Trẻ em lớn lên trong gia đình hạnh phúc thường dễ thành công

GD&TĐ - Chuyên gia Tâm lý Phạm Hiền, tác giả cuốn sách “Mặt trái của yêu thương” chỉ ra rằng, các thống kê xã hội học cho thấy, phần lớn tội phạm vị thành niên đều có một tuổi thơ “bão tố”.

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

Đó là những đứa trẻ không được sự quan tâm giáo dục đầy đủ và đúng cách, không được hưởng cuộc sống hạnh phúc trong gia đình.

Cha mẹ hạnh phúc - tương lai sáng của con

Để trở nên hoàn thiện, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ không chỉ cần được trau dồi tri thức mà còn phải được rèn luyện, tu dưỡng nhân cách. Trong đó, gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con trẻ. Và không ai khác, chính cha mẹ là người gieo những hạt giống tốt, thiện lành giúp con cái trưởng thành trong hạnh phúc.

Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy, sự bất đồng, thiếu yêu thương, tôn trọng nhau của cha mẹ sẽ là vết hằn rất lớn và khó phai mờ trong tiềm thức của trẻ.

Chứng kiến những cãi vã, thậm chí đánh lộn nhau của người lớn sẽ khiến trẻ bị chai lì cảm xúc, không còn ao ước vun đắp cuộc sống riêng. Những đứa trẻ này sẽ trở nên vô cảm ngay với chính bản thân mình và người thân của chúng.

Mọi cha mẹ đều mong muốn nuôi nấng được một đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh và lương thiện. Trẻ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, chúng có sự kết nối cảm xúc rất mạnh mẽ với cha mẹ. Vậy nên, mọi biểu hiện trong cuộc sống có cha có mẹ đều có giá trị xây nên một tâm hồn.

“Gia đình có vai trò rất lớn trong sự trưởng thành về mặt xã hội, vật chất và tinh thần của trẻ em. Mọi bậc cha mẹ luôn muốn con mình tốt hơn và hạnh phúc hơn so với cuộc sống của họ. Đó là lý do họ thường cố gắng uốn nắn con về tính khí.

Tính cách xuất hiện và hình thành từ thời thơ ấu và khó thay đổi khi trưởng thành. Sự hình thành tính khí phụ thuộc vào sự ổn định về mặt tình cảm trong gia đình và cách đứa trẻ được dạy để nhận thức thực tế. Như vậy, sự ổn định tình cảm trong gia đình là yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách và lòng tự trọng của con người”, chuyên gia Tâm lý Phạm Hiền nhấn mạnh.

Gia đình hạnh phúc sẽ cung cấp cho con cái nền tảng và vốn liếng về mặt tinh thần, giúp khởi tạo cuộc sống tốt đẹp. Các bậc cha mẹ hãy chăm sóc trẻ hết sức mình và giúp con bước vào cuộc sống khi đã biết cách khai phá tối đa tiềm năng của bản thân để tiếp cận nhiều mục tiêu.

Một khi trẻ đã có một tâm hồn đầy yêu thương, một nền tảng kiến thức vững vàng và một bến bờ an toàn sẵn sàng tương trợ thì thành công và hạnh phúc sẽ chào đón chúng.

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

Để con có tuổi thơ hạnh phúc

Bởi cuộc sống của cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu cuộc sống tương lai của những đứa con nên cha mẹ cần sống sao cho tốt nhất, đẹp nhất để con phải ước ao “có một cuộc đời như cha mẹ”.

Theo Thạc sĩ, chuyên gia Tâm lý Trần Thị Mạnh Linh (Công ty Tham vấn, tư vấn trị liệu tâm lý Mạnh Linh School psychology): Việc dành nhiều thời gian để nói chuyện, tương tác giữa các thành viên trong gia đình có vẻ đơn giản nhưng với cuộc sống bận rộn như hiện nay đó là điều hiếm hoi với nhiều gia đình.

Nói chuyện không chỉ giúp cha mẹ, con cái hiểu nhau mà còn giúp giải quyết được nhiều vấn đề.

Trò chuyện là sợi dây vô hình kết nối các thành viên trong gia đình. Nếu trong nhà các bé được nói chuyện thường xuyên với cha mẹ thì các em sẽ thấy ấm áp, được yêu thương, được chăm sóc. Khi đó, con sẽ thấy cha mẹ thực sự là người đủ tin tưởng để tâm sự.

Thời gian cha mẹ và con cái bên nhau thường không nhiều, nhất là với những người bận rộn. Tuy nhiên, sau một ngày làm việc mệt mỏi, bữa tối cả gia đình quây quần bên nhau sẽ là khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Bạn sẽ thấy sự ấm áp của không khí gia đình khi cả nhà cùng nhau ăn tối.

Thỉnh thoảng bạn có thể thay đổi bằng những bữa tối ở nhà hàng, quán sá với sự tham dự của mọi thành viên.

Cha mẹ hãy cùng con cái làm việc nhà. Khi cha mẹ, con cái cùng nhau làm việc nhà sẽ giúp san sẻ vất vả cho người phụ nữ, đồng thời còn giúp gia đình quây quần bên nhau. Bên cạnh đó, đây cũng là hoạt động rèn kỹ năng sống vô cùng hữu ích cho con trẻ.

Giá trị và truyền thống gia đình luôn tạo ra những kết nối cảm xúc đặc biệt, mang lại lợi ích cho từng thành viên, trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, là kho báu bổ trợ cho tinh thần trẻ phong phú hơn.

Thực tế cho thấy, trẻ em lớn lên trong gia đình hạnh phúc, thường đạt được mục tiêu một cách dễ dàng và có nhiều cơ hội tạo lập cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Bởi trẻ em trong gia đình hạnh phúc thường được nuôi dạy bằng tình yêu và sự tôn trọng. Đây là những phẩm chất giúp trẻ lớn lên biết cách hợp tác với xã hội và đối phó với sự căng thẳng.

“Cuộc sống là sự nối tiếp những chuỗi cảm xúc. Những hành động không đúng của cha mẹ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới con cái, khiến chúng trở nên thiếu tự tin. Một tuổi thơ trong một gia đình không hạnh phúc, với bầu không khí cảm xúc không ổn định có thể là lý do gây ra các chấn thương tâm lý và cảm xúc khác nhau, mà thường làm cho cuộc sống của trẻ trở nên khó khăn”, chuyên gia tâm lý Mạnh Linh nhấn mạnh.

Môi trường tuyệt vời trong gia đình sẽ hỗ trợ trẻ lớn lên khỏe mạnh và toàn diện. Cha mẹ như những “ông Bụt bà Tiên” trong mắt con cái. Đó là lý do tại sao, điều quan trọng bậc nhất là cha mẹ phải có trách nhiệm cho những hành động và lời nói của mình.

“Một gia đình hạnh phúc là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của cả trẻ em và cha mẹ. Cuộc sống trong một gia đình hạnh phúc đòi hỏi phải liên tục xây dựng sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau trong mối quan hệ.
Nuôi dưỡng truyền thống gia đình và các giá trị là cách tốt nhất để mở rộng tầm nhìn của con trẻ. Nếu bạn muốn con mình là một người thành công, tự tin, trước tiên hãy cố gắng tạo dựng một gia đình hạnh phúc”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà  - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.