Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá tra đạt 371,3 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu thị trường XK có sự chuyển dịch rõ nét khi XK sang Trung Quốc tiếp tục tăng 56,8%. Các thị trường tiềm năng lớn khác như: Brazil tăng 70,4%; Mexico tăng 38,8%, Ảrập Xêut tăng 13,8%.
Giá trị XK sang Mỹ giảm 24,3%; EU giảm 21,5%; ASEAN giảm 10,8%; Colombia giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc đạt 69,7 triệu USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 2, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, vượt qua Mỹ.
Cả nước có gần 40 doanh nghiệp (DN) đang XK cá tra sang thị trường Trung Quốc thông qua cảng Cát Lái, cửa khẩu Bắc Phóng Sinh; Móng Cái (Quảng Ninh); cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn); cửa khẩu Nà Lạn và Tà Lùng (Cao Bằng).
Tuy nhiên, VASEP cảnh báo các DN XK vẫn nên cần thận trọng hơn khi giao dịch tiểu ngạch với thị trường này.
Về thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 3, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 61 triệu USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, có gần 15 doanh nghiệp cá tra tham gia XK sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có 2-3 DN XK chính và thường xuyên sang thị trường này.
Từ đầu năm 2017, giá trị XK sang thị trường Mỹ giảm vẫn do 2 lý do chính, là thuế chống bán phá giá cao và hàng rào kỹ thuật của thị trường.
Trong cơ cấu thị trường XK của những DN lớn cũng có sự chuyển dịch khá rõ sang thị trường châu Á, trong đó có Trung Quốc và Mỹ Latinh.
Theo TS Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp đến những vùng nông thôn Việt Nam mua cá nhưng lâu nay cơ quan chức năng còn e dè, chưa dám nghiên cứu về thị trường này nên rủi ro dễ xảy ra.
Ông Dũng đề xuất: “Cần nghiên cứu sâu hơn về thị trường Trung Quốc. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Công Thương, Tham tán thương mại, Đại sứ quán… Cần cử những người có chuyên môn tìm hiểu về thị trường Trung Quốc và thông tin lại cho địa phương và nông dân dân biết rõ để có cách làm ăn với họ”.