Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum đã minh chứng điều này bằng những con số thuyết phục từ số trường dạy học Tiếng Anh theo chương trình mới ngày càng được mở rộng; lượng giáo viên tiếng Anh đạt yêu cầu theo Khung chuẩn châu Âu tăng lên đáng kể…
Đề án Ngoại ngữ 2020 triển khai tại Kon Tum thực sự được coi như một đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục trong xu thế hội nhập quốc tế; từ đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Bắt đầu từ chỉ 1 giáo viên đạt yêu cầu Tiếng Anh
- Ông sẽ chia sẻ điều gì nếu nói về những điểm nhấn mà ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã đạt được trong việc triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 trong thời gian qua?
Bên cạnh việc tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kinh phí triển khai Đề án, hàng năm, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT huyện, thành phố và các trường trực thuộc Sở triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Trong đó, tập trung hướng dẫn công tác dạy học môn Tiếng Anh các chương trình (tự chọn, bắt buộc) ở cấp Tiểu học. Riêng cấp THCS và THPT, Sở GD&ĐT hướng dẫn triển khai dạy học môn Tiếng Anh chương trình thí điểm.
Tháng 3/2012, Sở GD&ĐT Kon Tum đã tổ chức khảo sát đối với tất cả giáo viên dạy môn Tiếng Anh bậc phổ thông (Tổ chức Cambridge ESOL có cơ sở đặt tại TP HCM được mời khảo sát) theo chuẩn Khung tham chiếu của Châu Âu.
Kết quả, chỉ 1 GV TA THCS đạt yêu cầu, đạt tỉ lệ 0,2%.
Từ kết quả đánh giá này, từng giáo viên tiếng Anh thấy rõ được năng lực thực của mình; các nhà quản lý cấp trường, cấp Phòng, cấp Sở thấy được thực trạng đội ngũ iáo viên tiếng Anh của đơn vị mình quản lý.
Cũng từ đó, kế hoạch tự bồi dưỡng, bồi dưỡng nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu mới của từng đơn vị được xây dựng.
Với việc tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng, tập huấn của Bộ, của Sở GD&ĐT, cùng sự nỗ lực của nhiều giáo viên tiếng Anh qua tự học, tự bồi dưỡng, đến nay, giáo viên tiếng Anh cấp phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt yêu cầu theo Khung Châu Âu chiếm tỉ lệ đáng kể (34,21%).
Cũng phải nói đến sự mở rộng về số trường, số học sinh học môn tiếng Anh chương trình mới năm học 2014 - 2015 với 25 trường tiểu học, 11 trường THCS và 3 trường THPT.
Riêng về cơ sở vật chất, đến tháng 9/2014, Sở GD&ĐT đã trang bị 37 phòng học ngoại ngữ cho các trường phổ thông với tổng kinh phí đầu tư là 11.319 triệu đồng; 1 phòng học ngoại ngữ cho Trường CĐSP Kon Tum, với số tiền là 950 triệu đồng. Phần mềm Livemocha để học Tiếng Anh trực tuyến cũng như đĩa CD, tài liệu tham khảo…
Dự kiến trong thời gian còn lại năm 2014, Sở GD&ĐT trang bị thêm khoảng 62 phòng học ngoại ngữ với tổng kinh phí là 8.130 triệu đồng.
Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Do đặc thù về địa bàn (miền núi, biên giới) nên Sở GD&ĐT Kon Tum không có giáo viên Tiếng Anh người bản xứ nên còn nhiều khó khăn trong việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp cho học sinh, giáo viên Tiếng Anh của tỉnh.
Sở GD&ĐT đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường, hỗ trợ giáo viên người tiếng Anh bản xứ để giúp cho việc dạy học tiếng Anh của tỉnh.
- Nếu tính theo xuất phát điểm, con số giáo viên đạt chuẩn ngoại ngữ và đối tượng học sinh thụ hưởng Đề án thực đáng khích lệ. Tuy nhiên, trên mặt bằng chung của cả nước, số lượng này vẫn là khiêm tốn. Phải chăng, còn rất nhiều khó khăn phía trước?
Không thể phủ nhận một thực tế, đó là bên cạnh, những kết quả đạt được như trên, công tác dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn có những bất cập, khó khăn, hạn chế.
Tuy đã triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Ngoại ngữ vào năm học thứ 3 nhưng số lượng học sinh các lớp 3, 6 học chương trình mới còn thấp (trong năm học 2014 - 2015, số học sinh lớp 3, lớp 6 chưa học theo chương trình mới với lớp 3 là 80,23%, lớp 6: 92,60% .
So với Kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt, số học sinh học theo chương trình mới ở lớp 3 thấp hơn là 25,23%, số học sinh lớp 6 là 12,60%.
Số trường tiểu học, THCS chưa tổ chức được cho học sinh lớp 3, lớp 6 học chương trình mới còn chiếm tỉ lệ rất lớn, nhất là các trường THCS (tiểu học: 117/142 trường, THCS: 92/103 trường).
Chất lượng học tập của học sinh học tiếng Anh vẫn chưa cao. Tỉ lệ học sinh đạt điểm trung bình trở lên trong các kỳ tuyển sinh vào lớp 10 còn thấp (2013 - 2014: 31,9%, 2014 - 2015: 46,7%);
Chất lượng giải trong các kỳ thi cấp quốc gia chưa cao như kỳ thi tiếng Anh qua mạng đạt 16 giải khuyến khích/24 giải, kỳ thi HSG quốc gia lớp 12 đạt 3 giải khuyến khích/6 học sinh dự thi; kỹ năng nghe và nói của học sinh còn nhiều hạn chế…
Năng lực tiếng Anh của giáo viên tiếng Anh phần lớn chưa đạt chuẩn theo quy định của Khung tham chiếu Châu Âu, nhất là giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học.
Số phòng học được dầu tư trang thiết bị dạy học ngoại ngữ đến hết năm 2014 là 99 phòng, con số này cũng chưa đạt so với kế hoạch đã được UBND phê duyệt.
Nguyên nhân của bất cập, hạn chế, theo tôi là bởi lãnh đạo của không ít phòng GD&ĐT chưa thật sự quan tâm công tác dạy và học tiếng Anh, đặc biệt hiệu quả, chất lượng của công tác này. Một số phòng GD&ĐT còn thiếu giáo viên tiếng Anh, nhất là giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học.
Mức độ yêu cầu đạt chuẩn theo Khung tham chiếu Châu Âu cao so với chương trình đào tạo trong thời gian vừa qua ở các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam đào tạo về ngoại ngữ đối với các sinh viên.
Mặt khác, nhiều sinh viên từ các trường đại học đến xin tuyển dụng công chức tại tỉnh KonTum, phần lớn xếp loại tốt nghiệp ở mức trung bình, trung bình khá; đồng thời, hầu hết giáo viên tiếng Anh chưa tích cực trong việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực, đặc biệt kỹ năng nghe, nói.
Kinh phí từ CTMTQG GD&ĐT còn hạn chế nên việc trang bị phòng học tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu so với của Kế hoạch.
- Những khó khăn này đã được Sở GD&ĐT Kon Tum tháo gỡ đến đâu và tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT huyện, thành phố phải chú trọng mở rộng việc dạy học môn Tiếng Anh các chương trình Tiếng Anh khác nhau ở tất cả các trường tiểu học có điều kiện thuận lợi.
Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh ở cấp TH, THCS và THPT trong các giờ học chính khóa, bồi dưỡng và thông qua các hoạt động ngoại khóa như: Câu lạc bộ tiếng Anh; thi Hùng biện tiếng Anh; thi Olympic tiếng Anh trên Internet; thi tìm hiểu về văn hóa các nước nói tiếng Anh; thi viết thư bằng tiếng Anh…
Đối với việc nâng cao năng lực đội ngũ, Sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục các cấp xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tự bồi dưỡng của giáo viên.
Về phía Sở GD&ĐT cũng đã xây dựng kế hoạch về công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh, có lộ trình; huy động các nguồn lực để trang bị đủ số phòng học ngoại ngữ như Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đồng thời, tổ chức quản lý nghiêm túc các đợt bồi dưỡng, khảo sát do Sở GD&ĐT phối hợp các trường ĐH tổ chức. Sở Chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở bố trí hợp lí những giáo viên Tiếng Anh theo trình độ, năng lực; yêu cầu các phòng GD&ĐT bổ sung giáo viên Tiếng Anh qua các đợt tuyển dụng giáo viên hàng năm.
Giáo viên cũng được tạo điều kiện thuận lợi đi bồi dưỡng, khảo sát nâng cao năng lực; đồng thời động viên, tuyên dương những giáo viên đạt kết quả tốt qua các đợt khảo sát.
Quyết tâm biến chuyển cả lượng và chất
- Với những kết quả rất cụ thể từ 3 năm triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 cùng nhiều khó khăn đã được giải quyết, bài học kinh nghiệm nào đã được rút ra, thưa ông?
Qua 3 năm triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 tại tỉnh Kon Tum, Sở GD&ĐT rút ra một số kinh nghiệm trong triển khai Đề án.
Việc đầu tiên là công tác quản lí, chỉ đạo. Theo đó, cần kịp thời tham mưu UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo của Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Bộ GD&ĐT về Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Cùng với đó, ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường trực thuộc nhanh chóng, sâu sát với tình hình thực tế của từng đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ đối với các trường có triển khai dạy học môn Tiếng Anh chương trình mới.
Về triển khai thực hiện Kế hoạch, cần tổ chức quản lý chặt chẽ các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực do Sở GD&ĐT tổ chức (chú trọng chất lượng, đảm bảo số lượng). Công tác bồi dưỡng giáo viên và khảo sát được thực hiện bởi hai đơn vị khác nhau, để dảm bảo tính khách quan, chính xác.
Chú trọng mở rộng việc dạy học môn Tiếng Anh các chương trình Tiếng Anh khác nhau ở tất cả các trường Tiểu học có điều kiện thuận lợi.
Luân chuyển giáo viên đã đạt chuẩn thuộc địa bàn huyện, thành phố sao cho phù hợp với năng lực và yêu cầu đáp ứng dạy học môn Tiếng Anh.
Lựa chọn trường để đầu tư, trang bị cơ sở vật chất dạy học ngoại ngữ (theo các tiêu chí: trường thuận lợi, có giáo viên đạt chuẩn... thì được ưu tiên đầu tư trước)
Đảm bảo yêu cầu về tổ chức học các chương trình tiếng Anh, Sở tổ chức cho học sinh học các chương trình tiếng Anh cùng một lúc ở các cấp học khác nhau;
Không đợi học hết chương trình tiếng Anh cấp tiểu học mới tổ chức học cấp THCS, cũng không đợi học hết chương trình tiếng Anh cấp THCS mới tổ chức học ở chương trình THPT.
- Định hướng triển khai việc dạy học Ngoại ngữ theo Đề án 2020 của Kon Tum trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền GD&ĐT, nhất là yêu cầu của xu thế hội nhập quốc tế, góp phần làm tốt giáo dục nhân cách toàn diện cho học sinh, tạo nguồn nhân lực cho tỉnh?
Thời gian tới, Kon Tum sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh về vai trò quan trọng của ngoại ngữ trong nhà trường, ngoài xã hội, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, tùy theo vị trí, chức năng của từng đối tượng sẽ xác định nhiệm vụ của mình trong việc dạy và học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, làm công tác dạy và học tiếng Anh ngày càng hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
Sở cũng sẽ tăng cường số lượng học sinh, các trường phổ thông học chương trình tiếng Anh mới và dạy học các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại trường THPT Chuyên KonTum.
Đồng thời, chú trọng dạy học theo chương trình tiếng Anh mới - được triển khai có tính bắt buộc từ năm lớp 3 cho đến lớp 12 ở bậc phổ thông từ năm học 2018 -2019).
Riêng chương trình mới, cần tổ chức dạy học ở những nơi có điều kiện thuận lợi về các yêu cầu trên.
Phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên tiếng Anh, đặc biệt cấp tiểu học. Sở đã yêu cầu các phòng GD&ĐT chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu UBND các huyện, thành phố hằng năm tuyển dụng bổ sung, luân chuyển giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học dựa trên hướng dẫn của Bộ GD&ĐT sao cho trong vài năm tới có đủ số lượng, nhất là giáo viên tiếng Anh trong biên chế.
Nâng cao năng lực về mọi mặt, nhất là năng lực về ngôn ngữ của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác dạy học ngoại ngữ.
Trên cơ sở các yêu cầu về chuẩn qui định đối với giáo viên tiếng Anh từng cấp học và năng lực thực tế của giáo viên tiếng Anh, các cơ sở giáo dục, từng cá nhân giáo viên xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn theo qui định với thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh kế hoạch hàng năm của Sở GD&ĐT, Sở yêu cầu phòng GD&ĐT tham mưu UBND các huyện, thành phố bằng các nguồn kinh phí khác nhau trang bị bổ sung ngày càng đầy đủ hơn về các thiết bị, các phương tiện dạy học ngoại ngữ (băng, đĩa, phần mềm, website, tài liệu, CNTT…).
Sở cũng đã có những chỉ đạo rất cụ thể đối với các nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy học tiếng Anh, đặc biệt kỹ năng nghe, nói cho học sinh.
Đồng thời, triển khai xây dựng 3 trường điển hình về đổi mới toàn diện dạy học NN tại các trường TH-THSP Kon Tum, THCS-THSP Lý Tự Trọng và THPT Kon Tum từ năm học 2014 – 2015.
- Xin cảm ơn ông!