Có thể, họ không biết rằng, những hành động đó sẽ “đeo bám” và ám ảnh trẻ suốt cuộc đời...
Một số trẻ tổn thương tinh thần khi phải lớn lên với những phụ huynh thường xuyên căng thẳng, la lối, bạo lực hoặc không có sự kết nối, tình cảm yêu thương. Tình trạng này còn được gọi là “chấn thương được phát triển”.
Gần 70% trẻ sống trong gia đình bạo lực
Ông bà ta có câu “Hổ dữ không ăn thịt con”. Song, hàng loạt vụ cha mẹ đẻ bạo hành con đã gây chấn động và khiến dư luận “dậy sóng”.
Theo UNICEF Việt Nam, có 68,4% trẻ em từ 1 - 14 tuổi cho biết từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Không ít gia đình vẫn áp dụng phương pháp “yêu cho voi cho rọt”. Cách “yêu” nặng hay nhẹ này sẽ tuỳ thuộc vào mức độ sai phạm của trẻ. Rõ ràng, nuôi dạy con là chuyện riêng của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ dùng bạo lực mạnh dưới vỏ bọc giáo dục con, đó chính là một tội ác.
Theo ông Trần Hồ Trung Tín – Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), bạo hành, lạm dụng trẻ em là trường hợp trẻ bị một người khác làm hại đến sức khỏe, tình cảm, hạnh phúc và sự phát triển bình thường về mặt thể chất và tinh thần.
Bạo hành được chia ra làm 4 loại chính. Loại đầu tiên là xâm hại về thể chất. Cụ thể, trẻ bị bạo hành có dấu hiệu tổn thương vật lý về cơ thể. Không chỉ là những hành vi nguy hiểm tới tính mạng, các hành động có thể bao gồm: Làm trẻ bị bỏng, ngạt nước, có dấu hiệu đá, đánh, cắn trẻ, ném một đồ vật vào trẻ, trói cột trẻ.
Ngoài ra, xâm hại về tình dục cũng là một loại bạo hành trẻ. Đây là các hành vi tình dục mang tính chất xâm hại về mặt thể chất và tinh thần gồm: Cho trẻ tiếp xúc với các văn hóa phẩm đồi trụy, có các hành vi xâm hại tình dục cơ thể. Trẻ bị bạo hành cũng có thể bị xâm hại về tinh thần. Đây là các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, sinh lý tình cảm của trẻ như: La mắng, so sánh trẻ với các trẻ khác trong quá trình giáo dục, thiếu sót về cách dạy trẻ truyền đạt cảm xúc, tình cảm, dẫn đến tự ti, mặc cảm.
Bên cạnh đó, bỏ mặc trẻ cũng là một loại bạo hành. Đây là tình trạng trẻ em sống trong điều kiện, môi trường nguy hiểm trong thời gian dài, không có dấu hiệu được chăm sóc như: Thiếu thức ăn, điều kiện thời tiết, điều kiện vệ sinh môi trường sinh sống, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ giáo dục.
Chấn thương ở trẻ
Chuyên gia tư vấn phụ huynh Phan Linh chia sẻ, không ít bà mẹ mắng, thậm chí đánh con. Tuy nhiên, sau đó, họ tìm tới chuyên gia vì lo lắng đã làm tổn thương con.
“Đúng vậy, khi chúng ta đánh mắng con, điều đó làm tổn thương trẻ. Chấn thương/tổn thương về mặt cảm xúc không nằm trong bản thân sự kiện mà nằm trong hệ thần kinh, trong phản ứng sinh lý của chúng ta. Đó là lý do vì sao trải qua cùng 1 sự kiện nhưng 2 người lại bị tác động hoàn toàn khác nhau. Một người có thể bị tổn thương, người kia thì không”, chuyên gia giải thích.
Theo bà Phan Linh, phản ứng sinh lý của trẻ trước một sự kiện diễn ra quá nhanh, sớm hoặc quá nhiều. Ví dụ, khi bị cha mẹ quát và nạt nộ, trẻ có thể phản ứng theo 3 hướng. Chúng có thể hiếu động, hiếu chiến, không thể ngồi xuống, liên tục di chuyển, dò xét môi trường để tìm xem có nguy hiểm không, dễ bị giật mình, nhanh tức giận, không thể đứng yên... hay chạy trốn khỏi các tình huống và quay trở lại “chiến đấu” với người lớn.
Trường hợp khác là trẻ sẽ bất động, cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực. Thậm chí, công việc đơn giản hằng ngày đối với trẻ cũng quá khó khăn, chán nản. Trẻ im lặng, không tự đứng lên, không hứng thú với bất cứ điều gì...
Trong trường hợp khác, trẻ sẽ phản ứng bằng cách trở nên “ngớ ngẩn”, làm trò hề để mọi người cười. Bởi, trẻ muốn thể hiện bản thân mình tốt, cố gắng xoa dịu mâu thuẫn. Song, trẻ gặp khó khăn trọng việc tự phục hồi hoặc đặt ra ranh giới lành mạnh. Trẻ cũng có thể đi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Từ đang thể hiện mình tốt đẹp sang phản ứng chiến đấu (la hét, tức giận), sau đó đóng băng (thường là vì xấu hổ/cảm thấy tội lỗi) trong cùng 1 ngày. Thực tế, trẻ không tự chọn làm những việc đó. Bởi, hành động đó tự xảy ra như một phản ứng tự vệ trong hệ thống thần kinh.
“Khi có những sự kiện/sự việc mang tới cảm giác nguy hiểm, đáng sợ, hệ thần kinh không có thời gian xử lý các năng lượng sinh tồnđược huy động trong thời điểm này. Điều này tạo ra sự điều tiết trong hệ thần kinh và bộ não/cơ thể sẽ luôn ở trạng thái tỉnh táo rất lâu sau khi sự kiện kết thúc. Chúng ta thường nghĩ chấn thương là thứ gì đó nghiêm trọng đáng sợ. Thực ra, đó là do hệ thần kinh mất đi khả năng điều chỉnh khi những sự việc sự kiện lớn hoặc đáng sợ như vậy gây ra”, nữ chuyên gia lý giải.
“Trở về” để kết nối
Chấn thương có thể được gây ra bởi sự kiện đã xảy ra một lần (tai nạn, can thiệp y tế) và được gọi là “chấn thương do sốc”. Song, tình trạng này xảy ra cũng có thể do những điều nhỏ, nhưng diễn ra liên tục hằng ngày trong cuộc sống của trẻ. Một số trẻ bị chấn thương có thể phải lớn lên cùng với những phụ huynh thường xuyên căng thẳng, la lối, bạo lực. Hoặc, trẻ phải lớn lên không có sự kết nối, tình cảm yêu thương, sự đụng chạm. Theo bà Phan Linh, tình trạng này gọi là “chấn thương được phát triển”.
Song, nữ chuyên gia chia sẻ, các phụ huynh cần nhớ rằng, chấn thương là điều chúng ta không thể tránh trong cuộc sống. Tuy nhiên, chấn thương không phải là “bản án chung thân”.
“Tất cả chúng ta đều trải qua một số loại chấn thương trong cuộc đời, nhưng điều quan trọng cần nhớ là cơ thể cũng được tạo ra với khả năng tự chữa lành. Chúng ta có thể hỗ trợ hệ thần kinh của mình theo hướng điều tiết tốt hơn và tìm thấy sự thoải mái, tích cực hơn trong cuộc sống hằng ngày, cũng như các mối quan hệ. Chúng ta có thể đã sai khi làm tổn thương con, nhưng chúng ta vẫn có thể quay trở lại để kết nối, giúp đỡ, lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, thấu cảm và cùng trẻ điều chỉnh”, chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, bà Phan Linh nhấn mạnh, vấn đề chỉ nghiêm trọng hơn khi cha mẹ để mặc trẻ tự điều chỉnh. Hoặc, phụ huynh tiếp tục phạm sai lầm và không nhận thức được mình đã sai để cố gắng sửa. Theo nữ chuyên gia này, thay đổi cần một quá trình, thay vì “ngày một, ngày hai”.
Ông Trần Hồ Trung Tín nhận định, để bảo vệ trẻ khỏi bạo hành gia đình, cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Chú trọng hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Yếu tố quan trọng khác là tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác đoàn, đội, hội. Cha mẹ phải có trách nhiệm với trẻ, là tấm gương tốt để con noi theo. Chính quyền địa phương cần quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không nên vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
“Tổ chức truyền thông tại cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em. Phải khẳng định mạnh mẽ, bạo lực trẻ em là không thể chấp nhận được, nhưng có thể ngăn chặn được. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của mọi người. Hãy lên tiếng chống lại bạo lực trẻ em.
Không để trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra. Phối hợp thực hiện có hiệu quả, giám sát việc thực hiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đáp ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em”, ông Trần Hồ Trung Tín cho biết.