Trung Quốc kéo giàn khoan thứ 2 ra hướng Hoàng Sa?

Truyền thông Trung Quốc loan tin giàn khoan thứ hai của nước này đang được kéo "về hướng Hoàng Sa" của Việt Nam.

Giàn khoan Nam Hải số 9 của Trung Quốc
Giàn khoan Nam Hải số 9 của Trung Quốc

Bản tin ngắn của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết: giàn khoan "Nam Hải số 9" (Nan Hai Jiu Hao) được kéo từ tọa độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12,3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông trong thời gian từ ngày 18 - 20/6.

Cục Hải sự Trung Quốc cho biết thêm, giàn khoan nước sâu này được di chuyển với tốc độ 4 hải lý/giờ (khoảng 7 km/giờ), tổng chiều dài mà giàn khoan này di chuyển là 600 m.

Bản tin trên trang web chính thức của Cục Hải sự Trung Quốc không nói cụ thể hướng di chuyển, nhưng các trang mạng Trung Quốc cho rằng giàn khoan này "được kéo về hướng Tây Sa", tức Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không được ghi nhận trên các trang báo chính thống Trung Quốc.
Cũng giống giàn khoan Hải Dương 981 đang được hạ đặt trái phép ở Hoàng Sa của Việt Nam, giàn khoan "Nam Hải số 9" là dạng giàn khoan nửa chìm nửa nổi ,chuyên dùng khoan ở vùng nước sâu của Tổng Cty dầu khí hải dương Trung Quốc.
Trong diễn biến khác, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì có chuyến thăm Việt Nam từ hôm 18/6 và có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi; đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích đại cục của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Báo điện tử Chính phủ dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực; gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Theo vtc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ