Chiến thuật thuyết trình SMART lấy lòng Ban giám khảo mọi cuộc thi

GD&TĐ - Trong quá trình học tập hay làm việc, không ít lần chúng ta phải đối diện với những cuộc thi hay tình huống có phần thuyết trình, phân tích một chủ đề nào đó hoặc trình bày sản phẩm hay dự án của mình.

Chiến thuật thuyết trình SMART lấy lòng Ban giám khảo mọi cuộc thi

Và khi mà điểm số cho sản phẩm khá đồng đều thì yếu tố quyết định để được đánh giá cao hơn chính là bài thuyết trình về chủ đề, sản phẩm hay dự án đó.

Vậy, hãy tham khảo chiến thuật thuyết trình SMART sau đây để làm cho bài thuyết trình của mình hấp dẫn, thuyết phục hơn.

SMART được tạo thành từ các chữ cái đầu của các từ Story - Meaningfulness - Attractiveness - Reality - Thanks. Ngoài ra, SMART cũng có nghĩa là thông minh, một kiểu chơi chữ để gây ấn tượng, giúp các bạn dễ nhớ quy tắc này.

Story (Câu chuyện)

Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện, gần gũi thôi, liên quan đến dự án, sản phẩm của mình. Câu chuyện về thực trạng trước khi triển khai dự án, câu chuyện về sự chuyển biến trong quá trình chuyển khai dự án, hay câu chuyện về kết quả sau khi triển khai dự án, tùy bạn chọn, miễn là phải ấn tượng!

Meaningfulness (Ý nghĩa)

Từ câu chuyện, hãy nói về ý nghĩa của dự án mà bạn đang triển khai, công việc bạn đang thực hiện.

Hãy nói ý nghĩa của dự án, sản phẩm đối với cá nhân, nhóm triển khai, những người liên quan, tập thể và cộng đồng.

Attractiveness (Hấp dẫn)

Hãy kể về quá trình hình thành ý tưởng, triển khai dự án và thành quả của nó một cách hấp dẫn nhất có thể. Thay đổi giọng điệu, cử chỉ, ánh mắt, sử dụng ngôn ngữ cơ thể, hay minh họa bài nói bằng nhiều hình ảnh, âm thanh, video,... là các kỹ thuật hay được áp dụng để cuốn hút người nghe.

Reality (Thực tế)

Phải nói về tính thực tiễn, khả thi của dự án, đương nhiên rồi, nếu không thì chẳng có sức nặng gì cả. Dự án có tác dụng gì đối với cá nhân, người cùng thực hiện, tập thể xung quanh, cộng đồng,... sau khi được triển khai. Cũng cần phải nói qua về định hướng phát triển, mở rộng của dự án trong tương lai.

Thanks (Cảm ơn)

Đừng cảm ơn chung chung như thông thường, hãy bày tỏ lòng biết ơn những người đã hỗ trợ mình (thầy cô, bố mẹ, bạn bè) tạo nên ý tưởng, triển khai dự án.

Hãy cảm ơn những người đồng hành thực hiện dự án, cảm ơn Ban tổ chức đã tạo ra sân chơi đầy ý nghĩa, và cũng không thể thiếu, cảm ơn Ban giám khảo đã lắng nghe, cũng như rất có thể sẽ đánh giá cao dự án, sản phẩm này.

Tìm được một câu nói của một danh nhân nào đó, có ý nghĩa, ngắn gọn, có trọng lượng và liên quan đến dự án, sản phẩm hay tinh thần thực hiện dự án của mình để kết thúc bài trình bày một cách ấn tượng sẽ rất tuyệt vời. Hãy dành thời gian để trau chuốt câu nói đó nhé.

* Chúc các bạn có một bài thuyết trình hấp dẫn, ấn tượng.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ