(GD&TĐ) - Ở thôn Hà Thanh (xã Ninh Đa, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) có một người trưởng thôn không phải giàu có gì nhưng suốt 15 năm qua, ông đã nhận nuôi 17 học trò nghèo. Những đứa con không máu mủ, nhưng được vợ chồng ông dành những tình cảm gần gũi nhất. Để rồi, họ được nuôi nấng, đùm bọc và trở thành những người có ích cho xã hội.
Bây giờ người dân trong vùng không chỉ biết đến ông Nguyễn Ái với một “kỷ lục” về số năm giữ chức – 18 năm làm trưởng thôn – mà ông còn nổi tiếng với việc nuôi dưỡng 21 người con, trong đó có 17 người con nuôi là các học trò nghèo lên huyện học tập.
Ông Nguyễn Ái vừa đảm đương nhiệm vụ của một trưởng thôn trong 18 năm nay vừa nâng đỡ cho 17 học sinh nghèo |
Khi hỏi chuyện ông chỉ nói: “Gia đình tôi không giàu có gì, nhưng tôi muốn đóng góp chút công sức cho xã hội để cuộc sống ý nghĩa hơn”.
Vợ chồng ông Ái có 4 người con, tất cả giờ đều đi làm xa nhà. Thế nhưng trong căn nhà nhỏ vẫn luôn vang tiếng “ba, má”, vì những người con nuôi thường xuyên về thăm vợ chồng ông, nhất là lúc cuối tuần, lễ tết.
Hôm chúng tôi đến nhà ông Ái tình cờ bắt gặp cô “chị cả” và “cô út” trong số 17 người con nuôi của đại gia đình về thăm lại ba mẹ nuôi. Cô “chị cả” là Đỗ Thị Liên, hiện đang dạy học ở trường THCS Chu Văn An (xã Ninh Đa). Còn “cô út” là Phạm Thị Nhật Uyên đang học Đại học Thái Bình Dương ở Nha Trang.
Năm 1992, ông Ái làm hội trưởng hội phụ huynh ở lớp con trai ông đang học. Lúc đó có Chiến và Phú nhà nghèo lại ở xa nên được ông Ái kêu về nhà học với Tuyên (con thứ 2 của ông Ái), rồi Vũ với Liên cũng được vợ chồng ông Ái kêu về nhà ăn ở học hành luôn.
Dù cuộc sống ngày ấy còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng ông Ái luôn sẵn sàng chào đón những học sinh nghèo ham học về nhà mình. Mỗi lần kêu những học sinh nghèo về nhà mình ăn ở để tiện cho việc học hành, vợ chồng ông Ái cũng nói: “Tui bây cứ lo ăn học còn chuyện cơm gạo cứ để ba má lo”.
Mới đầu, những người về sống nhà ông Ái vẫn gọi vợ chồng ông là cô, chú. Nhưng được vài ba tháng thì bỗng dưng chuyển sang gọi là ba má hết.
Cô “chị cả” là Đỗ Thị Liên và “cô út” Phạm Thị Nhật Uyên hạnh phúc trong một lần về thăm ba mẹ nuôi |
Bà Ngưu (vợ ông Ái) tâm sự: “Bốn người đầu tiên là Chiến, Phú, Vũ, Liên cộng với 6 người trong gia đình nữa là 10 người. Nhờ làm nông nên cơm gạo thì có, còn đồ ăn thì có gì ăn nấy. Vui nhất là nấu canh chua, con Liên cứ xới cơm liên tục, hết bát này đến bát khác đến nỗi nó nói “thôi má ơi, lần sau đừng nấu canh chua nữa con xới mỏi cả tay”. Nghèo nhưng vui chú ạ…”.
Chị Liên kể lại: “Năm 1996, chúng tôi chuẩn bị đi thi đại học thì má Ngưu bị ốm phải nhập viện. Chúng tôi thay nhau chắm sóc má. Đến ngày chúng tôi đi, dù chưa được phép xuất viện, nhưng má Ngưu đã xin ra viện sớm để về nhà để nấu bữa cơm tiễn các con của má lên đường đi thi Đại học ở Tp. Hồ Chí Minh…Mấy đứa chúng tôi đi thi, cảm động vô cùng”.
Sau kỳ thi ấy, lần lượt những đứa con ruột lẫn con nuôi của vợ chồng ông Ái đều đậu vào các trường Đại học, Cao Đẳng. Liên đậu 3 trường. Còn Tuyên, Vũ đậu Cao đẳng nhưng không theo học mà cố ôn tiếp, năm sau thi Đại học cả 2 cùng đậu, Tuyên đậu 3 trường.
Sau Chiến, Vũ, Phú và Liên, ông bà Ái tiếp tục nhận nuôi thêm nhiều học sinh nghèo khác nữa. Gần đây là hai học sinh nữ Thảo, Hòa (bạn học con gái ông Ái) được vợ chồng ông chăm sóc trong suốt 3 năm.
Và cứ thế, trong khoảng hơn 15 năm trời, 2 vợ chồng ông Ái đã nhận nuôi tất cả 17 học sinh nghèo. Người ở ít thì cũng 1, 2 năm, người ở lâu thì 5 năm.
Kể về người ở lại nhà mình lâu nhất, ông Ái kể về cô út Phạm Thị Nhật Uyên. Uyên có hoàn cảnh khá khó khăn, ba Uyên mất sớm, mẹ tần tảo bán trứng vịt lộn. Để đỡ gánh nặng cho mẹ, Uyên đã ở lại ăn ở với gia đình ông Ái đến 5 năm.
Tại đây, Uyên cảm nhận được tình cảm và không khí ấm áp mà gia đình mang lại. Với Uyên, em có rất nhiều kỷ niệm với gia đình.
Uyên kể lại: “Em nhớ nhất là mùa mưa lụt, ba Ái phải bơi thuyền vào tận nhà mang theo cả xe đạp rồi 2 ba con chèo thuyền đi học. Cứ như thế hết đợt lụt này đến đợt lụt khác, không lúc nào ba để em đi một mình. Bây giờ học Đại học rồi, mỗi lần về thăm lại ba mẹ, ba lại dúi vào tay em 100 ngàn vì sợ em ăn học thiếu thốn…”.
Thầy Ngô Dũng, Nguyên hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Ninh Hòa) cho biết: “Ông Ái đã có 15 năm làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch hội phụ huynh của trường Nguyễn Trãi, chính vì tiếp xúc môi trường giáo dục nhiều nên ông rất quan tâm đến học trò, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn. Ông Ái không chỉ giúp xây dựng trường lớp từ thời còn khó khăn, mà việc ông liên tục nhận nuôi các học trò nghèo của trường đã khiến nhiều người vô cùng cảm phục. Từ những việc làm của ông Ái, nhà trường đã đề nghị và ông Ái được Bộ giáo dục Huy chương vì sự nghiệp giáo dục năm 2002”.
Ông Nguyễn Giờ, Phó chủ tịch xã Ninh Đa nói: “Việc làm của ông Ái được UBND xã hết sức biểu dương, nhất là truyền thống học tập của gia đình. Xã đã nêu gương và hội khuyến học của tỉnh gia đình hiếu học cho gia đình ông Ái.”
Nguyễn Khánh