|
Một phụ huynh phải dắt bộ do chết máy. |
|
Một nhà dân trên đường Mễ Cốc, Q.8 chất đầy các bao cát phía trước để chống triều cường. |
Dọc tuyến đường Mễ Cốc (Q.8), Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) và một số con hẻm nước dâng quá nửa bánh xe máy, người dân không thể điều khiển phương tiện đi lại, sinh hoạt bị đảo lộn. Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của triều cường đã đắp bao cát chắn ngang cửa nhà.
|
Bà Lý Mỹ Châu - một người dân sống lâu năm tại khu vực P.15, Q.8. |
Bà Lý Mỹ Châu - một người dân sống lâu năm tại khu vực P.15, Q.8 cho biết, trước đây khu đường Mễ Cốc không bị ngập, nhưng theo thời gian người ta xây bờ bao chống ngập ban đầu cao 40cm, nhưng đến nay sau nhiều lần gia cố bờ bao này đã cao hơn 1,2m. Nhìn khúc sông nước dâng lênh láng cao quá mặt đường lộ khoảng 25cm, bà Châu tặc lưỡi ‘không biết sao mà ngày càng ngập dữ vậy. Ngập nước không buôn bán được gì cả’.
|
Khu vực đường Trịnh Quang Nghị (P.7, Q.8) ngập sâu. |
Do chịu ảnh của triều cường và sự cố vỡ bờ bao trên đường Mễ Cốc nên một số phường của quận 8 và khu vực lân cận bị ngập sâu. Anh Vũ Trọng Quân - một cư dân ở đường Trịnh Quang Nghị (P.7, Q.8) cho hay khu vực này nước ngập trên đường kéo dài 2km, nơi ngập sâu khoảng 0,6m, nhiều người dân đi qua đây rất nhiều khó khăn, nhiều xe gắn máy đã phải dắt bộ.
|
Một phụ huynh phải chở con quay ngược lại do triều ngập sâu. |
|
Trạm bơm chống ngập trên đường Mễ Cốc (P.15, Q.8) đang phải hoạt động hết công suất. |
Tuy vậy, anh Vũ Trọng Quân cho hay anh và người dân khu vực này không lấy làm bất ngờ vì ngập, bởi lẽ ‘chuyện ngập ở TPHCM bao năm nay đã thành món đặc sản rồi. “Một điều tôi cảm thấy lo lắng là càng ngày tần suất ngập càng nhiều và mực nước ngập càng cao”- anh Vũ Trọng Quân chia sẻ.
|
Người dân khu vực C4, đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, mua vật liệu để nâng nền. |
Nhiều nhà dân thuộc hẻm C4 đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (khu vực giáp ranh với Q.8) cũng chịu chung cảnh ngộ tát nước chống ngập. Nhiều nhà đã phải mua vật liệu xây dựng để gia cố ngay trong đêm khi triều cường vừa rút. Tuy nhiên do triều cường năm nay cao hơn mọi năm nên nhiều hộ gia đình không lường trước được việc ngập sâu.
|
Một hộ gia đình khu vực đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) xây tường ngăn nước chảy từ trong nhà tắm ra bên ngoài. |
Mặc dù đã nâng đường 2 lần và gia cố một hàng gạch chặn trước cửa để nước ngoài đường không tràn vào nhà, nhưng với đợt triều cường quá đỉnh tối 30/9, nhiều nhà dân hẻm C4 (đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đã bất lực nhìn nước tràn vào nhà.
Ông Sáu - một người dân sống lâu năm trong hẻm C4 cảm thán ‘Con hẻm này đã nâng đường 2 lần, nhà tui nâng nền 1 lần. Từ trước tới giờ tui chưa thấy đợt triều cường nào mạnh như lần này’.
|
Lực lượng túc trực tại trạm bơm cầu Kênh Ngang số 3 trên đường Mễ Cốc (P.15, Q.8). |
|
Tuyến đường Mễ Cốc gần chân cầu Kênh Ngang số 3 trên đường Mễ Cốc (P.15, Q.8) ngập ngày càng sâu. |
Theo anh Vũ Trọng Quân (P.7, Q.8) , chính quyền TP cần phải đề ra chính sách chống ngập tận gốc, trước giờ chỉ sử lý phần ngọn không hiệu quả... “Tốc độ đô thị hoá quá nhanh, mà bộ phận quản lý lại không theo kịp, do đó đã phá vỡ quy hoạch nên nước không có lối thoát. Cứ bịt chỗ này thì nước lại xì chỗ khác, do lấp hết các ao hồ chứa...” – anh Quân chia sẻ. “Cần lập lại quy hoạch tổng thể, với các khu dân cư mới cần quy hoạch bài bản, giám sát chặt chẽ, lập các vành đai vệ tinh để di dân, không lấp ao hồ, và cần thiết quy hoạch mở thêm nhiều ao hồ để có chỗ nước thoát...”.