Trường Sa với hành trình "lửa thử vàng"

Trường Sa với hành trình "lửa thử vàng"

(GD&TĐ) - Ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định có một ngôi làng đã nhiều năm nay luôn có những đội thợ xây dựng đi xây đảo Trường Sa. Như có duyên với một phần máu thịt của quê hương, họ hăng hái đi xây dựng đảo với tâm nguyện “góp một phần nhỏ bé cho nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc”. Đó là những người thợ xây “nông dân” ở làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh.

Những người đầu tiên xây dựng đảo

Làng Bỉnh Di hiện có 3 xóm với khoảng 2.000 dân. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Vào thời gian nông nhàn, đàn ông trong làng thường tỏa đi khắp nơi làm thợ nề, thợ mộc là nghề có từ lâu đời của làng Bỉnh Di, còn phụ nữ thì ở nhà chăm sóc con cái và làm thêm nghề móc sợi xuất khẩu.

Năm 1991, Thiếu tướng Hoàng Kiền khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 83 đã về làng vận động anh em trong làng biết nghề xây dựng, làm mộc giỏi và có đủ sức khỏe, lý lịch tốt thì cùng nhau ra xây dựng quần đảo Trường Sa. Với tâm niệm: “Đây không chỉ là công việc lao động kiếm sống đơn thuần cho người dân trong làng mà còn là công việc có ý nghĩa rất lớn đối với quê hương, đất nước trong sự nghiệp giữ gìn chủ quyền biển đảo”. Thấy được ý nghĩa lớn lao đó, ông Lê Văn Biền (sinh năm 1950), xóm 6 - một trong những người làng Bỉnh Di ra đảo đầu tiên đã tập hợp nhiều anh em trong làng ra xây dựng đảo.

Trường Sa với hành trình "lửa thử vàng" ảnh 1
Ông Lê Văn Biền kể chuyện ra xây dựng đảo

Ông Biền tâm sự: Thiếu tướng Hoàng Kiền là người gốc làng Bỉnh Di. Năm 1991, Thiếu tướng được giao nhiệm vụ xây dựng đảo Nam Yết (nằm ở phía nam cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa). Sau khi nói chuyện với Thiếu tướng Hoàng Kiền, tôi và anh Nguyễn Hoàn (xóm 5) đã về tập hợp anh em trong làng thành ba tổ; trong đó, tổ thợ nề có 7 người do tôi làm đội trưởng, tổ thợ mộc có hơn 10 người do ông Đỗ Phưởng (sinh năm 1952) ở xóm 6 làm đội trưởng và thêm tổ bốc vác, mạ sắt gồm 4 người do ông Đỗ Đoàn (xã Giao Tân) làm đội trưởng. “Đội quân” với 3 tổ như vậy đã là những thế hệ người Bỉnh Di ra xây dựng đảo đầu tiên. 

Lần theo hồi ức của những ngày đầu ấy, ông Biền nhớ lại: “Khi đó, chúng tôi phải vận chuyển ra đảo từng hòn đá, từng bao xi măng, bao đá, bao cát, nguyên vật liệu ra kiến thiết xây dựng nhà ở, nhà chùa, tường bao, hầm hào, kè bờ ở ngoài đảo để người dân ra đó sinh sống, phục vụ quân sự và cũng là chỗ để người dân đánh bắt có chỗ trú chân nếu gặp mưa bão. Sau 3 tháng xây dựng xong, chúng tôi về”. Ông Biền chia sẻ thêm, khi đó ngoài đảo chưa có người dân ở, chỉ có bộ đội sinh sống, mọi thứ rất khó khăn, nước ngọt phải tiết kiệm từng bát một và chia nhau từng xô nước để tắm giặt. Ăn uống chủ yếu là đồ khô, lương khô hoặc mì tôm.

Trong câu chuyện của mình, ông Biền còn say sưa kể về những quả bàng vuông, con ốc biển và những ngày xuân trên công trình xây dựng. Nắng gió nơi đây mang vị mặn mòi của biển, mặc cho tóc đỏ hoe, da đen như cột nhà cháy, ông Biền vẫn mê mẩn bầu trời xanh trong, cao thăm thẳm tới lạ. Trời xanh, biển xanh, ở nơi mênh mông sóng nước này, ông thấy có hình ảnh quê nhà Giao Thủy, dù xa vạn dặm. 

Có lẽ, với ông và những anh em ra đảo xây dựng, cái khó quên nhất vẫn là những ngày tết với bốn bề là nước. Tết nơi đảo xa, ông Biền và anh em trong đội luôn cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới, động viên nhau cố gắng làm việc để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng biển đảo quê hương. Trong khoảnh khắc ấy, tình cảm đồng bào, tình yêu đất nước mới đáng quý biết nhường nào.

Và điều “khắc cốt ghi tâm” nhất của ông chính là hình ảnh vẹn nguyên chuyến vào bờ  mất 9 ngày đêm vì gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Ông Bốn chia sẻ “Mấy ngày lênh đênh trên biển, điện thoại hết pin nên gia đình không liên lạc được. Vợ tôi ở nhà lo lắng có chuyện chẳng lành, nên từng ấy ngày đứng ngồi không yên. Chỉ đến khi tàu cập cảng Cam Ranh, tôi gọi điện về nhà thì bà ấy mới khóc òa lên”. Thế nhưng, dù tất cả mọi người say sóng nhưng vẫn không bỏ lỡ cảnh cá heo, cá nhà táng “hộ tống” tàu. Những kỷ niệm vui buồn với biển cứ thế tích lại, khiến người như ông Bốn, ông Biền ngày thêm quyến luyến với Trường Sa.

Dấu ấn làng Bỉnh Di nơi đảo xa

Có lẽ hiếm nơi nào trên dải đất hình chữ S lại có một ngôi làng hơn 10 năm nay chuyên đưa những người thợ ra Trường Sa làm xây dựng như Bỉnh Di. Mọi người thường hay nói đó là một “cái duyên” đã đưa đẩy nơi xa cách bởi biển khơi gần gũi hơn với đất liền nhờ những người thợ xây trên đảo.

Trường Sa với hành trình "lửa thử vàng" ảnh 2
Trên đảo Trường Sa. Ảnh: Bá hải

Hiện trong làng, những người lớn tuổi không còn đủ sức khoẻ để ra xây đảo thì làm thợ nề, thợ mộc quanh vùng, còn lại phần lớn thanh niên trong làng đều theo các anh, các chú đi xây đảo. Xóm 6 là xóm có số lượng người đi xây dựng quần đảo Trường Sa đông nhất. Ngoài làng Bỉnh Di, các xã quanh vùng sau này cũng có nhiều người tham gia đi xây dựng đảo như xã Giao Phong, Giao Yến, Giao Tân… Phần lớn những người được chọn ra xây đảo thường ở độ tuổi từ 18 - 40 tuổi, có sức khoẻ tốt. Trước khi đi những người thợ làng đều được khám sức khoẻ đầy đủ, kiểm tra hồ sơ lý lịch nếu đủ điều kiện mới được đi. 

Tuy nhiên, không phải người thợ nào vượt qua được vòng kiểm tra sức khoẻ ở đất liền cũng có thể trụ vững và lao động được khi ở ngoài đảo. Có thể do thời tiết, do quá trình lênh đênh trên biển để tới đảo mà nhiều người thợ ra ngoài đảo không thích nghi. Những người thợ ấy phải chờ tàu quay trở lại đất liền và đổi thợ khác ra làm.

Ông Nguyễn Ngọc Phong, xóm trưởng xóm 6 cho biết, vì xây dựng ngoài đảo nên công việc cũng phải phụ thuộc vào con nước. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nên một năm các tốp thợ thường đi vào 2 đợt là đầu năm từ tháng 1 âm lịch đến tháng 8, đợt hai từ tháng 10 âm lịch đến Tết. Trung bình những người thợ nề, thợ mộc trong làng đi khoảng từ 6 - 8 tháng khi hết việc hoặc thời tiết không thuận lợi lại về, có nhiều năm mọi người ăn tết ngoài đảo.

Hiện nay, lao động trong làng tham gia xây dựng quần đảo Trường Sa được chia làm bốn đội với gần 200 người thợ, trung bình mỗi đội có trên dưới 50 người. Năm vừa rồi, nhóm thợ do ông Phan Bốn làm đội trưởng với hơn 30 thợ đã làm việc và ăn tết luôn ngoài đảo.

Qua bao thế hệ thợ làng Bỉnh Di ra xây đảo, quà về từ Trường Sa bao giờ cũng là những vỏ ốc, vỏ ngao đủ kích cỡ minh chứng cho những ngày tháng lao động không mệt mỏi của người dân nơi đây vì tình yêu quê hương, biển đảo đất nước. Với người làng Bỉnh Di đi xây đảo, góp một phần công sức nhỏ bé vào việc bảo vệ, kiến thiết đảo thêm vững mạnh, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc là trách nhiệm, là nghĩa vụ cao cả mà chỉ cần nghe tiếng gọi là nguyện lòng cống hiến!

Đối với người dân Bỉnh Di, câu chuyện với Trường Sa không chỉ đơn thuần là việc đi xây đảo mà đó còn là hành trình “lửa thử vàng”. Trong những ngày lao động ở miền sóng nước mênh mông của Tổ quốc kia, có người biết tin bố mẹ mất mà không về được, một số khác lại vắng mặt trong ngày con gái về nhà chồng... Trong khó khăn, hoạn nạn, những người đi xây đảo lại động viên, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vượt qua thử thách.

Minh Thứ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ