Theo Sở Y tế Sóc Trăng, về sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay tỉnh có 2.951 ca, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Còn về đau mắt đỏ, có 260 ca, trong đó người lớn là 98; học sinh 73, trẻ dưới 6 tuổi là 87.
Đối với bệnh đau mắt đỏ, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Sở Y tế tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng; phối hợp, hướng dẫn chuyên môn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh tại các nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp…
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tư vấn, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đảm bảo công tác điều trị.
Đối với bệnh sốt xuất huyết (và bệnh tay chân miệng, các bệnh truyền nhiễm khác), Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hướng dẫn, kiểm tra về công tác giám sát, phát hiện, xử lý và điều trị kịp thời. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bệnh bùng phát, lây lan rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu Sở GD&ĐT, Trường CĐ Cộng đồng, Trường CĐ nghề, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, chủ động phối hợp với ngành y tế khẩn trương triển khai các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết và tay chân miệng trong nhà trường; tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh, nhất là đau mắt đỏ theo khuyến cáo của ngành y tế.
Trước đó, Sở Y tế Sóc Trăng cũng có văn bản đề nghị Giám đốc các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường. Thông báo ngay cho Trung tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.
Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học: cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh lớp học, vệ sinh sàn nhà, sát trùng các đồ dùng, đồ chơi, tay nắm cửa, bàn ghế của học sinh. Đồng thời thông báo thông tin ca bệnh cho Trung tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn để phối hợp xử lý...