Trắng đêm nghiên cứu bộ kit phát hiện Covid-19

Trắng đêm nghiên cứu bộ kit phát hiện Covid-19

PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học, Học viện Quân y, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus Corona chủng mới (Covid-19)” chia sẻ, ông và các cộng sự mất nhiều ngày không ngủ, chạy đua, để cho ra đời bộ sinh phẩm phát hiện nCoV trong thời gian nhanh nhất có thể, “như một món quà dành tặng người dân ứng phó với dịch bệnh”.

Không có thời gian để nghĩ đến thất bại

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nhóm nghiên cứu, hàng trăm nhà khoa học trên khắp cả nước đã không ngừng nỗ lực, chạy đua với thời gian để cho ra đời các bộ sinh phẩm phát hiện nhanh virus nCoV.

PGS Hồ Anh Sơn cho biết, nhóm nghiên cứu của ông chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 1 tháng từ lúc thực hiện đề tài cho đến khi cho ra đời bộ sinh phẩm, trong khi quy trình thông thường phải mất đến 4 năm. Để làm được điều đó, nhiều cán bộ đã phải thức trắng đêm.

Ngày 3/2, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định phê duyệt 4 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất góp phần phòng chống dịch bệnh, trong đó có đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus Corona chủng mới (nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Đến ngày 4/3, Bộ Y tế đã có Quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2) được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất.

Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, PGS Hồ Anh Sơn đã bắt đầu tìm hiểu về virus nCoV chứ không chờ đến khi thực hiện đề tài. “Tôi vui mừng không phải vì đua tranh với các nhóm nghiên cứu khác, mà chúng tôi thấy đây là một công cụ hữu ích để kiểm soát dịch bệnh.

Để sản xuất được bộ kit thì phải có thông tin di truyền về virus, nó phân bổ ra làm sao. Từ giữa tháng 1/2020, chúng tôi đã bắt đầu thu thập các dữ liệu liên quan trên khắp thế giới. Nhóm nghiên cứu liên hệ với một bệnh viện ở Đức.

Lúc này, chưa có khái niệm gì về việc thực hiện đề tài, làm ra bộ sinh phẩm, mà nghiên cứu dựa trên phản xạ rất tự nhiên của một nhà khoa học trước mầm bệnh mới nổi” - PGS Hồ Anh Sơn cho biết.

Chỉ sau 2 tuần nghiên cứu, nhóm đã hoàn hiện sản phẩm đầu tiên để thử nghiệm được. Cũng có người lo lắng hỏi, nếu nghiên cứu mà thất bại thì thế nào. Nhưng quả thực tôi không có thời gian để nghĩ đến chuyện thất bại. Nghĩa là không có một phút nào rảnh để nghĩ về điều đó, mà chỉ có chiến đấu. Cũng may mà đến đích và chiến thắng. Trường hợp thua, đương nhiên sẽ phải làm lại” - PGS.TS Hồ Anh Sơn chia sẻ.

WHO xin chia sẻ nghiên cứu

Ở Việt Nam có nhiều nhóm nghiên cứu để cho ra đời các bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV nhưng đây là bộ kit đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép. Bộ kit sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR), sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn ISO 13485, Labo kiểm định tiêu chuẩn ISO Class 8.

Bộ kit được bào chế dưới dạng dung dịch, có tác dụng kiểm tra nCoV trong mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên (dịch mũi họng, dịch súc họng), đường hô hấp dưới (đờm, dịch phế nang, dịch nội khí quản, dịch màng phổi) và mẫu máu.

Kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm, tương thích với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế trong nước đều cho kết quả chính xác 100% ở tất cả các lần thử nghiệm.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, bộ sinh phẩm được khuyến cáo sử dụng để phát hiện nCoV. Khi có kết quả nghiên cứu các nhà khoa học đã gửi đến tạp chí virus học quốc tế Vigology. Tạp chí này đã gửi nghiên cứu đến WHO, tổ chức này lập tức liên hệ với Học viện Quân y xin phép chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác.

“Khi tiến hành nghiên cứu, chúng tôi đi sau thế giới vài tuần. Bộ kit CDC của Hoa Kỳ phải làm 4 phản ứng, vì vậy mỗi lần chạy tối đa 24 mẫu, nhưng công suất bộ kit của chúng tôi chỉ cần thực hiện 1 phản ứng, nâng công suất lên được 4 lần với thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ.

Trong quá trình thử nghiệm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã thực hiện trên cả 5 máy khác nhau phổ biến ở Việt Nam, bộ kit được đánh giá tốt và được đưa vào sử dụng ngay.

Quá trình thực hiện nghiên cứu, quả thực là không khí hừng hực từ khắp các khâu kiểu “trên nóng dưới cũng nóng”, từ Ban Chỉ đạo quốc gia đến các bộ, ngành liên quan, mọi người đều lăn xả vào. Chúng tôi làm việc không có ngày đêm, chuyện báo cáo kết quả vào 1 - 2 giờ sáng là bình thường. Sản phẩm để khẳng định chất lượng cần đến một thời gian sử dụng triển khai nữa, hoàn thiện tốt hơn nữa.

Tôi mong Bộ KH&CN cùng các đơn vị nên tập trung nghiên cứu chuyên sâu để sẵn sàng vũ khí ứng phó với bất kỳ dịch bệnh nào có thể xảy ra trong tương lai. Hiện rất nhiều người vẫn ngày đêm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, họ là những “anh hùng không được nêu tên”.

Chúng tôi ấp ủ làm thế nào để phát hiện được virus ở những người không có biểu hiện nhiễm bệnh, những người khỏe mạnh bình thường ủ bệnh, rồi thông tin di truyền thay đổi như thế nào trong thời gian chuyển từ động vật sang người, có quy luật gì không... Ngoài ra, đầu tư nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ phòng ngừa dịch bệnh”, PGS Hồ Anh Sơn cho biết.

Chi phí trong quá trình nghiên cứu kit đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ nên hiện giá chỉ còn 400.000 - 600.000 đồng/bộ. Giá kit của WHO và CDC Mỹ cao hơn gấp 4 lần, nhưng chưa sản xuất thương mại.
Hiện mỗi ngày đơn vị sản xuất có thể cho ra đời 10.000 kit thử. Năng lực sản xuất này được cơ quan chức năng đánh giá có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần. Ngoài Việt Nam, WHO, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Đức đã có kit thử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.