Đội ngũ giáo viên (GV) vốn quen cách dạy học truyền thống đã thành thạo phần mềm dạy học mới. Đó là nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò Trường Tiểu học số 3 Võ Lao (Văn Bàn - Lào Cai).
Đặt lợi ích HS lên hàng đầu
Thầy Nguyễn Đức Nguyện - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi HS bắt đầu nghỉ học phòng, chống dịch, trường đã triển khai lập nhóm phụ huynh trên Zalo để GV giao bài và hướng dẫn các em ôn tập. Gia đình nào không có điện thoại thông minh, GV đến tận nhà đưa bài tập. Tuy nhiên, cách giao bài tập và sửa bài cho HS chưa phát huy hiệu quả tối đa trong hoạt động dạy học.
“Đau đáu” tìm ra hình thức học tập tốt hơn cho HS vùng khó, thầy Nguyễn Đức Nguyện đã chủ động lên mạng tìm hiểu các phần mềm học tập trực tuyến (trước khi có sự chỉ đạo của sở, phòng GD&ĐT về dạy học trực tuyến). Khi tìm được phần mềm phù hợp, thầy Nguyện áp dụng thử nghiệm trong hoạt động chuyên môn của GV với Ban Giám hiệu, sau đó mạnh dạn ứng dụng vào dạy học trực tuyến cho hơn 200 HS của 11 lớp toàn trường.
Bước vào triển khai, thầy Nguyện nhận thấy dạy học trực tuyến cho HS vùng dân tộc, vùng cao phụ thuộc chính vào thiết bị công nghệ thông tin. Trong khi đó, gia đình HS đa số còn khó khăn và thiếu thiết bị kết nối mạng như điện thoại thông minh, máy tính… Nếu không khắc phục tháo gỡ thì không thể triển khai dạy học trực tuyến.
Thầy Nguyện đã yêu cầu GV chủ nhiệm khảo sát từng gia đình HS về thiết bị kết nối mạng. Cùng đó, tuyên truyền giải thích cho phụ huynh hiểu về dạy học trực tuyến quan trọng ra sao, từ đó gia đình nên tạo điều kiện để HS có được thiết bị máy tính, điện thoại phục vụ học tập trong thời gian nghỉ ở nhà.
Nắm bắt thông tin từ phụ huynh HS, thầy Nguyện đứng ra bảo lãnh với cửa hàng bán điện thoại, máy tính cho nhiều gia đình được mua trả góp. Bằng uy tín cá nhân, Hiệu trưởng thuyết phục cửa hàng điện thoại cho nhà trường mượn máy cũ, tặng sim điện thoại 4G cho các gia đình khó khăn.
Trường hợp gia đình HS nào chưa có điện thoại, máy tính sẽ được nhà trường hỗ trợ và ghép 2 HS nhà gần nhau cùng học chung. HS nào nhà xa, tách biệt được nhà trường hỗ trợ một thiết bị riêng.
Với cách tháo gỡ này tỷ lệ HS Trường TH số 3 Võ Lao được học trực tuyến tăng lên đáng kể. Giữa tháng 2/2020, khi mới bắt đầu triển khai học từ xa, tỷ lệ HS tham gia chỉ đạt 30%. Đến tháng 3, khi được nhà trường hỗ trợ thiết bị học tập, số HS toàn trường tham gia tăng lên 80% và hiện nay đạt 98% (2% HS hòa nhập không thể học trực tuyến). Tỷ lệ HS học trực tuyến cao đồng nghĩa chất lượng giáo dục được bảo đảm, HS khi trở lại trường học chính thức không bị quên kiến thức và có nền tảng vững vàng để học kiến thức mới.
Thầy Nguyễn Đức Nguyện cũng chia sẻ: “Thời lượng học trực tuyến cho HS toàn trường đang được triển khai ít nhất 2 tiếng/ngày, học từ 7 - 9 giờ tối. Một số lớp với sự đồng ý của phụ huynh thì GV còn dạy thêm 1 - 2 giờ/ngày môn Tiếng Anh vào ban ngày. Do việc học trực tuyến phụ thuộc vào sự hỗ trợ thiết bị của phụ huynh nên Ban Giám hiệu không quy định lịch học cố định. Theo điều kiện thực tế, phụ huynh thống nhất với GV để sắp xếp thời gian học cho các em phù hợp. Mong muốn của nhà trường là HS được học hàng ngày, các em nghỉ đến trường nhưng không nghỉ học”.
Quyết tâm thay đổi GV vùng khó
Thầy Nguyễn Đức Nguyện cho biết, khi đề cập việc dạy học trực tuyến và đề nghị GV đăng ký giảng dạy thì tâm lý chung đều e ngại. Một phần do GV ngại đổi mới, phần khác do họ chưa tự tin vào khả năng ứng dụng CNTT trong dạy học trực tuyến.
Nắm được tâm lý này, đích thân Hiệu trưởng tiến hành tập huấn CNTT và kỹ năng dạy học trực tuyến cho toàn bộ GV trong trường. Khi đã thuần thục về CNTT, kỹ năng dạy học, GV sẽ tư vấn tiếp cho phụ huynh và HS trong quá trình học trực tuyến.
Mặt khác, để GV luôn chủ động, sáng tạo trong công việc, thầy Nguyễn Đức Nguyện dành thời gian làm công tác tư tưởng cho toàn thể GV, giúp các thầy cô thấy việc đổi mới hình thức dạy học trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 là đòi hỏi tất yếu. Đây cũng là những hành động thiết thực của mỗi GV đối với HS vùng khó trong quá trình học tập.
Thậm chí, để GV có quyết tâm và động lực cao nhất trong việc tự hoàn thiện và nâng cao năng lực dạy học, thầy Nguyện còn đưa dạy học trực tuyến thành một tiêu chí để đánh giá lao động đối với GV toàn trường.
Chỉ sau thời gian ngắn quyết liệt triển khai đồng loạt các giải pháp tháo gỡ, hiện 100% GV trong trường đã thao tác thành thạo, tâm huyết với dạy học trực tuyến. Đặc biệt, với sự nhiệt tình của GV, HS trong trường không chỉ được học tập hàng ngày mà còn được tham gia cuộc thi Trạng nguyên tiếng Việt qua mạng Internet đã đạt nhiều giải cao.
Khi được hỏi: “Có lo lắng khi mang uy tín để bảo lãnh cho phụ huynh mua “chịu”, trả góp và mượn thiết bị máy móc phục vụ HS học tập?” thầy Nguyễn Đức Nguyện bộc bạch: Việc máy móc bị hỏng hóc, trầy xước khi sử dụng, thậm chí một số phụ huynh chậm khả năng thanh toán tiền mua… tôi đã nghĩ đến. Nhưng điều gì có lợi cho việc học của HS thì tôi làm. Nếu chỉ nghĩ “an toàn” cho mình, không quyết tâm thay đổi tư duy, trình độ đội ngũ GV thì làm sao chất lượng giáo dục vùng khó được nâng lên, làm sao đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Tôi tin, khi phụ huynh hiểu việc học của con là cần thiết và quan trọng thì chắc chắn họ sẽ đồng hành cùng thầy cô và nhà trường cả tinh thần đến vật chất…
“Trên hành trình đổi mới giáo dục, Hiệu trưởng chỉ hô hào quyết tâm thì chưa đủ. Cần trực tiếp tham gia vào quá trình đổi mới, đi đầu và là tấm gương về chuyên môn, về tự học tự bồi dưỡng, nhiệt huyết nghề nghiệp… để GV noi theo”, thầy Nguyễn Đức Nguyện bày tỏ.