(GD&TĐ) - . Hội nghị Báo chí toàn quốc đánh giá công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra tại Hà Nội hôm nay 5/5.
Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; gần 500 đại biểu, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các cơ quan báo chí tiêu biểu.
Đồng chí Trương Tấn Sang: Báo chí phải thật sự là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng của chế độ |
Đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân
Đánh giá về hoạt động báo chí năm 2010 cho thấy, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hết sức sôi động và phức tạp, nhưng có thể nói thông tin báo chí đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Báo chí trong nước đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân.
Báo chí đã tuyên truyền có hiệu quả các sự kiện trọng đại của đất nước như: Các ngày lễ lớn trong năm 2010; Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; Các hoạt động trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN: Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI...
Đánh giá cho thấy thông tin báo chí đã tạo được không khí tin tưởng phấn khởi, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội. Đặc biệt năm qua báo chí đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 – 2010 mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; thông tin toàn diện đầy đủ các thành tựu của đất nước trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Đáng chú ý, trong năm 2010, tất cả các loại hình báo chí đã chủ động tích cực tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ phát triển kinh tế, ngăn chặn suy giảm, nâng cao niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, sự điều chỉnh của Chính phủ. Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến; tuyên truyền có hiệu quả về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đặc biệt trong năm qua nhiều cơ quan báo chí đã tiếp tục thể hiện được sự năng động, tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác, tiếp tục đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái. Đồng thời góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại; phản ánh sinh động hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh những ưu điểm là chủ yếu, hoạt động báo chí của nước ta năm qua cũng bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót như đây đó những thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, thông tin sai sự thật, thiếu trung thực; thông tin dung tục, phản cảm (tin, hình ảnh...); đưa tin quá nhiều vụ án, vụ việc tiêu cực... tạo tư liệu để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta.
Toàn cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc đánh giá công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 |
Cảnh giác với mặt trận văn hóa tư tưởng
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư – đã điểm lại những hoạt động nổi bật của báo chí trong năm 2010, nhấn mạnh trong mọi thành tựu đất nước đã đạt được thời gian qua đều có sự đóng góp quan trọng của báo chí nước nhà.
Đồng chí yêu cầu với các hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, các cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần khẩn trương khắc phục để tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 và những năm tới đây, để báo chí thực sự là những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng của chế độ.
Trong năm 2011, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan báo chí vẫn là quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Yêu cầu mà đồng chí Trương Tấn Sang đặt ra đối với báo chí trong nhiệm vụ này là làm tốt công tác thông tin tuyên truyền việc triển khai học tập Nghị quyết, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, các cơ quan bộ, ban, ngành địa phương trong cả nước, đặc biệt là việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào cuộc sống. Song song với đó là nhiệm vụ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền cho 2 tuần cao điểm, cũng là chặng quan trọng nhất của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Công tác quy hoạch phát triển báo chí nước nhà là một trong những mối quan tâm hàng đầu mà đồng chí Trương Tấn Sang đề cập đến tại Hội nghị. Đồng chí bày tỏ sự lo ngại trong hoạt động báo chí hiện nay, nhiều sản phẩm văn hóa nước ngoài xuất hiện với cường độ quá dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Chúng ta đã thực sự cần đến sự mở rộng đó không? Sản phẩm truyền thống văn hóa dân tộc sẽ ra sao? Tiếp thu văn hóa bên ngoài là cần thiết, nhưng phải là tiếp thu có chọn lọc. Sự tràn lan sản phẩm văn hóa nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay thật sự rất đáng lo ngại” - đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý.
Cảnh giác trên mặt trận văn hóa tư tưởng là điều mà các cơ quan báo chí phải tiên phong và là trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa, báo chí nước nhà mà Đảng và Nhà nước từ lâu đã nhìn nhận rõ và đồng chí Trương Tấn Sang cũng đã nhắc lại trong Hội nghị báo chí quan trọng này. “Nếu không làm tốt việc này, an ninh thông tin sẽ rất khó khăn. Định hướng phát triển văn hóa dân tộc sẽ đi về đâu, các đồng chí hãy suy nghĩ”.
“Muốn tờ báo đứng vững và phát triển, nhất thiết phải giữ vững tôn chỉ mục đích. Hãy tự kiểm điểm mình: Đã thực sự là tiếng nói của Đảng chưa, thực sự là tiếng nói của Đoàn chưa, thực sự là tiếng nói của ngành chưa, thực sự là tiếng nói của dân chưa? Những tờ báo giảm số lượng phát hành, hãy kiểm tra lại vì lý do gì? Giá tăng chỉ là một lý do. Cần phải có một đội ngũ người làm báo có trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị mới quyết định được sự lên hay xuống của tờ báo”, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh
Đối với kiến nghị của Hội nghị về sửa đổi Luật Báo chí, hoàn thiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp cho hoạt động báo chí... đồng chính Trương Tấn Sang tán thành và khẳng định Ban Bí thư sẽ giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông Tin – Truyền thông, Hội Nhà báo và các cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, hướng tới mục tiêu bảo vệ người làm báo và tạo điều kiện cho sự phát triển không ngừng của báo chí nước nhà để phục công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước Việt Nam XHCN, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tại Hội nghị đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của công tác báo chí năm 2011; trong đó đặc biệt quan trọng là tuyên truyền có hiệu quả các biện pháp trọng yếu trong Kết luận 02-LK/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11-NQ/CP của Chính phủ về tập trung kềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước; 70 năm Người trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạnh Việt Nam gắn với tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của những người làm báo, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí trước Đảng, trước đất nước; chủ động, tích cực, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2011 và 5 năm 2011 – 2015. Đặc biệt đối với công tác quản lý báo chí, cùng với nhiều nhiệm vụ trọng tâm được đề ra thì tại Hội nghị lần này, Ban Tuyên giáo TW đã một lần nữa nhắc lại yêu cầu các cơ quan chức năng phải bảo đảm chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng báo chí thiếu nguồn tin chính xác. |
Nhất Nguyên