Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Sức mạnh mềm là thế mạnh của người Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với 3 trụ cột chính: Sự phát triển của công nghệ thông tin, tự động hóa, khoa học - công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến đất nước ta.
Trước tiên, Cách mạng 4.0 tác động trực tiếp đến lực lượng lao động ở tất cả các lĩnh vực. Nếu chúng ta không kịp thời nắm bắt và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo các tiêu chí cụ thể của "Công dân học tập" là con người với những năng lực và phẩm chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số thì Việt Nam chúng ta sẽ bị tụt hậu xa hơn về mọi mặt, vì nguồn nhân lực này chủ yếu do hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, các trường nghề đảm nhiệm.
Đứng trước thực tế hiện nay, nguồn nhân lực của đất nước, lực lượng lao động đang tham gia vào thị trường lao động còn yếu về chất lượng, thiếu kỹ năng làm việc và tác phong lao động công nghiệp.
"Những yếu tố thuộc sức mạnh mềm là yếu tố hợp thành năng lực của người lãnh đạo, quản lý giỏi nếu bản thân mỗi người chịu khó học, được rèn luyện thông qua học tập và hoạt động thực tế. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: Thành công của mỗi con người do từ 70 đến 80% sức mạnh mềm mang lại" – GS.TS Nguyễn Thị Doan nói.
Nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết, năm 2019, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 điểm trên thang 10 điểm. Đến nay, lực lượng lao động của chúng ta khoảng 55,16 triệu người, chiếm xấp xỉ 59% dân số; song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo bằng các hình thức chỉ đạt khoảng 50% tổng lực lượng lao động của cả nước, gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo.
Nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động do thiếu năng lực sử dụng ngoại ngữ, thiếu năng động, sáng tạo và kiến thức thực tế. Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan mới đây đã chỉ ra, kỹ năng mềm của lao động Việt Nam nằm ở mức trung bình hoặc yếu, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo. Trong khi đó, sức mạnh mềm lại là thế mạnh của người Việt Nam.
Tiêu chí cho các "Công dân học tập"
Viện dẫn báo cáo của WB năm 2018, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, báo cáo này đánh giá Việt Nam thiếu nhân lực chất luợng cao. Trong 1,4 triệu người lao động có kỹ năng cao, thì 1/4 trong số đó không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp.
Cơ cấu đào tạo của chúng ta cũng bất hợp lý vì sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán (STEM) là ngành cơ bản tạo năng lực sản xuất dài hạn, đưa năng suất lao động tăng nhanh, bền vững, thì chỉ có 23% sinh viên nam và 9% sinh viên nữ đăng ký theo học. Do đó, năng suất lao động của Việt Nam tuy có tăng, nhưng tốc độ tăng chậm hơn các nước trong khu vực.
"Đặc biệt, lực lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo khảo sát của VCCI, có tới 55,63% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ sơ cấp, phổ thông các cấp, 75% lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Do đó, lực lượng doanh nhân đông, nhưng chưa mạnh như Chính phủ và VCCI vẫn đánh giá" – GS.TS Nguyễn Thị Doan nêu thực trạng.
Theo GS, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế số sẽ đe dọa sự tồn tại của lực lượng lao động này bởi thất nghiệp sẽ gia tăng. Nếu như không nhìn nhận đúng thời cơ và thách thức đối với hệ thống đào tạo của chúng ta hiện nay, trước tiên là với hệ thống đào tạo đại học và đào tạo nghề thì kết quả đào tạo sẽ luôn đi sau sự phát triển của thực tiễn.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều, từ quản lý vĩ mô đến quản lý vi mô. Song với trách nhiệm của mình, chúng ta cần tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, vì trách nhiệm của các trường ĐH, trường nghề là đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước phù hợp với mỗi giai đoạn.
Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong cách mạng 4.0, trước tình hình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào trường quốc tế, với nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết, trước yêu cầu về lực lượng lao động có kỹ năng cao của nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến Việt Nam sau đại dịch Covid-19 và trước yêu cầu phải thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; các trường, cần thiết phải xây dựng các tiêu chí cho các sản phẩm đào tạo nguồn nhân lực, gọi chung là tiêu chí cho các "Công dân học tập" của từng ngành, để các trường có nội dung và phương pháp đào gạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Mục đích của Hội thảo khoa học nhằm góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề nêu trên. Trong phạm vi Hội thảo sẽ thảo luận các tiêu chí cần có của Công dân học tập, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và tìm ra các giải pháp để đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo đáp ứng các tiêu chí đã được xây dựng. Ban tổ chức đã nhận được 64 bài viết gửi về cho hội thảo.