Triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020: Chọn giáo viên làm đòn bẩy

GD&TĐ - Ngay từ khi khởi động Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, tỉnh Bến Tre đã xác định nhân tố nòng cốt dẫn đến thành công chính là đội ngũ giáo viên.

Triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020: Chọn giáo viên làm đòn bẩy

Chính bởi vậy, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - cho biết: Ngày 27/5/2011, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Kế hoạch về việc triển khai Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Và, việc triển khai thực hiện đã bắt đầu bằng việc khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên tiếng Anh tiểu học và THCS, sau đó là giáo viên THPT theo khung năng lực châu Âu.

Xuất phát điểm từ 1/700 giáo viên đạt chuẩn

Kết quả khảo sát như thế nào, thưa ông?

- Để tiến hành khảo sát, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Tổ chức khảo thí và đánh giá tiếng Anh của ĐH Cambridge tại Việt Nam (Cambridge English Language Assessment).

Khi đó, số lượng tham gia khảo sát là 700 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học và THCS (vào tháng 5/2011) và 205 giáo viên tiếng Anh THPT (vào tháng 8/2012).

Kết quả, đối với giáo viên tiểu học và THCS, chỉ có 1/700 (0,14%) đạt chuẩn B2 theo quy định. Có 642 giáo viên tiểu học, THCS (91,7%) đạt A2 trở xuống.

Đến cuối năm 2013, cấp tiểu học và THCS, tỉ lệ giáo viên Bến Tre đạt chuẩn B2 từ 0,14% tăng lên 10%; tỉ lệ giáo viên đạt bậc B1 từ 9% tăng lên 40%; tỉ lệ giáo viên ở bậc A2 từ 77% giảm còn 35%.

Cấp THPT: Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn C1 từ 0% tăng lên 6%; tỉ lệ giáo viên đạt bậc B2 từ 20% tăng lên 35%; tỉ lệ giáo viên đạt bậc B1 từ 47% giảm còn 20%.

Đối với giáo viên THPT, không có giáo viên nào đạt chuẩn C1 theo quy định. Có 68/205 giáo viên THPT (31,17%) đạt A2, dưới chuẩn 3 bậc.

Ở khối cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên: Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2013 cho 30 giảng viên, giáo viên tiếng Anh. Kết quả có 13 giáo viên đạt B2, 12 giáo viên đạt B1 và 4 giáo viên đạt A2, không có giáo viên nào đạt C1 (trong khi chuẩn giáo viên cao đẳng chuyên ngữ là C2).

- Với một xuất phát điểm thấp như vậy, việc nâng chuẩn chắc chắn rất gian nan. Sở GD&ĐT Bến Tre đã bắt đầu công việc này như thế nào?

Sau khảo sát, việc bồi dưỡng cập chuẩn tiếng Anh đã được nghiêm túc triển khai với nhiều đợt bồi dưỡng đã được tổ chức.

Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng với chương trình tiếng Anh mới (Chương trình tiếng Anh 10 năm), Sở GD&ĐT đã chú ý đến công tác bồi dưỡng về phương pháp dạy mới theo chuẩn quốc tế (TKT) cho các giáo viên đã đạt chuẩn từ B1 trở lên.

Trong 3 năm (từ 2011-2013), đã tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ TKT cho 120 giáo viên tiểu học, THCS và 123 giáo viên THPT.

Việc xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt cũng được chú trọng. Trong các năm qua Sở GD&ĐT Bến Tre đã chọn cử giáo viên có năng lực tốt về tiếng Anh tham gia các lớp bồi dưỡng về phương pháp dạy mới tại một số nước.

Cụ thể năm 2008, bồi dưỡng tại Singapore cho 25 giáo viên tiếng Anh THCS và THPT; năm 2012, bồi dưỡng tại Malaysia cho 13 giáo viên tiếng Anh THCS và 9 giáo viên tiếng Anh TH và THCS tại New Zealand.

Hiện tại các giáo viên đã tham gia học tập nước ngoài được bố trí làm các giáo viên cốt cán của Phòng GD&ĐT, các tổ trưởng bộ môn, cộng tác viên thanh tra và tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh thí điểm.

Riêng với các đợt bồi dưỡng, từ 2011 - 2013, mặc dù số lượng giáo viên đạt chuẩn vẫn còn thấp, nhưng có những tiến bộ đáng kể.

Triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020: Chọn giáo viên làm đòn bẩy ảnh 1Ông Nguyễn Văn Huấn  

Ưu tiên tập trung cho bồi dưỡng giáo viên

- Với những con số như trên, rõ ràng là số lượng giáo viên đạt chuẩn qua các khóa bồi dưỡng cập chuẩn tăng chậm, chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Nguyên nhân của việc này là do đâu, thưa ông?

Trả lời câu hỏi này, trước hết phải nói đến sự chênh lệch giữa chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo giáo viên trước đây với chuẩn năng lực ngôn ngữ theo yêu cầu hiện nay.

Mặt khác, giáo viên tiếng Anh trong tỉnh được đào tạo từ nhiều phương thức khác nhau dẫn đến năng lực chuyên môn của giáo viên không đồng đều và còn nhiều hạn chế.

Nhận thức ở một bộ phận giáo viên chưa đúng mức về tầm quan trọng của yêu cầu nâng chuẩn để đáp ứng yêu cầu của chương trình tiếng Anh mới; một số giáo viên chưa chủ động trong tự bồi dưỡng, còn tư tưởng ỷ lại, mong đợi vào các khóa bồi dưỡng của Sở.

Các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn B2 cho giáo viên tiểu học, THCS thực hiện khi mới bắt đầu triển khai Đề án (năm 2011) được dành cho các giáo viên tiệm cận chuẩn B2 theo kết quả khảo sát nên khá thuận lợi;

Các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn càng về sau (năm 2012, 2013, 2014) dành cho các giáo viên càng xa chuẩn B2, nên giáo viên càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cập chuẩn (một số giáo viên đã phải tham gia lớp nâng chuẩn 2 giai đoạn để nâng lên 2 bậc).

Bên cạnh đó, kinh phí bồi dưỡng nâng chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT khoảng 10 triệu/học viên. Với định mức kinh phí này chỉ có thể tổ chức lớp bồi dưỡng tập trung ngắn hạn khoảng 400 - 500 giờ trong khi càng về sau năng lực giáo viên càng hạn chế.

Để đảm bảo hiệu quả đầu ra cho các lớp bồi dưỡng tập trung, đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian cho tự học, tự bồi dưỡng trước khi tham gia các lớp bồi dưỡng tập trung do sở tổ chức. Tuy nhiên việc tự học, tự bồi dưỡng này còn hạn chế.

Thêm đó, kết quả bồi dưỡng được đánh giá theo chuẩn quốc tế của chứng chỉ FCE của Đại học Cambridge, theo chuẩn tiếng Anh khung năng lực ngôn ngữ châu Âu nên độ khó và độ đánh giá khách quan cao.

Cũng phải nói đến nguyên nhân từ việc triển khai các thiết bị, phòng dạy học ngoại ngữ tuy vượt kế hoạch đề ra nhưng số trường được trang bị đạt tỉ lệ thấp so với tổng số trường phổ thông trong tỉnh.

Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cốt cán ở nước ngoài không thực hiện được từ năm 2013 và 2014 do thiếu kinh phí.

- Gian nan trong nâng chuẩn cho giáo viên tiếng Anh có thể nói là khó khăn chung của rất nhiều tỉnh, đặc biệt tại địa bàn còn nhiều khó khăn như Bến Tre. Từ tình hình thực tiễn, Sở đã có kế hoach, giải pháp khả thi nào tháo gỡ?

Để nâng cao nhận thức của giáo viên về sự cần thiết phải bồi dưỡng cập chuẩn để từ đó phấn đấu trong tự học, 

Sở GD&ĐT đã tổ chức đối thoại với gần 500/900 giáo viên tiếng Anh của tỉnh và sẽ tiếp tục đối thoại với số giáo viên tiếng Anh còn lại.

Ông Nguyễn Văn Huấn

Sở GD&ĐT Bến Tre đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của tỉnh, gồm 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở GD&ĐT làm Phó Trưởng ban thường trực và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ để phối hợp chỉ đạo có hiệu quả việc triển khai Đề án ngoại ngữ tại tỉnh.

Sở GD&ĐT cũng đã thành lập Ban quản lý các lớp bồi dưỡng theo Đề án ngoại ngữ để quản lý chặt chẽ việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Sở GD&ĐT cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh qua Ban chỉ đạo Đề án ngoại ngữ của tỉnh có những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng và đẩy nhanh lộ trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng giáo viên bằng một số chính sách cụ thể.

Ví dụ như ưu tiên cho giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn với kết quả cao được bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh ở nước ngoài.

Để huy động sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài cho công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Pháp, Sở GD&ĐT đã để nghị Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) qua Trung tâm Tiếng Pháp Châu Á-Thái Bình Dương hỗ trợ khoảng 50% kinh phí cho việc tổ chức lớp bồi dưỡng cập chuẩn cho 35 giáo viên tiếng Pháp cấp THCS và THPT của tỉnh, phần còn lại là kinh phí đối ứng của tỉnh.

Kinh phí địa phương cũng tham gia đối ứng tốt với kinh phí trung ương trong triển khai Đề án ngoại ngữ, trong đó ưu tiên tập trung cho bồi dưỡng giáo viên.

Từ năm 2011 đến 2013, kinh phí cấp cho Sở GD&ĐT trong triển khai Đề án ngoại ngữ là 22,39 tỷ đồng (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 15,05 tỷ đồng, vốn Sự nghiệp đào tạo của tỉnh là 7,34 tỷ đồng).

Riêng năm 2014, kinh phí cấp cho Sở GD&ĐT là 3,2 tỷ đồng (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 1,2 tỷ đồng, vốn Sự nghiệp đào tạo của tỉnh là 2,0 tỷ đồng).

Đề xuất chuyển đổi công tác giáo viên có năng lực kém

- Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án ngoại ngữ trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Bến Tre có kiến nghị, đề xuất như thế nào với UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT?

Xuất phát từ thực tiễn triển khai Đề án 2020 trong thời gian vừa qua, tôi kiến nghị cho phép giáo viên chưa đạt chuẩn được tham gia bồi dưỡng nâng chuẩn và thi cấp chứng chỉ một lần nữa bằng ngân sách nhà nước sau khi tổ chức cho tất cả các giáo viên ngoại ngữ được bồi dưỡng cập chuẩn bằng ngân sách nhà nước mà số giáo viên chưa đạt chuẩn còn nhiều.

Bên cạnh đó, hiện nay số giáo viên tiếng Anh THPT dưới chuẩn 3 bậc (đang ở năng lực A2) còn nhiều. Kiến nghị cho phép các giáo viên này được bồi dưỡng nâng chuẩn 3 giai đoạn để nâng lên 3 bậc mới có thể đạt chuẩn C1 theo quy định.

Một số kiến nghị khác, đó là: Chuyển đổi công tác khác đối với các giáo viên ngoại ngữ sau lộ trình bồi dưỡng ấn định mà vẫn có năng lực ngoại ngữ quá kém (dưới A2);

Có chế độ chính sách khuyến khích các giáo viên ngoại ngữ trong công tác bồi dưỡng nâng chuẩn (học bổng, ưu tiên cho đi học nước ngoài cho các giáo viên đạt kết quả cao trong bồi dưỡng...);

Không tuyển dụng mới là giáo viên ngoại ngữ cho các trường phổ thông nếu sinh viên chưa đạt chuẩn B2 (giáo viên TH, THCS) và C1 (giáo viên THPT) để giảm thiểu kinh phí bồi dưỡng, đào tạo lại;

Cho phép tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán cho thực hiện chương trình dạy tiếng Anh mới.

Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia cần tham mưu cho Bộ GD&ĐT xây dựng Trung tâm khảo thí ngoại ngữ để thống nhất trong đánh giá chuẩn đầu ra sau bồi dưỡng cho giáo viên và chuẩn đầu ra cho học sinh hết cấp học tiểu học, THCS, THPT theo quy định của Đề án ngoại ngữ;

Định hướng cho các tỉnh trong công tác bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ về cập chuẩn và phương pháp giảng dạy (chương trình, tài liệu, thời lượng...).

Đề án ngoại ngữ quốc gia cần quản lý thống nhất và có chỉ đạo chung cho các Sở GDĐT trong triển khai Đề án ngoại ngữ với các ngoại ngữ khác (Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật).

Các văn bản chỉ đạo việc triển khai Đề án từ Bộ GD&ĐT và Ban quản lý Đề án NNQG 2020 cần cụ thể và kịp thời, đặc biệt trong công tác mua sắm trang thiết bị và bồi dưỡng giáo viên nhằm tránh việc triển khai không đồng bộ, lãng phí và kém hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!