Trò nghèo bên Tết ấm…

Trò nghèo bên Tết ấm…

Tết ấm vùng cao

Từ giữa tháng 11 âm lịch, thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn, Trường THCS Phan Bội Châu, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp với mong muốn bà con ở thôn 6, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) có một cái Tết tươm tất. 100 suất quà, mỗi suất gồm 10kg gạo, giày dép, áo quần mới cho các em HS, mì tôm, nước mắm và đèn năng lượng mặt trời để các cháu nhỏ học bài đã được trao vào đầu tháng Chạp âm lịch.

Đối với nhiều gia đình, đây là món quà giúp cho họ có một cái Tết ấm áp và… không bị đứt bữa. Như hộ gia đình anh Hồ Văn Nêu, trong cơn cùng quẫn, vợ anh đã bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn trần thế, vào rừng quyên sinh. 8 đứa trẻ mồ côi lít nhít “trứng gà trứng vịt” đều đang độ tuổi đi học. Trong căn nhà tạm bợ, tuyềnh toàng không có một vật dụng gì đáng giá, điện thắp cũng không. Trong cái rét tê tái của vùng núi cao, những tấm phên tre không che nổi cái lạnh buốt thấu xương của núi đá tỏa ra về đêm.

“Quà Tết cho các cháu cũng chỉ là nhất thời thôi, về lâu dài phải tính sinh kế bền vững để giúp đỡ cho cha con anh Nêu. Có thể là một ít vịt giống hoặc cây trồng, nhưng phải nghiên cứu kỹ vì anh Nêu bị dị tật ở chân, các cháu lại còn nhỏ quá nên cũng nhiều khó khăn trong làm kinh tế” - thầy Tuấn chia sẻ. Những đứa trẻ con nhà anh Nêu cứ ngắm vuốt mãi bộ quần áo mới rồi đem cất vào một góc giường, bảo nhau để dành Tết mặc. Đứa lớn dặn đứa nhỏ: “Cất đi để ra Tết đi học lại mà khoe với bạn”.

Thầy Lê Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Pa Nang huyện Đăkrông (Quảng Trị) cho biết: “Pa Nang là xã nghèo nhất của huyện Đăkrông, HS của nhà trường hầu hết là con em dân tộc và đều thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt nghèo. Chính vì vậy, gần như năm nào nhà trường cũng tiếp nhận rất nhiều đợt tặng quà Tết cho HS nghèo vùng biên giới từ các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.

Năm nay, vào đợt rét đậm gần cuối tháng 11 âm lịch, Hội Khuyến học tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã tổ chức một đợt tặng áo ấm cho HS nhà trường. Nhiều em không có dép để mang trong những ngày mua đông giá lạnh chứ đừng nói đến áo ấm. Chúng tôi luôn có sẵn danh sách những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ để giới thiệu cho các tổ chức từ thiện, các mạnh thường quân”. Những món quà Tết nhận được từ các nhà tài trợ như gạo, dầu ăn, mì chính, áo quần mới… sẽ góp phần giúp hạn chế tình trạng HS không phải bỏ học đi vào rừng bứt đót, hái lá dong phụ gia đình kiếm tiền tiêu Tết.

Của cho không bằng cách cho

Đã thành thông lệ, trước khi HS nghỉ học đón Tết Nguyên đán, Trường THPT Nguyễn Hiền (TP Đà Nẵng) đều chọn ra mỗi lớp hai học sinh có gia cảnh khó khăn hoặc mồ côi để tặng quà Tết. Năm nay, nhà trường đã chuẩn bị chu đáo 84 suất quà gồm đường, hạt dưa, chai nước mắm, dầu ăn. Quà không trao trong giờ chào cờ hay sinh hoạt lớp mà được trao riêng tại hội trường của trường. HS nào nhận quà sẽ được cô giáo chủ nhiệm chuyển giấy mời để đến hội trường, có đại diện BGH trao quà cho các em. Cũng không có những phát biểu dài dòng, mà chỉ rất ngắn gọn, nhẹ nhàng: “Nhà trường gửi các em món quà nhỏ để góp Tết cùng gia đình”.

Từ nguồn tiền tiết kiệm của phong trào nuôi heo đất ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, Đà Nẵng), 90 HS thuộc diện gia đình khó khăn của trường cũng đã nhận được quà Tết gồm một số nhu yếu phẩm trước khi nghỉ Tết, như là cách chia sẻ một phần khó khăn, góp thêm niềm vui xuân cùng với gia đình. Ngoài ra, Chi bộ Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đã nhận bảo trợ dài hạn cho một em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 800.000 đồng/tháng và sẽ kéo dài cho đến khi HS này học hết THPT.

“HS này có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng gần như gia đình không chia sẻ nhiều vì lòng tự trọng. Hiện em sống với ông bà cố cũng đã già yếu, không còn khả năng lao động, sống dựa vào số tiền trợ cấp cho người cao tuổi; người mẹ đơn thân thì mắc căn bệnh ung thư vào gia đoạn nặng. Chúng tôi rất trăn trở với trường hợp này và cũng phải thuyết phục một thời gian, gia đình mới đồng ý nhận sự bảo trợ dài hạn của nhà trường. Chỉ mong sao những giúp đỡ này sẽ là nguồn động viên để việc học của em HS không bị đứt gánh giữa đường” - cô Ông Thị Thái Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Quà Tết cho HS nghèo Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), ngoài một số nhu yếu phẩm như một cách góp một phần nhỏ vào việc sắm Tết của gia đình các em, thì mỗi HS còn nhận được một bộ áo quần mới. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cách đây 3 năm, nhà trường chủ trương ngày học đầu tiên sau khi nghỉ Tết, HS sẽ không phải mặc đồng phục đến trường mà được diện quần áo đẹp đi học.

Nhưng có một số em vẫn mặc đồng phục. Các cô giáo tìm hiểu thì được biết do điều kiện khó khăn, các em không được sắm đồ Tết. Chính vì vậy, 2 năm nay, cứ sau Tết Dương lịch, cô giáo chủ nhiệm các lớp phải khéo léo tìm hiểu, lên danh sách những HS không có quần áo mới để nhà trường chủ động tặng quà. Mỗi bộ áo quần chỉ khoảng 400.000 đồng, nhưng đó là niềm vui của con trẻ trong ngày đầu đến trường sau kỳ nghỉ Tết”.

Có một điều đặc biệt trong cách trao quà Tết của các trường học, như là một bài học quý với các em về cách “cho” và “nhận”. Ban Giám hiệu các trường đều không tổ chức trao quà Tết cho HS tại buổi sinh hoạt chung của toàn trường, bởi thực sự không một HS khó khăn nào muốn phơi bày hoàn cảnh, điều kiện gia đình mình cho các bạn biết cả. Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong buổi trao quà Tết cho HS, còn có cả chương trình văn nghệ do chính học sinh và thầy cô giáo biểu diễn, như là nguồn động viên tinh thần giúp các em vững tin hơn trong cuộc sống.

Những món quà tuy nhỏ nhưng đã có tác dụng rất lớn trong việc cổ vũ phong trào học tập của nhà trường bởi nó mang một giá trị tinh thần rất lớn. Nhận được sự hỗ trợ, những quan tâm, chăm sóc của cả thầy cô và bạn bè, các em càng có ý thức hơn trong học tập. Những việc làm này đã dần hình thành cho HS các trường học tinh thần tương thân tương ái, trợ giúp đùm bọc nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ