Một góc nhìn rất khác
Chúng ta đã từng nghe rất nhiều câu chuyện của những người mẹ, người cha có con tự kỷ, chia sẻ với rất nhiều tâm sự khó khăn của họ xoay quanh việc nuôi dạy con tự kỷ. Triển lãm “Những cuộc gặp” mang tới một góc nhìn rất khác, là những tâm sự và cảm nhận riêng đến từ nhóm bạn trẻ có người anh/chị em tự kỷ, và cả những người lần đầu tiên tiếp xúc với tự kỷ. Những nghệ sĩ trẻ là những học sinh, sinh viên, thanh niên yêu thích nghệ thuật, đã cùng nhau trải qua hành trình hơn một năm tìm hiểu và sáng tác để mang tới cho người xem trải nghiệm sống trong những không gian xung quanh người tự kỷ và các thành viên trong gia đình.
Là một trong những nghệ sĩ của triển lãm “Những cuộc gặp”, Phạm Quỳnh Nhi hiện đang học lớp 12 Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN tâm sự: “Là em gái của một người mắc chứng tự kỷ, tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với cộng đồng người tự kỷ trong một thời gian dài và đã hiểu được đôi điều về cuộc sống của cộng đồng người tự kỷ và gia đình của họ”.
Quỳnh, sinh viên khoa Tiếng Anh - Viện Đại học Mở Hà Nội, mang tới triển lãm hai tác phẩm nhiếp ảnh và âm thanh mang tên “Tĩnh - Động”, chia sẻ về những trải nghiệm của mình khi lớn lên cùng người anh trai tự kỷ: “Có một người anh trai tự kỷ không hề dễ dàng. Từ việc anh trai và tôi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, đến những hạn chế của anh khi hòa nhập với xã hội. Điều đó khiến tôi nghĩ mình phải làm gì đó. Tôi muốn thể hiện những cảm xúc và trải nghiệm của riêng mình về anh thông qua các tác phẩm tham dự nghệ thuật Những cuộc gặp”.
Những thông điệp lan tỏa
Một thành viên trong nhóm tâm sự: “Cuộc gặp đầu tiên của bọn mình là cách đây hơn 1 năm. 1 căn phòng nhỏ trên tầng 15 của tòa nhà Hanoi Creative City, 5 bạn nhỏ, 5 anh chị lớn, 5 cô chú rất lớn...gặp nhau vì hai từ “tự kỷ”, trong một dự án rất mới mẻ với tất cả. Cuộc gặp ấy mở ra một hành trình hơn 12 tháng với hàng trăm bức ảnh và giờ thảo luận những câu hỏi hết sức “cân não” mà ngay cả các chuyên gia hay bố mẹ của các bạn cũng khó mà tìm được câu trả lời thỏa đáng và cả những câu chuyện rất riêng của các bạn về những năm tháng lớn lên bên người anh/chị em tự kỷ của mình”.
Không chỉ là chia sẻ những hiểu biết mới mẻ về tự kỷ và sự đa dạng của những biểu hiện, tài năng, cá tính cũng như khó khăn của người tự kỷ, các thành viên tham gia đã trải nghiệm quá trình sáng tác nghệ thuật và kể câu chuyện của mình qua hình ảnh, màu sắc, ngôn từ... đặt câu hỏi cho nhau và cùng suy ngẫm, để đều tìm thấy bản thân ở đâu đó trong những câu chuyện về tình yêu thương, về gia đình, về sự khác biệt luôn ở xung quanh mình.