Trường Đại học Lâm nghiệp: Muốn mời C03 làm việc với báo chí vì bị hỏi về thầu

GD&TĐ - Một số mặt hàng trúng thầu do Trường Đại học Lâm nghiệp mời thầu có giá cao hơn thị trường.

Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: Internet
Trường Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng phòng Quản lý Đầu tư trường, cho biết: Sẽ mời C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) làm việc với báo chí vì bị hỏi nhiều về gói thầu này.

Ngày 22/3/2021, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Trần Văn Chứ ký Quyết định số 388 về việc Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Gói thầu số 8: Mua sắm thiết bị lĩnh vực công nghệ tế bào thực vật.

Gói thầu trên thuộc Dự án: Đầu tư trang thiết bị công nghệ sinh học cho Viện Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp. Địa điểm cung cấp và lắp đặt hàng hóa: Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Quyết định số 338 được đưa ra dựa trên một số căn cứ như Đánh giá Hồ sơ dự thầu ngày 13/3/2021 do AFO lập. Biên bản thương thảo Hợp đồng ngày 15/3/2021 giữa Đại học Lâm nghiệp và Công ty TNHH Thiết bị Sao Mai. Báo cáo thẩm định kết quả lụa chọn nhà thầu ngày 16/3/2021, đề nghị của Phòng Quản lý đầu tư và nhiều quy định khác liên quan...

Theo Quyết định trên, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thiết bị Sao Mai, địa chỉ tại P1-C4 tập thể Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Giá trị trúng thầu là 7.703.550.000 đồng và thời gian thực hiện hợp đồng là 150 ngày. Nguồn vốn sử dụng ngân sách Nhà nước.

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Trường Đại học Lâm nghiệp.
Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Trường Đại học Lâm nghiệp.

Đi kèm Quyết định số 338 là danh mục sản phẩm và giá các mặt hàng trúng thầu.

Tuy nhiên, một số mặt hàng tại Gói thầu số 8 có giá cao hơn thị trường gấp nhiều lần. Cụ thể, giá của sản phẩm Nồi hấp HVE-50 của hãng Hirayama có giá trúng thầu là 183.250.000 đồng, nhưng giá thị trường chỉ 100.000.000 đồng, tức là chênh lệch khoảng 80 triệu đồng.

Một sản phẩm khác là Nồi hấp tiệt trùng (≥100L) HVA-110 của hãng Hirayama trên thị trường có giá 150.000.000 đồng, nhưng giá sau đấu thầu là 284.750.000 đồng, tức là cao hơn thị trường trên 130.000.000 đồng...

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư, Trường Đại học Lâm nghiệp, cho rằng: Không thể lấy giá trên mạng để so với giá sản phẩm đấu thầu. Lý do là khi xây dựng Hồ sơ, bên mời thầu đã ra nhiều yêu cầu như: Sản phẩm đấu thầu phải có chứng nhận CO (giấy chứng nhận xuất xứ), CQ (giấy chứng nhận chất lượng) và các yêu cầu kỹ thuật khác.

Cũng theo ông Sơn, các sản phẩm trúng thầu được tính cả chi phí vận chuyển, thuê đơn vị tư vấn giám định chất lượng, công tác nghiệm thu, lắp đặt, đào tạo, hướng dẫn vận hành, bảo hành.

Ngoài ra, máy móc, thiết bị còn phải chạy thử không tải, chạy thử có tải trước khi bàn giao, vì vậy sẽ phát sinh thêm chi phí vật tư tiêu hao...

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, trong đấu thầu, sản phẩm yêu cầu có CO, CQ thì giá sẽ khác hẳn sản phẩm không yêu cầu các loại giấy tờ trên.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Sẽ mời C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an) làm việc với báo chí vì thời gian gần đây, có nhiều cơ quan báo chí hỏi về gói thầu này tại trường.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng, khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, cá nhân, tổ chức - trong đó có báo chí hoàn toàn có quyền thông tin đến cơ quan chức năng để tìm hiểu về sự việc. Nếu sự việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan cảnh sát điều tra có thể khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.