Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy: Chuyện dài… nói mãi

Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy: Chuyện dài… nói mãi

(GD&TĐ) - 1.000 người tham gia chữa cháy với tất cả trang thiết bị hiện đại nhất nhưng 6 giờ đồng hồ sau, đám cháy tại cây xăng tại 2b Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới được dập tắt.  Ngoài nguyên nhân do đám cháy diễn biến phức tạp, một lý do không thể không nhắc đến là bởi thiếu trang thiết bị cho lực lượng tham gia chữa cháy.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy
Chữa cháy  tại cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo xảy ra hôm 3/6 vừa qua

Mùa hè - mùa cháy nổ

Thống kê của Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2013, toàn thành phố có 76 vụ cháy nổ, trong đó có 75 vụ cháy và 1 vụ nổ làm 3 người chết, 11 người bị thương và tổng thiệt hại tài sản trên 16 tỷ đồng. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, GĐ Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: Chu kỳ của các vụ cháy nổ thường tập trung vào mùa nóng do người dân, đơn vị sản xuất dùng điện nhiều, quá trình sử dụng lại bất cẩn nên cháy nổ dễ xảy ra.

Cũng theo ông Nghi, bên cạnh vụ cháy nổ do người dân bất cẩn, hiện các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng là “quả bom” nổ chậm gây bất an cho các hộ dân sinh sống gần cây xăng cũng như người đi đường. Hà Nội có 489 điểm kinh doanh xăng dầu. Tại thời điểm cấp phép, những cây xăng trên đảm bảo các điều kiện hoạt động (giới hạn khoảng cách an toàn với nhà dân, các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy…). Tuy nhiên, qua thời gian, người dân đã lấn sát vào cây xăng để ở, buôn bán nên mới có tình trạng cây xăng liền kề với nhà dân.

Để các cây xăng không còn là nỗi ám ảnh của người dân, Hà Nội có quy hoạch di dời một số cây xăng ra khu vực ngoại thành. Theo đó, từ nay đến năm 2014 sẽ xóa bỏ, giải tỏa 10 cửa hàng, di dời theo các dự án khác 45 cửa hàng và 52 cửa hàng cần nâng cấp, cải tạo đảm bảo phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, theo ông Nghi, qua kiểm tra, Sở phát hiện trên 100 điểm bán xăng vi phạm các quy định về khoảng cách với nhà dân, phòng cháy chữa cháy và đã phạt 28 cây xăng vi phạm các quy định. Tuy nhiên, việc xử lý các cây xăng vi phạm mới dừng lại ở việc phạt hành chính, còn có đóng cửa hay di dời hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ông Nghi chia sẻ.

Thiết bị phòng cháy chữa cháy: Thiếu trầm trọng

Là đơn vị được thành lập chưa đầy 2 năm nên theo ông Nghi, lực lượng phòng cháy chữa cháy của thành phố còn thiếu trăm bề. “Hiện chúng tôi có 50 bộ quần áo chống cháy cho các chiến sĩ, các phương tiện khác như xe cẩu, ủng, mặt nạ, bình thở còn thiếu, thậm chí thiết bị dò tìm bằng tín hiệu, hình ảnh còn chưa có…”, ông Nghi chia sẻ.

Thiếu trang thiết bị nên nhiều chiến sĩ phải quấn khăn ướt lao vào đám cháy. Đây là lý do khiến 9 chiến sĩ đã bị bỏng (độ 1 đến độ 3) khi tham gia chữa cháy tại cây xăng 2b Trần Hưng Đạo ngày 3/6. Nhiều vụ cháy khác, lực lượng phòng cháy chữa cháy phải “mượn tạm” mặt nạ của quân đội hoặc xin viện trợ xe tải chở nước tưới cây của Sở TNMT để có nước chữa cháy.

Để lực lượng phòng cháy chữa cháy hoàn thành nhiệm vụ của mình, được biết năm 2013, ngân sách thành phố dành 50 tỷ đồng để mua trang thiết bị bảo hộ cho các chiến sĩ. Đây là số tiền không nhỏ nhưng do thiết bị phòng cháy chữa cháy chủ yếu là hàng nhập khẩu nên khá đắt (300 triệu đồng/bộ quần áo chống cháy) nên số tiền trên cũng chỉ như … muối bỏ bể. “Chúng tôi chỉ mong lực lượng phòng cháy chữa cháy có đủ trang thiết bị để bảo vệ chiến sĩ, khống chế đám cháy trong thời gian ngắn nhất chứ chưa dám nghĩ đến việc có được phương tiện tối tân như các nước láng giềng”, ông Nghi trao đổi.

- Hà Nội đã lập kế hoạch mua máy bay, tuy nhiên, theo ông Nghi, máy bay chỉ để phục vụ việc cứu hộ cứu nạn với những vụ cháy nhà cao tầng. Hiện các nước cũng mới chỉ dùng máy bay để dập lửa đám cháy rừng, việc dùng máy bay chữa cháy trong thành phố rất khó do thiếu nguồn nước.

- Để hạn chế các vụ cháy, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức, Hà Nội sẽ  tập trung vào việc hướng dẫn người dân, đặc biệt là trẻ em biết cách phòng ngừa, chữa cháy và thoát nạn.

L. Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ