Trải lòng của những nhà giáo luôn tâm huyết, sáng tạo vì học trò

Đổi mới bài giảng để "câu" học trò

GD&TĐ - Là giáo viên dạy môn Hóa – Sinh, cô Nguyễn Hồng Phượng luôn đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm tăng khả năng tập trung và hứng thú học tập cho HS.

Cô Phượng không những tâm huyết với từng bài giảng, mà còn luôn quan tâm tới học trò để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em.
Cô Phượng không những tâm huyết với từng bài giảng, mà còn luôn quan tâm tới học trò để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em.

Tìm giải pháp để trò tiếp thu bài tốt nhất

Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh nhiều tỉnh/thành phố phải học online. Với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, cô Nguyễn Hồng Phượng, giáo viên Trường THCS Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội), luôn trăn trở suy nghĩ, tìm tòi và đặt ra câu hỏi làm thế nào đổi mới phương pháp giảng dạy từ trực tiếp sang dạy online để học sinh có hứng thú, tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Đặc biệt, đối với các em khối 6 vừa mới lên cấp THCS tiếp cận với nhiều bộ môn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và học sách giáo khoa mới nhưng chưa kịp mua, phải học sách điện tử.

“Tôi đã tự thiết kế và xuất bản rất nhiều video bài giảng hướng dẫn các em nghiên cứu trước nội dung của bài học. Mỗi video bài giảng là công sức, tâm huyết của bản thân để giúp học sinh tiếp thu bài giảng được tốt hơn khi phải học online. Tôi xuất bản thành video đăng lên ứng dụng YouTube, sau đó gửi link vào nhóm lớp.

Tôi thông báo với phụ huynh nhắc con vào học, nghiên cứu trước nội dung bài học, hoặc tự học ôn tập theo từng chủ đề. Học sinh rảnh thời gian nào có thể tự vào YouTube học, nghe cô giảng bài, ôn tập lại kiến thức. Từ tháng 9/2021 - 2/2022, tôi đã thiết kế được 204 video bài giảng hướng dẫn học sinh tự học các môn: Khoa học tự nhiên 6, Sinh học 8, Hóa học 8, Hóa học 9, các chuyên đề ôn thi học sinh giỏi môn Hóa học 9”, cô Hồng Phượng chia sẻ.

Các video bài giảng của cô Phượng đã giúp học sinh tự học, ôn tập, tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Với mỗi giờ học, cô thường giao nhiệm vụ về nhà cho các nhóm học sinh nghiên cứu trước nội dung bài mới. Từng em sẽ gửi bài cho nhóm trưởng, nhóm trưởng tổng hợp làm thành video báo cáo trong giờ học.

Với mỗi bài giảng, cô chuẩn bị chu đáo và thiết kế nội dung để phù hợp với học lực học sinh giỏi – khá và trung bình. Học sinh được tham gia các trò chơi khởi động tạo hứng thú trước khi học bài mới. Nữ giáo viên cũng thiết kế các hoạt động nhóm phù hợp để học sinh tích cực chủ động, tiếp thu nội dung kiến thức một cách nhẹ nhàng, không gò bó. Từ đó giúp các em hiểu bài và yêu thích bộ môn hơn.

Cô Phượng đã đào tạo nhiều lớp học sinh đỗ vào các trường THPT danh tiếng với kết quả ấn tượng. Một trong những học trò cô nhớ nhất là Nguyễn Thị Thập – cựu học sinh khóa 44. Cô đã chọn và bồi dưỡng em đi thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 9 cấp huyện. Ban đầu em do dự, phân vân, không muốn tham gia vì sợ mình chưa đủ khả năng, thi sẽ không đỗ. Nhờ cô thuyết phục, động viên và bồi dưỡng, ôn luyện, Thập đủ tự tin tham dự kỳ thi. Sau bao nỗ lực, vất vả của cả cô và trò, em đoạt giải Nhất cấp huyện và giải Nhì cấp thành phố. Đồng thời, em cũng xuất sắc đỗ thủ khoa chuyên Hóa Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông.

Cô Nguyễn Hồng Phượng luôn tràn đầy năng lượng tích cực và biết cách lan tỏa tới mọi người. Cô Nguyễn Hồng Phượng luôn tràn đầy năng lượng tích cực và biết cách lan tỏa tới mọi người.

Cố gắng qua từng bài giảng dù “on hay off”

Cô Nguyễn Hồng Phượng cho rằng, trong bất cứ một tập thể nào cũng cần phải đoàn kết để cùng nhau đi lên. Do đó, cô thường xuyên chia sẻ với đồng nghiệp và liên lạc với phụ huynh để động viên, khuyến khích, khen thưởng học sinh có ý thức học tập tốt, tích cực trong giờ học. Đồng thời cũng khích lệ những học sinh chưa cố gắng cần nỗ lực hơn nữa.

Trong thời gian tới, cô tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 với học sinh khối 7, làm thêm nhiều video hướng dẫn học sinh tự học ôn tập kiến thức và nghiên cứu trước nội dung bài học. Đặc biệt, vận dụng linh hoạt các kỹ thuật dạy học, đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh luôn có hứng thú yêu thích các môn học. Cô Phượng cũng mong muốn những video bài giảng sẽ được chia sẻ đến nhiều học sinh hơn trên khắp mọi miền của đất nước.

“Ngoài việc truyền dạy về kiến thức, tôi luôn giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có em Đỗ Vũ Bảo Yến - học sinh lớp 9B của trường. Năm học trước, mẹ Yến không may mắc căn bệnh hiểm nghèo nên phải nằm viện dài ngày. Là trụ cột chính trong gia đình, khi mẹ đổ bệnh, Yến là con cả trong gia đình nhiều khi phải nghỉ học ở nhà chăm mẹ và hai em nhỏ.

Trước tình hình đó, tôi đã kêu gọi bạn bè gần xa với số tiền trên 31 triệu đồng để giúp vơi bớt cơn khó khăn của gia đình em. Tôi đã đến gia đình trao quà và động viên Bảo Yến cố gắng để vươn lên chăm chỉ học tập, sắp xếp thời gian chăm sóc mẹ và các em. Sau một thời gian dài, mẹ của em đã khỏi bệnh và Bảo Yến cũng trở lại trường học cùng các bạn”, cô Phượng nhớ lại.

Có con đang học lớp 8 tại Trường THCS Song Phương, anh Lê Hùng cảm nhận sự nhiệt tình, chu đáo trong công việc của cô Phượng. “Cô luôn tận tình với học sinh cho dù các em học trực tiếp hay trực tuyến. Mỗi ngày, nghe con kể chuyện được học môn Hóa, Sinh do cô Phượng dạy rất dễ hiểu, nội dung trình bày khoa học, dễ nhớ nên bố mẹ cũng thấy yên tâm và tin tưởng cô giáo”, anh Lê Hùng trao đổi.

Cô Nguyễn Thị Mậu – Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Cô Nguyễn Hồng Phượng có năng lực, tâm huyết, say nghề, sáng tạo trong công việc, luôn có tâm thế đổi mới phương pháp dạy học. Cô đã nhận được Bằng khen cấp Bộ về “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập” năm học 2020 - 2021; nhiều năm liền là giáo viên giỏi và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đồng thời, cô cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo vì cộng đồng. Việc làm của cô Phượng đã ảnh hưởng tích cực và có sức lan tỏa tới đồng nghiệp và học sinh. Cô xứng đáng là một bông hoa đẹp trong phong trào “Người tốt, việc tốt”.

Tỷ lệ học sinh bị F0, F1 có xu hướng gia tăng. Lớp do cô chủ nhiệm có hôm chỉ vài học sinh đến lớp học trực tiếp. Buồn lắm, tâm trạng lắm, trăn trở nhiều lắm khi mà những bài giảng đầy tâm huyết của cô mà các em lại không được nghe trực tiếp, chỉ được nghe và nhìn qua màn hình máy tính, điện thoại. Mong muốn lớn nhất của tôi là dịch bệnh lui dần, cuộc sống trở lại bình thường, tất cả học sinh được vui chơi và học tập trải nghiệm; những bài giảng của tôi đến với học trò trên bục giảng, với phấn trắng bảng đen. Chính sự tập trung, ý thức và kết quả học tập thật tốt của các em là những đóa hoa tươi thắm, mang lại niềm vui cho mỗi nhà giáo. - Cô Nguyễn Hồng Phượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.