Trường ĐH miền núi tự chủ tài chính 90%

GD&TĐ -  “Lịch sử Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên rất “oai hùng”! PGS.TS Nguyễn Duy Cương – Hiệu trưởng nhà trường - tự hào nhớ về thời điểm chuẩn của trường còn cao hơn những trường ĐH kỹ thuật hiện tại. 

PGS.TS Nguyễn Duy Cương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên)
PGS.TS Nguyễn Duy Cương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên)

Nhưng hiện khó khăn về tuyển sinh, bài toán về đầu tư… đặc biệt là xu hướng tự chủ ĐH khiến lãnh đạo nhà trường phải nghĩ đến việc chuyển hướng từ đào tạo nghiên cứu sang đào tạo ứng dụng, kéo theo đó là một cuộc “cách mạng” trong các công việc của nhà trường.

Xây dưng lại chương trình đào tạo

Trường có 542 cán bộ viên chức. Số tiền chi cho con người trong năm nay là trên 55 tỷ đồng. Không tính tiền lương, thu nhập bình quân của các thầy cô ở trường là trên 100 triệu đồng/năm. Đây không phải là con số thấp so với mặt bằng các trường ĐH trong ĐH Thái Nguyên.

PGS.TS Nguyễn Duy Cương.

Theo PGS Nguyễn Duy Cương, định hướng đào tạo ứng dụng cần xây dựng chương trình đào tạo dựa trên người học cần đạt được kỹ năng gì; bớt kiến thức hàn lâm, dạy kiến thức cơ bản, tăng thực hành, trải nghiệm, tăng dạy kỹ năng mềm, áp dụng học tích cực, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề phức tạp; đặc biệt chú trọng ngoại ngữ và Tin học. Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp trước đang dạy 150 tín chỉ giờ giảm còn 140 tín chỉ, dành thời gian để SV thực hành, thí nghiệm, tăng thời gian SV đến các cơ sở, nhà máy, xí nghiệp.

May mắn trường có những đối tác rất tốt ở trong nước và một số công ty quốc tế ở trong nước, công ty nước ngoài. Thay vì như  trước đây nhà trường phải mất tiền để gửi SV đến các nhà máy, xí nghiệp nhờ hướng dẫn thì giờ, SV được thực tập hưởng lương 4,5 – 5 triệu đồng/tháng, có SV làm thêm nhận 6 – 7 triệu/tháng. Cơ sở thực tập ký kết hợp đồng với trường, gửi lại cho trường 180 nghìn đồng/SV thực tập/tháng.

Thực tế, khi phỏng vấn xin việc, nhiều công ty nhận luôn SV đã từng đến thực tập. “Hiện SV của trường năm thứ tư đa số đã có nơi đón nhận, công ty chỉ chờ SV tốt nghiệp là đón về.” – PGS Cương phấn khởi chia sẻ.

SV Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên
 SV Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên

Đào tạo lại đội ngũ

Công việc trường chuẩn bị làm quyết liệt trong thời gian tới là đào tạo lại đội ngũ. Trước chủ yếu là dạy lý thuyết, ít thực hành. Nay trường phải đào tạo lại để làm sao các giảng viên lên lớp dạy tốt lý thuyết, xuống xưởng phải hướng dẫn được SV. Giải pháp lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp đưa ra là để các thầy/cô có kinh nghiệm, tay nghề tốt đào tạo lớp giảng viên trẻ. Nhà trường đưa nội dung này vào quy chế, quy định.

Bên cạnh đó, các giờ học cần kết hợp sử dụng các phần mềm thiết kế cho môn học, ứng dụng CNTT trong giảng dạy để làm sao truyền tải nhiều kiến thức, rút ngắn thời gian, tăng hiệu suất. PGS Duy Cương tính: Hiện 1 năm nhà trường vẫn phải trả 6 tỷ đồng tiền thừa giờ, có nghĩa là các thầy/cô đang thừa khối lượng làm việc. Vậy nên giảm chương trình học nhưng lại tăng thực hành, nên khối lượng thừa giờ ở thực hành rất nhiều.

Lãnh đạo nhà trường rất chú trọng đưa giảng viên bồi dưỡng ở nước ngoài. Những năm trước còn dư dả, giảng viên được đi học hỏi tại một số trường ĐH ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm nay còn khó khăn về tài chính nên cán bộ giảng viên trường đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các trường ở trong nước.

Đầu tư cơ sở vật chất.

Khi khối lượng thực hành của nhà trường tăng hơn gấp 2 lần so với trước, câu hỏi đặt ra là làm thế nào khi nhà nước không đầu tư CSVC? “Trường giải bài toán bằng cách kêu gọi xã hội hóa.” – Vị Hiệu trưởng cho biết.

Năm 2017, cựu SV góp tặng trường gần 2 tỷ đồng. Số tiền đó dùng để mua trang thiết bị, nâng cấp phòng thí nghiệm thực hành. Nhà trường đang vận động một số thầy cô cùng một số công ty bên ngoài nếu có tiền thì đầu tư vào phòng thí nghiệm của trường, sẽ có cơ chế đầu tư, khai thác. Sau một thời gian thì sẽ thu hồi vốn và có lãi.

Một kinh nghiệm được PGS Nguyễn Duy Cương học hỏi từ các trường ĐH của Úc trong khóa học ngắn hạn Học bổng Chính phủ Úc về Quản trị và lãnh đạo trường ĐH Aus4Skills chính là nhân nhiều thiết bị thực hành và có trợ giảng là thạc sĩ, NCS hoặc chính SV năm cuối, SV giỏi trong lớp. Như vậy 1 giảng viên sẽ hướng dẫn được nhiều SV hơn. Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp đang học tập kinh nghiệm sử dụng trợ giảng. Đào tạo trợ giảng như thế nào, chế độ trợ giảng ra sao được xây dựng đưa vào các quy định, cơ chế về thực hành thí nghiệm.

Giờ học của SV chương trình tiên tiến ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên
Giờ học của SV chương trình tiên tiến ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên

Tìm sự đồng thuận – bí quyết thành công

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Cương, thực hiện những việc mang tính “cách mạng” trong nhà trường cần xác định chủ trương đúng, hướng đi chuẩn và phải kiên quyết.

“Tôi mới có cuộc họp về chương trình đào tạo căng thẳng đến mức thiếu nước đập bàn đập ghế với nhau! Nhưng rất may mắn, tôi hiểu ý kiến đó không phải vì cá nhân, vì lợi ích nhóm vì muốn xây dựng nhà trường phát triển. Mỗi quan điểm được nhìn với góc độ khác nhau, hướng nhìn không trùng nhau. Tôi cho rằng phải lắng nghe, tìm giải pháp hài hòa, chung nhất. Nhưng nếu không kiên quyết thì không làm được.” – PGS Duy Cương nhận định.

Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp thực hiện lấy kỷ luật lao động là ưu tiên số 1. Ví như ở trường có máy chấm công quét vân tay, giảng viên lên lớp chỉ chậm 5 – 10 phút là cắt tiên tiến. Quy định với SV cũng vậy. Về thực hành, như một đơn vị sản xuất, trường áp dụng quy định 5S (Sàng lọc; Sắp xếp; Sạch sẽ; Săn sóc; Sẵn sàng) để khi vào một phòng thí nghiệm, cả thầy và trò đều muốn làm việc.

Trường đang làm rất tốt và chú trọng đến công tác NCKH, hợp tác quốc tế. Theo lãnh đạo nhà trường, hiện trường xây dựng quan hệ quốc tế nhằm nâng thương hiệu của trường, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giảng viên; tập trung viết bài báo khoa học trên những tờ báo đẳng cấp quốc tế và tổ chức những Hội thảo khoa học uy tín, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Hiện Trường ĐH Kỹ thuật và Công nghiệp gần như tự chủ, số tiền mà nhà nước cấp cho trường chỉ khoảng 10%, còn lại trường tự kiếm 90%. Nếu giờ yêu cầu trường tự chủ ngay lập tức, trường tự tin là sống được, phát triển tốt”PGS.TS Nguyễn Duy Cương 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ