Tham dự có đại diện các đối tác trong và ngoài nước, với 17 tham luận khẳng định ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng của đào tạo từ xa trong việc xây dựng một xã hội học tập.
Báo cáo đề dẫn của TS. Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm Khoa Đào tạo Từ xa (Viện Đại học Mở Hà Nội) đưa ra những nhận định về thuận lợi và khó khăn cũng như định hướng phát triển của loại hình đào tạo này:
Hiện nay việc tuyển sinh đầu vào của các trường Đại học trong cả nước đang có xu hướng giảm, đặc biệt là đối với các hệ phi chính quy (trong đó có hệ từ xa truyền thống). Khoa Đào tạo Từ xa, thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng trên, trong giai đoạn này đã có 21 trường Đại học, Học viện được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo từ xa (ĐTTX).
Hiện nhiều ngành của Khoa ĐTHX không có sinh viên đăng ký theo học, có ngành còn rất ít sinh viên như các ngành Tiếng Anh, TCNH, CNTT... riêng ngành Luật KT là còn số lượng sinh viên khá hơn cả (khoảng 9.000 sinh viên).
Việc có thêm nhiều cơ sở đào tạo làm tăng thêm tính cạnh tranh. Điều này đặt ra đối với Khoa Từ xa lúc này là cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, hiệu quả công tác quản lý sinh viên. Đây là những vấn đề bức thiết nhằm nâng cao thương hiệu và uy tín, để thu hút người học.
Khó khăn chung của công tác tuyển sinh hệ ĐTTX có nhiều nguyên nhân do tâm lý xã hội, do cạnh tranh trong hoạt động ngày càng cao, nhưng vượt lên những rào cản đó, tuy có ảnh hưởng ít nhiều nhưng hoạt động ĐTX của Viện Đại học Mở Hà Nội vẫn tiếp tục ổn định và phát triển, khẳng định chất lượng của một trung tâm đào tạo mở - từ xa uy tín hàng đầu.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội đã đánh giá cao hoạt động đào tạo, liên kết hiệu quả và chất lượng, chính những nỗ lực to lớn này đã ngày một nâng tầm uy tín của Viện Đại học Mở Hà Nội với xã hội.
Đào tạo từ xa góp phần xây dựng xã hội học tập là điều đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Viện Đại học Mở Hà Nội và các đối tác đã nỗ lực to lớn thực hiện trách nhiệm được giao, đó là tổ chức, tạo điều kiện cho mọi người dân đều được thực hiện quyền được đi học, học tập suốt đời.
TS. Lê Văn Thanh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các giảng viên, đặc biệt là các đối tác của Viện là những Trung tâm GDTX, Trung tâm giới thiệu việc làm…. đến từ các tỉnh, thành đã có những góp ý, thẳng thắn, chân tình, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; đồng thời bày tỏ tin tưởng hoạt động đào tạo của Viện và các đơn vị liên kết sẽ ngày càng được nâng cao chất lượng, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm với xã hội và người học.