trà sữa để cúng. Sau đó cả gia đình đi thăm họ hàng, bạn bè, hàng xóm.
Tại Bhutan, vào những ngày đầu, nước này tổ chức lễ đón năm mới còn gọi là Losar và ngày đông chí, ngày có đêm dài nhất trong năm. Nhưng quốc gia này sau đó đã phù hợp với Tây Tạng thông qua Phật giáo và bắt đầu tổ chức lễ Losar vào tháng 2.
Người Bhutan coi ngày đầu năm là Ngày cúng dường truyền thống vì đây là ngày mà mọi người dâng lễ vật hàng năm cho nhà sư Ngawang Namgyal. Đây là người đã thống nhất toàn bộ Bhutan và sống ở Phunaka ở phía tây. Do đó, các sứ thần của miền Trung và miền Đông đến đây vào dịp năm mới để cúng dường. Để bù đắp cho sự vắng mặt của họ, các sứ thần đã tổ chức ngày lễ ở nhà trước khi rời đi, trong khi gia đình họ vẫn tổ chức lễ vào đúng thời điểm. Theo thời gian, tục lệ này trở thành một phong tục và thậm chí bây giờ, người dân miền Đông và miền Trung Bhutan tổ chức lễ Losar 2 lần/năm.
Người Bhutan tin rằng nếu họ vui vẻ trong ngày lễ Losar thì cả năm sẽ tràn đầy hạnh phúc. Do đó, họ uống và ăn rất nhiều. Mọi người cũng thích khiêu vũ, hát nhạc truyền thống. Để chào mừng năm mới, mọi ngôi làng của Bhutan đều tổ chức các cuộc thi bắn cung. Những người tham gia được khuyến cáo không nên qua đêm với vợ trước khi trận đấu diễn ra để đạt được sự tập trung cao độ. Việc giết động vật vào dịp Losar và kéo dài 1 tháng sau đó được xem là xui xẻo. Vì vậy, tất cả các cửa hàng thịt đều đóng cửa trong thời gian này.
Tại Malaysia, với ¼ dân số là người gốc Hoa, lễ đón Tết Nguyên đán ở đây rất hoành tráng và sôi động. Mặc dù có thể trang trí nhiều cách theo nhu cầu nhưng các hoạt động như đoàn tụ gia đình, múa rồng đều diễn ra trong thời gian 2 tuần của dịp Tết.
Vào đêm 15 Tết, người ta cho rằng từng có một phụ nữ trẻ ném quả cam xuống biển với niềm tin rằng nếu quả cam đó được vớt lên, cô sẽ tìm được người chồng tốt. Truyền thống này vẫn tiếp tục ở Penang cho tới ngày nay mặc dù với mục đích ít lãng mạn hơn. Vào dịp này, cam được bán rộng rãi tại Penang Esplanade ở George Town. Nhiều người, bất kể tuổi tác hay tình trạng hôn nhân, đều mua một quả để ném xuống biển, họ có thể viết điều ước hoặc thậm chí viết tên và điện thoại của mình trên đó. Thỉnh thoảng người ta tổ chức cuộc thi trong đó chàng trai nào vớt được nhiều cam nhất sẽ giành được giải thưởng.
Tại Thái Lan, Tết Nguyên đán chỉ là một trong 3 lễ kỷ niệm năm mới được tổ chức. Vào dịp này, thủ đô Bangkok tổ chức các lễ hội tại Khu phố Tàu Yaowarat. Thông thường một trong những công chúa sẽ xuất hiện và tham gia vui chung với mọi người. Tại quận Pak Nam Pho, người dân tôn vinh các thần hộ mệnh của tỉnh họ như một phần của Tết Nguyên đán, tạo ra một lễ hội kéo dài 12 ngày được gọi là Tết Nguyên đán Pak Nam Pho.
Thời gian được chờ đợi nhất là những ngày cuối cùng, khi các đám rước ấn tượng xuất hiện dọc theo các đường phố chính của thành phố. Một là cuộc diễu hành buổi tối với ánh sáng rực rỡ, những chiếc cầu phao nhiều màu sắc, những con rồng và người biểu diễn trong trang phục cầu kỳ. Sáng hôm sau là một đám rước hấp dẫn không kém của những người nhào lộn và vũ công với hy vọng làm hài lòng các vị thần và ban phước cho họ. Bên cạnh đó nhiều chương trình biểu diễn, trang trí lễ hội, chợ và sự kiện hoành tráng trải khắp thành phố, khiến Nakhon Sawan trở thành một trong những nơi thú vị nhất để chào đón năm mới.
Người Thái Lan còn có lễ đón năm mới Songkran diễn ra vào 13/4 hàng năm. Nổi bật nhất trong dịp này là cuộc chiến phun nước diễn ra trên khắp cả nước.