Thủ khoa khối C năm 2021 chia sẻ bí quyết ôn thi giai đoạn nước rút

GD&TĐ - Bám sát đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời phân bổ thời gian hợp lý, tránh nhồi nhét gây áp lực cho bản thân. Lúc này, hãy để bản thân thoải mái thì việc tiếp thu kiến thức mới hiệu quả.

Đinh Thị Kim Ngân nữ thủ khoa khối C năm 2021.
Đinh Thị Kim Ngân nữ thủ khoa khối C năm 2021.

Đó là chia sẻ của nữ sinh Đinh Thị Kim Ngân là thủ khoa khối C trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (29,25 điểm 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Hiện đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Luật Hà Nội.

Đinh Thị Kim Ngân chia sẻ:

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa các em sĩ tử lớp 12 bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời, do đó thời điểm này các em đang tập trung cao độ cho việc ôn tập, gia cố kiến thức, kỹ năng làm bài chuẩn bị sẵn sàng bước vào kỳ thi một cách tốt nhất.

Bên cạnh việc có phương pháp ôn tập khoa học thì nên tập trung dành thời gian cho tổ hợp chính của mình. Theo mình các bạn cần phân bổ thời gian hợp lí, học đến đâu chắc đến đó. Lưu ý, tránh nhồi nhét khiến cho bản thân áp lực, mệt mỏi.

Vừa kết hợp ôn lại kiến thức với luyện đề. Nên bám sát vào đề tham khảo, như vậy các bạn sẽ không quá bỡ ngỡ khi vào làm đề thi thật. Ở giai đoạn này mình tin các bạn đã nắm được kiến thức cơ bản.

Với kinh nghiệm của mình, để làm tốt bài thi tổ hợp xã hội các nên luyện nhiều đề. Rèn cho bản thân cách tư duy các dạng câu hỏi, phân bổ thời gian học cho từng môn.

Ví dụ: ban ngày nên học môn Lịch sử, Địa lý vì cần ghi nhớ nhiều. Buổi tối dành cho học môn Ngữ văn. Thường mình sẽ đọc trước khi ngủ giúp ghi nhớ lâu.

Đinh Thị Kim Ngân, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
Đinh Thị Kim Ngân, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).

Lưu ý, môn Ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, do đó ngoài kỹ năng viết văn, phần đọc hiểu rất quan trọng. Phần đó, bạn cần bình tĩnh làm, đừng để mất điểm

Trong quá trình làm đề, các bạn sẽ gặp nhiều câu hỏi tương tự nhau. Do vậy, không được chủ quan, phải đọc kỹ đề. Nếu chủ quan, không đọc kỹ đề dễ bị nhầm lẫn.

Lưu ý, phải đọc đề và phân tích kỹ đề trước khi làm để không mất điểm oan.

Phần đọc hiểu nên gạch ý rõ ràng nếu đề không yêu cầu viết đoạn. Việc gạch ý rõ ràng giúp người chấm dễ theo dõi và tránh bỏ sót ý.

Phần viết văn, nên viết theo đoạn văn diễn dịch với câu chủ đề ở đầu đoạn, câu chủ đề rõ ý tránh vòng vo, lan man.

Nếu trong đề thi câu hỏi dài, các bạn không nên lúng túng, mất bình tĩnh. Hãy hít 1 hơi thật sâu, đọc từng câu và gạch ý chính trong đề để không bỏ sót dữ liệu. Khi đã nắm chắc được yêu cầu trong câu đó, bạn sẽ loại bỏ được các đáp án gây nhiễu và tập trung vào đáp án chính của đề.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi bước vào phòng thi thứ quyết định lớn nhất đến việc làm bài có được như mong muốn không chính là tâm lý. Nếu bạn bình tĩnh, tự tin với vốn kiến thức mà mình đã chuẩn bị thì bạn đã chiến thắng đến 50%.

Đừng để những lo lắng, áp lực ảnh hưởng đến phong độ của mình, hãy cố gắng làm bài hết sức có thể, bạn sẽ thấy thoải mái khi kết thúc mỗi môn thi.

Giai đoạn nước rút nhiều bạn sẽ ôn thi rất muộn với suy nghĩ “tăng tốc để về đích”, tuy nhiên sức khỏe cũng rất quan trọng. Cần cố gắng điều chỉnh đồng hồ sinh học để có một sức khoẻ và tinh thần tốt nhất.

Cuối cùng, mình chúc các bạn có một kỳ thi thật đáng nhớ, kết quả tốt. Hãy xem kỳ thi đó như là một dấu mốc để đánh dấu các bạn trưởng thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ