9h sáng thứ Năm (9/10/2014), báo Giáo dục và Thời đại phối hợp cùng Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: Kinh nghiệm từ thực tiễn”
Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1400/QĐ phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020" với mục tiêu chung:
- Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên;
- Đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa;
- Biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chính thức đến tháng 4/2011, bắt đầu có bộ phận quản lý chung triển khai các khâu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Tính đến nay, Đề án triển khai được 2,5 năm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bước đầu đạt được những chuyển biến tích cực: Việc thực hiện chương trình thí điểm dạy tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia đã tạo chuyển biến tích cực như giáo viên năng động trong truyền đạt kiến thức; tích hợp nhiều phương pháp giảng dạy, tạo cơ hội nâng cao trình độ cho giáo viên…
Đặc biệt, Đề án đã tạo ra chuyển biến trong nhận thức xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với chất lượng nguồn nhân lực, đối với đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế nhanh, sâu, rộng. Qua đó, ý thức dạy - học, tự học, sử dụng ngoại ngữ của nhà giáo, học sinh, sinh viên, người lao động được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án tại các địa phương, các nhà trường phát sinh những lúng túng, vướng mắc về bồi dưỡng, đánh giá chuẩn giáo viên dạy ngoại ngữ theo khung chương trình 6 bậc; nguồn học liệu phục vụ đổi mới dạy – học ngoại ngữ; cơ chế, chính sách trong triển khai Đề án…
Hiện người dân mong muốn hiểu thêm về tiến độ thực hiện và những khó khăn, thuận lợi của Đề án; các cơ sở, giáo viên muốn được kịp thời giải đáp, chia sẻ các các kinh nghiệm thực tiễn, “gỡ rối” về chính sách trong triển khai Đề án từ chính các chuyên gia của Đề án, lãnh đạo các đơn vị “hạt nhân” đã đạt được những thành tựu trong quá trình thực hiện Đề án, giáo viên trực tiếp đứng lớp có những sáng kiến trong đổi mới dạy – học ngoại ngữ.
Nắm bắt được nhu cầu này, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp cùng Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020: Kinh nghiệm từ thực tiễn” vào 9h sáng thứ Năm, ngày 9/10/2014, với sự tham gia của 3 vị khách mời:
1. TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng ban thường trực BQL Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020;
2. PGS Phan Quang Thế - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên;
3. Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội).
Buổi giao lưu trực tuyến là cầu nối để bạn đọc và các vị khách mời chia sẻ những kinh nghiệm, những đơn vị điển hình, từ đó có hình dung, mô tả, giới thiệu và nhân rộng điển hình, sáng kiến, hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo có thể liên kết, hỗ trợ nhau phát triển về mọi mặt nói chung và dạy - học ngoại ngữ nói riêng.