Trầm cảm sau sinh: Dễ mắc, khó phát hiện

GD&TĐ - Một đứa trẻ ra đời là niềm vui nhưng sau đó cũng gồm nặng gánh lo toan. Kinh tế, chăm sóc trẻ, đặc biệt là sự thay đổi về nội tiết khiến nhiều phụ nữ không vượt qua được giai đoạn khó khăn này. 

Trầm cảm sau sinh: Dễ mắc, khó phát hiện

Cáu bẳn, khó tính rồi đến u uất, trầm cảm rất dễ xảy ra nếu phụ nữ sau sinh không nhận được sự thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ của người thân trong gia đình.

Không nhận ra mình

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 vừa tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 1989 (Nam Định) nhập viện trong tình trạng sụt cân nghiêm trọng (33 kg trong 5 tháng) sau sinh. Ngoài ra, bệnh nhân còn có ý định tự sát, không hợp tác với bác sĩ (không nói, không ăn, không uống thuốc).

Theo lời kể gia đình bệnh nhân, ở lần sinh con thứ 1, bệnh nhân đã… khác thường như luôn sợ sệt, rửa tay liên tục nhưng một thời gian sau tự khỏi. Đến khi sinh con thứ 2, bệnh tình nặng hơn khiến sản phụ không ăn, không uống thuốc… trong 5 tháng liền khiến gia đình phải đưa đi viện.

Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra với bất kỳ ai. Người dân ở huyện Ba Vì (Hà Nội) từng bất ngờ khi biết chị C.T.H đã sát hại chính con của mình, cho dù trước đó hai vợ chồng phải chạy chữa nhiều năm mới có con. Chị C.T.H rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh với biểu hiện ngồi một mình, câm lặng hàng giờ, thỉnh thoảng gào thét, đập phá.

Mặc dù, bác sĩ khuyến cáo gia đình nên điều trị lâu dài cho bệnh nhân nhưng sau 1 tuần nằm viện, chị H đã được gia đình đưa về. Kết quả, lựa lúc không ai để ý, chị H đã bế con ra hiên nhà, đặt vào chiếc rổ lớn rồi sát hại em bé. Một trường hợp khác là chị V.T.G (Chương Mỹ, Hà Nội) do không được sự quan tâm của chồng và gia đình nên bị stress sau sinh. Mệt mỏi cộng với ức chế về tinh thần, chị đã ôm con để tự tử…

Một điều dễ nhận thấy là các bậc cha mẹ, đặc biệt là người sinh con so thường tô hồng cuộc sống sau khi có con. Phần lớn chị em đều nghĩ rằng đứa con sinh ra là cầu nối tăng tình cảm vợ chồng, thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Rồi việc bản thân, em bé cũng sẽ được mọi người chăm sóc. Thực tế không như tưởng tượng khiến mọi người thất vọng, suy sụp. Việc con quấy khóc liên miên đã khiến một bà mẹ ở Gia Lâm (Hà Nội) bị kích động quá mức, lấy dao chém liên tiếp vào con mình…

Giá như…

Sau khi sinh, cơ thể phụ nữ có một sự thay đổi lớn về tâm, sinh lý. Người mẹ trải qua một thời gian ở trong tâm trạng mong chờ con ra đời, vui mừng đón chào thiên thần bé nhỏ, nhưng khoảng 85% các bà mẹ ngay sau đó gặp phải cảm giác buồn thoáng qua với những biểu hiện buồn và chán, khó ngủ, dễ bị kích thích, thay đổi cảm giác ngon miệng, có vấn đề về sự tập trung chú ý.

Theo bác sĩ phụ sản Trần Kim Phượng, những biểu hiện này thường gặp trong một vài ngày đầu sau sinh và tối đa kéo dài hai tuần do người mẹ có sự thay đổi về hormone ngay sau sinh. Nhưng nếu những biểu hiện này kéo dài hơn hai tuần thì người đó đã mắc bệnh trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh nguy hiểm với người mẹ và các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, căn bệnh trên hoàn toàn được kiểm soát nếu phụ nữ sau sinh được nghỉ ngơi hợp lý, nhận được sự hỗ trợ về tinh thần cũng như chăm sóc bé của người thân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn phụ nữ phải vượt qua cơn khủng hoảng trầm cảm sau sinh này một mình mà không được người nhà thấu hiểu, thậm chí còn vô tình làm họ bị căng thẳng kéo dài. Ước tính bệnh trầm cảm sau sinh ảnh hưởng tới 13% sản phụ sau khi sinh con. Với khoảng 1 triệu trẻ chào đời mỗi năm ở nước ta, số sản phụ mắc hội chứng trên không hề nhỏ. Những câu chuyện đau lòng xảy ra thời gian qua là tiếng chuông cảnh tỉnh với những cặp vợ chồng có ý định làm bố mẹ. Hãy trang bị kiến thức làm cha, làm mẹ và kỹ năng để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, sản phụ, người thân, đặc biệt là người chồng khi thấy biểu hiện ban đầu như lo âu, chán nản, buồn bã, không tha thiết những thứ mình từng rất thích, chán ăn… cần nghĩ ngay đến bệnh trầm cảm sau sinh. Ngoài việc hỗ trợ người bệnh về mặt tinh thần, cần đưa họ đi khám và chữa trị bởi trầm cảm không thể tự khỏi mà có thể còn diễn biến thành trầm cảm nặng hơn.

Với tỷ lệ mắc từ 10 - 15%, trầm cảm sau sinh chiếm tỷ lệ nhiều hơn một số bệnh lý thường gặp như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ. Tỷ lệ mắc cao nhưng lại ít được gia đình, cộng đồng quan tâm khiến số người mắc ngày một nhiều và hậu quả thường nặng nề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ