Ăn theo… chính sách
Kế hoạch “5 năm” đặc biệt khuyến khích tư nhân đầu tư xây các trường cao đẳng và đào tạo nghề, hoặc cung cấp giáo dục trực tuyến cho học sinh khu vực nông thôn xa xôi.
“Cải cách giáo dục đang đi đúng hướng” và là tâm điểm trong kế hoạch của chính phủ - Li Wei, chuyên gia Công ty Chứng khoán Sinolink, nhận xét – “và chủ đề quan trọng nhất trong năm nay là đầu tư phát triển các cơ sở tư nhân đào tạo sau phổ thông”.
Mục tiêu của chính phủ là nâng tỉ lệ học sinh học tiếp sau phổ thông từ 40 lên 50%, nâng tổng số học viên lên khoảng 350 triệu. Wei cho rằng các cơ sở đào tạo do tư nhân điều hành sẽ cung cấp chỗ học cho phần học viên tăng lên này.
“Chúng tôi gợi ý các nhà đầu tư lưu ý tới cổ phiếu của các trường đại học tư” – Wei nói – “Bên cạnh đó các trường nghề cũng là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư”. Ví dụ như tập đoàn cung ứng dịch vụ đào tạo ngành công nghệ thông tin lớn nhất Trung Quốc, Tarena, chiếm 8,3% thị phần.
“Giáo dục cho nông dân, công nhân và người về hưu cũng được nhấn mạnh trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 – đây là tín hiệu tích cực thực sự cho Tarena khi mà nhu cầu học nghề vô cùng lớn” – Kin Man Wong, Công ty Chứng khoán Jefferies, cũng đưa ra khuyến nghị “Mua” cổ phiếu Tarena – được niêm yết cả trên Nasdaq với giá 21 USD. Jefferies dự kiến giá trị cổ phiếu Terana sẽ tăng 15% trở lên trong giai đoạn 12 tháng.
Wong dự đoán chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ các công ty như Tarena bằng chính sách để giúp họ phát triển, nhưng kể cả không có sự giúp đỡ trực tiếp thì tăng trưởng của Tarena vẫn sẽ cao do nhu cầu việc làm liên quan đến công nghệ thông tin trình độ cao vẫn tiếp tục tăng.
Triển vọng song hành với rủi ro
Báo cáo của Viện Nghiên cứu GD Internet của Trung Quốc cho thấy chỉ 5% công ty GD trực tuyến có lợi nhuận trong năm 2015. Tuy nhiên, thị trường GD trực tuyến tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, đang mở rộng nhanh, đạt doanh số gần 119,2 tỉ nhân dân tệ (141 tỉ HK$) trong năm 2015 và dự báo tăng lên 204,6 tỉ tệ vào năm 2018.
Viễn cảnh triển vọng này đã khiến thị trường GD trực tuyến của Trung Quốc trở thành lĩnh vực nóng hút nhà đầu tư năm 2015. Ít nhất 19 trong 90 doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này có vốn điều lệ hơn 20 triệu USD năm ngoái, cá biệt có vốn hơn 100 triệu USD.
Tuy nhiên, mặc dù nguồn vốn dồi dào bơm vào 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp mới thành lập đã thua lỗ và buộc phải đóng cửa.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu GD Internet nhận định ngành kinh doanh GD đòi hỏi phải kiên nhẫn và trường vốn để phát triển chương trình, phát triển công nghệ tiên tiến và dịch vụ thị trường đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh. Các công ty GD trực tuyến cần bù lỗ ít nhất 3 đến 5 năm trước khi có lợi nhuận. Khi không có nguồn đầu tư bù lấp lỗ thì doanh nghiệp đóng cửa là chuyện tất yếu.