Sau giải phóng miền Nam, ông được chính quyền địa phương tin tưởng, giao phó trọng trách là tổ trưởng dân vạn đò từ hồi còn ở trên sông Hương tại phường Vĩ Dạ (TP Huế).
Đến khi về tái định cư (TĐC) ở thôn Lai Tân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) ông lại tất bật với công việc của một trưởng thôn, quanh năm lo "chạy chọt" làm giấy khai sinh cho bà con, vận động các cháu nhỏ đến trường...dân vạn đò từ nhỏ đến già ai cũng tôn trọng gọi bằng ông.
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình
Ông Kèn không nhớ rõ bao lần thắp đèn đêm đêm đi xuống từng gia đình làm nghề chài lưới trên sông Hương để vận động đưa trẻ đến trường. Khi cả làng chài được đưa đi TĐC, ông mừng thầm vì từ này các cháu đã được lên bờ, việc học được tiện lợi hơn.
"Ngó rứa (thế) chứ lúc đầu không dễ mô (đâu) anh ơi, bà con lúc mới lên đây ai cũng ở dưới sông Hương, quanh năm theo đuôi con tôm con cá. Lũ trẻ con cũng thế, hàng ngày chúng nó theo bố mẹ chèo ghe đi đánh bắt cá, đêm về mới chịu ra nhà văn hóa thôn để đến học lớp xóa mù".
"Mình đêm mô cũng đi vận động bố mẹ đưa con đi học, nói miết nên cũng đổ vào tai bà con. Rứa là từ nay khỏi lo rồi. Đứa mô đến độ tuổi học mẫu giáo, rồi lớp 1 tui cứ rứa mà làm thống kế nộp ngoài trường học cho các thầy cô.
Sướng cái là hơn 10 năm lên TĐC con em vạn chài đã "có nhiều chữ" hơn. Cả thôn ni khi tê (xưa) chỉ có vài ba đứa học lên cấp hai đã bỏ học, chừ có cả trên 60 cháu đang học cấp 2 rồi cấp 3" - Ông Kèn phấn khởi kể.
Thấy con em trong xóm được đi học, lo cho cái chữ mà đổi đời ông Kèn mừng đến ứa nước mắt. Giờ đây, dù hưởng mức hỗ trợ trưởng và ủy viên hội đồng nhân dân xã với tổng cộng gần 1,5 triệu đồng nhưng đối với ông, khoản tiền đó chỉ đủ cho ông mua giấy mực, xăng xe phục vụ bà con.
Ông Kèn tâm sự: “Tôi làm chỉ vì cái tâm giúp dân chứ cuộc sống của tôi phụ thuộc hoàn toàn vào nghề đánh bắt cá ban đêm”.
Gần 40 năm làm tổ trưởng, những người dân vạn đò ở thôn Lại Tân dù già hay trẻ, mỗi lần gặp đều gọi là ông Kèn. Kể từ khi được người dân tôn trọng, bầu làm người đại diện chính quyền.
Ngày trước những đứa trẻ vạn đò trước đây ở Vĩ Dạ đều do tôi đặt tên. Cứ mỗi lần sinh con, do quá đông con, cha mẹ lại mù chữ nên họ chỉ đặt cho con mình những cái tên theo con vật cho dễ nhớ. Rồi khi đến làm giấy khai sinh, tìm đến nhà ông Kèn cậy nhờ đặt tên.
Hàng năm ở vùng sông nước không biết bao đứa trẻ chào đời nhưng không vì vậy mà “ngân hàng’ tên của ông Kèn lại cạn kiệt. Chị Huỳnh Thị Kim Oanh (31 tuổi), người mà ông đặt tên khi vừa lọt lòng mẹ, cho biết giờ đây những đứa con chị cũng do ông Kèn đặt tên.
“Hầu như đứa trẻ nào sinh ra trên sông nước ở Vĩ Dạ trước đây cũng do ông đặt tên cả, những cái tên rất ý nghĩa và không bao giờ trùng nhau” – chị Kim Oanh tâm sự.
Giờ đây, khi lên bờ TĐC nhưng cứ mỗi lần nhà cứa bị nứt, bồn cầu bị tắc, tivi bị hỏng… người dân lại tìm đến ông Kèn nhở giúp đỡ.
Ông Kèn đến nhà vận động bà con đưa các cháu nhỏ đến trường |
Chuyên gia hòa giải chuyện "bao đồng"
Thôn TĐC Lại Tân xã Phú Mậu hiện có 337 hộ với 2.890 khẩu, trước đây sống lênh đênh trên các con đò nhỏ dọc các phường Vĩ Dạ (Phú Bình, Phú Hiệp (TP Huế) và được đưa về đây từ năm 2009.
Ông Kèn kể: Khi vừa từ dưới đò chuyển về Lại Tân ở, hầu như ngày nào trong thôn cũng xảy ra đánh nhau giữa các nhóm thanh niên vạn đò với người dân bản địa.
Mỗi lần thanh niên trong thôn đi nhậu, gặp người làng ở đây đều bị chọc quê về lai lịch vạn đò. Cái nguyên nhân nhỏ nhoi đó thôi mà không biết bao lần xảy ra xô xát.
Chuyện đánh nhau thời điểm đó xảy ra như cơm bữa, khi thì giữa trưa, lúc rạng sáng, có lần lại đêm khuya nhưng lúc nào ông cũng có mặt để can thiệp.
“Có lần một nhóm thanh niên trong thôn vào làng tán gái, vừa tới nơi đã bị thanh niên làng chặn lại, gây gỗ. Nhóm trai làng mỉa mai rằng cái gốc dân vạn đò thì làm sao tán được gái làng, bị ức chế nên nhóm thanh niên trong thôn lao vào đánh nhau. Thời gian đó tôi cùng với chính quyền xã phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho hanh niên” – ông kể.
Theo ông Kèn, việc giải quyết mâu thuẫn đánh nhau không khổ bằng chuyện phải ngồi viết bản tự khai cho các thanh niên trong thôn mỗi lần bị công an mời lên làm việc.
“Các thành niên đa số ít chữ, cứ mỗi lần đánh nhau thì có đến vài chục người. Công an yêu cầu viết bản tự khai thì chúng lại nhờ tôi viết, từng đứa một ngồi kể lại cho tôi, viết xong nó chỉ biết điểm chỉ vào”.
Tại khu TĐC vạn đò Lại Tân, người dân được chính quyền đưa vào ở tại các khu nhà liền kề. Căn nhà nhỏ, nhiều gia đình có 3 - 4 cặp vợ chồng, con cái sinh sống với nhau nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn.
Ông Kèn còn nhớ như in chuyện một đôi vợ chồng trong thôn TĐC này cãi nhau vì nguyên nhân vợ từ chối cho chồng quan hệ. “Đêm đó trời mưa to lắm, đã khuya rồi nên làng xóm ngủ hết. Tôi chuẩn bị đi ngủ thì có một chị chạy tới gõ cửa van cực kể khổ, nói chồng gây chuyện vì chị ta từ chối không cho chồng mình quan hệ” – ông kể.
Nghe chị này kể xong, ông Kèn tìm tới nhà thì thấy anh chồng đang trong tình trạng chân thấp chân cao “vung rá đá kiềng”. Chuyện là sau khi nhậu xong, dù say xỉn bét nhè nhưng khi về nhà gặp vợ anh này một hai đòi vợ phải đáp ứng nhu cầu. Thấy chồng mình nồng nặc bia rượu, vợ chồng đã có 4-5 mặt con, nên bà vợ dứt khoát từ chối.
Bị vợ tránh né, ông chồng lấy đủ lý do, nào là vợ theo trai, không biết phục vụ chồng… để mắng vợ cho bõ tức. Biết chồng say nhưng vì quá tức nên chị vợ cũng đôi co lại. Cuộc khẩu chiến giữa đôi vợ chồng này bất phân thắng bại khiến nhiều gia đình mất ngủ nên tìm đến ông thôn trưởng nhờ can thiệp.
“Những trường hợp này không phải là hiếm ở cái thôn này. Khi thì vợ, lúc thì chồng tìm đến cậy nhờ tôi. Tôi đến và phải giải thích rất cặn kẽ về nguyên nhân vợ từ chối, nói thật kỹ cho ông chồng hiểu, ngày mai đợi ông chồng hết say lại gọi tới giải thích tiếp” – ông nói.
Ông Kèn may mắn được gia đình ủng hộ, dành thời gian lo việc làng việc nước. Phải thấu hiểu và yêu thương thế nào mới để chồng, cha mình đêm hôm chân thấp chân cao sang hàng xóm hòa giải để chồng thôi... đòi vợ như vậy!