Thầy Hoàng Chí Sỹ- Hiệu trưởng Trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cho biết, trường có tổng 390 học sinh khối 12 với 11 lớp. Trừ một số học sinh đang là F1, F2 phải học trực tuyến thì học sinh đến trường học trực tiếp rất đầy đủ. Để chuẩn bị cho việc dạy học trực tuyến và trực tiếp, nhà trường đã lắp đầy đủ thiết bị dạy - học với máy tính, camera, đường truyền mạng tốc độ cao cho 18 phòng học của trường.
Ngoài giờ lên lớp dạy trực tiếp, các thầy cô cũng được bố trí phòng dạy trực tuyến ngay tại trường với cơ sở vật chất đảm bảo. Về chương trình dạy, Ban Giám hiệu và giáo viên đã họp và thống nhất trong tuần đầu tiên phần lớn dành thời lượng để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh để các em nắm chắc những nội dung đã học trong thời gian học trực tuyến.
Đi học trực tiếp được 1 tuần, rồi lại chuyển sang học trực tuyến 2 tuần, rồi lại quay trở lại với học trực tiếp, học sinh Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) nhanh chóng thích nghi, chủ động với việc học tập. Nhiều học sinh chưa thể đến trường do là F0, F1 nhưng các thầy cô luôn quan tâm. theo sát học sinh, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ nhất.
Nguyễn Công Hùng- học sinh Trường THPT Kim Liên bày tỏ: Tuy được đến trường học trực tiếp 3 buổi nhưng em coi đó là thời gian quý báu để gặp cô, gặp bạn, học tập, tương tác. Học trực tiếp hiệu quả hơn học trực tuyến nên em tranh thủ từng giờ học để ôn tập, bổ sung kiến thức, nhờ các thầy cô hỗ trợ những bài học còn chưa thực sự hiểu sâu.
Tại Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), học sinh lớp 12 đã đến trường từ ngày 6/12 với tinh thần phấn khởi và sỹ số khá đầy đủ. Từ ngày 3/1/2022, học sinh lại tạm dừng đến trường vì quận Hoàn Kiếm đổi màu cấp độ dịch và từ ngày 17/1, học sinh lại tiếp tục đi học trở lại.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, dù thời khóa biểu thay đổi nhưng học sinh đã sớm thích nghi để có kế hoạch học tập cho mình. Nhà trường đều điều chỉnh kế hoạch dạy học, sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên hợp lý để bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa bồi đắp kiến thức cho các em sau thời gian dài học trực tuyến.
Trong quá trình dạy trực tiếp, các thầy cô đã tận dụng thời gian vàng để tích cực tìm hiểu việc tiếp thu kiến thức của học sinh, có cách thức bổ trợ, củng cố kịp thời; cùng với đó là dạy chương trình mới bám sát các nội dung theo đúng quy định.
Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) nằm trên địa bàn có diễn biến dịch phức tạp, nhiều học sinh thuộc trường hợp F0, F1. Từ ngày mở cửa trường trở lại có rất ít học sinh đi học, có lớp chỉ có 1 học sinh đi học trực tiếp. Tuy nhiên, nhà trường vẫn duy trì mở cửa trường học, vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến để tạo thói quen học tập, thói quen đến trường cho học sinh.
Cô Vũ Thị Hậu- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, dù có ít học sinh đến trường nhưng nhà trường vẫn thực hiện dạy học trực tiếp. Cùng với đó, những học sinh không đến trường cũng được kết nối trực tuyến qua màn hình máy chiếu để tương tác, hỏi đáp nếu có nhu cầu. Do vậy không ảnh hưởng đến tiến độ học tập và chất lượng bài giảng.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá cao công tác tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh để bảo đảm an toàn cho học sinh của các nhà trường; chủ động có nhiều giải pháp bảo đảm chất lượng chuyên môn; quan tâm hỗ trợ thiết bị học trực tuyến.
Để bảo đảm an toàn và thực hiện hiệu quả kế hoạch năm học, các nhà trường cần chủ động tổ chức dạy học linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19 tại địa bàn. Khi đi học trực tiếp, ngoài công tác phòng chống dịch, các nhà trường cần nhắc nhở thầy cô, học sinh cố gắng tận dụng "thời gian vàng", quan tâm nâng cao chất lượng công tác dạy và học.